Trường Đại học Hoa Sen hợp tác cùng doanh nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao

26/07/2019 07:14
Việt Dũng
(GDVN) - Việc bắt tay hợp tác cùng với doanh nghiệp, là một trong những tiêu chí đào tạo hàng đầu của Trường Đại học Hoa Sen ngay từ khi mới thành lập.

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Vũ Tường Thụy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nhấn mạnh tại buổi tọa đàm “Nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành đô thị sáng tạo”, do Trường Đại học Hoa Sen tổ chức ngày 25/7/2019.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, thay mặt Ban Giám hiệu Trường Đại học Hoa Sen, Tiến sĩ Vũ Tường Thụy – Phó Hiệu trưởng cho biết, việc bắt tay hợp tác cùng với doanh nghiệp, là một trong những tiêu chí đào tạo hàng đầu của Trường Đại học Hoa Sen ngay từ khi mới thành lập.

Tiến sĩ Vũ Tường Thụy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu khai mạc tọa đàm (ảnh: CTV)
Tiến sĩ Vũ Tường Thụy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu khai mạc tọa đàm (ảnh: CTV)

Trải qua gần 30 năm phát triển, Hoa Sen tiếp tục giữ vững hướng đi này, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của thị trường lao động.

Trong thời gian vừa qua, nhà trường tiếp tục mở rộng hướng đi này, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo, phục vụ nhu cầu chung của xã hội, mà gần đây nhất là chủ trương xây dựng, vận hành đô thị sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia buổi tọa đàm, ông Hà Thân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tin học Lạc Việt đã có những chia sẻ liên quan đến các cuộc cách mạng công nghiệp từ 2.0 đến 4.0, khẳng định sứ mệnh của các trường đại học, cao đẳng là nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên.

Cụ thể, sinh viên cần chủ động trang bị kiến thức có liên quan đến công việc, bên cạnh việc sở hữu kỹ năng “4C”, gồm có: Commucation (giao tiếp), Creativity (Kỹ năng sáng tạo), Critical Thinking (Kỹ năng tư duy phản biện), Collaboration (Kỹ năng hợp tác).

Tọa đàm “Nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành đô thị sáng tạo” ngày 25/7 (ảnh: P.L)
Tọa đàm “Nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành đô thị sáng tạo” ngày 25/7 (ảnh: P.L)

Nhắc đến làn sóng Trí tuệ nhân tạo (AI), ông Trần Phúc Hồng – Giám đốc TMA Innovation Center chia sẻ, TMA từng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin chuyên về AI, bởi thực trạng khan hiếm đơn vị đào tạo chuyên về AI, hoặc đại đa số các bạn trẻ chỉ ở bước tự học, chứ không chuyên sâu.

Để khắc phục tình trạng này, TMA đã đưa ra giải pháp tự đào tạo, bằng cách hợp tác với nhiều trường đại học lớn trong các dự án R&D như Đại học Oslo, Đại học Adelaide, hoặc là mời các chuyên gia quốc tế đến TMA để đào tạo.

Hướng đi này đã từng bước gặt hái được nhiều thành công, và cho đến nay, TMA đã đào tạo được thành công khoảng 300 kỹ sư công nghệ thông tin thành thạo về các ứng dụng mới.

Chia sẻ về những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như của thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay đã đặt ra không ít thách thức cho các trường đại học, trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong công nghệ cao, cụ thể là AI.

Đó chính là lý do mà trong thời gian vừa qua, khoa Khoa học Kỹ thuật của Trường Đại học Hoa Sen đã có sự chuẩn bị dài hơn, để triển khai hướng chuyên ngành “Trí tuệ nhân tạo ứng dụng theo hướng công nghiệp”.

Việt Dũng