Trường Đại học hỗ trợ đào tạo và kết nối việc làm cho lao động hồi hương

18/05/2020 14:27
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Hàng ngàn lao động có tay nghề cao trở về từ nước ngoài đang loay hoay tìm việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo và kết nối việc làm.

Ngày 18/5, Đại học Đông Á (Đà Nẵng) cho biết, sắp đến, trường sẽ tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLCT) và hỗ trợ đào tạo, kết nối việc làm cho người lao động hồi hương.

Hàng ngàn lao động hồi hương sẽ được hỗ trợ đào tạo và kết nối việc làm. Ảnh: AN
Hàng ngàn lao động hồi hương sẽ được hỗ trợ đào tạo và kết nối việc làm. Ảnh: AN

Đây là kết quả của quá trình hợp tác, ký kết giữa nhà trường với Hội kết nối và hỗ trợ người lao động hồi hương (ACSL), Công ty cổ phần tập đoàn An Dương.

Theo đó, ACSL sẽ kết nối, hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho sinh viên có trình độ tiếng Nhật, tiếng Hàn và chuyên môn nghề nghiệp của Đại học Đông Á về nước sau thời gian làm việc tại Nhật, Hàn Quốc phát triển nghề nghiệp.

Những người này sẽ được giới thiệu việc làm phù hợp tại các công ty, doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam nằm trong mạng lưới liên kết với ACSL. 

Học nghề hay đại học không quan trọng bằng việc học xong có việc làm ngay
Học nghề hay đại học không quan trọng bằng việc học xong có việc làm ngay

Đồng thời, kết nối các du học sinh, người lao động hồi hương là hội viên của ACSL để Đại học Đông Á đào tạo tay nghề phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam.

“Theo số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số lao động Việt Nam hết hạn về nước từ 2015-2018 ước tính khoảng 110.000 người, mỗi năm tương ứng với gần 30.000 người.

Người lao động về nước từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… được đánh giá là có trình độ, kỹ năng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt.

Tuy nhiên, nhiều người sau khi về nước vẫn còn loay hoay tìm kiếm công việc phù hợp dù được đào tạo và có kỹ năng nghề cao.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang thiếu hụt lao động có tay nghề, trình độ cao.

Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam luôn có nhu cầu tuyển dụng người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp.

ACSL đặt mục tiêu trong những năm đầu có thể hỗ trợ đến 2% việc làm cho số lượng lao động đó”, ông Bùi Xuân Quảng – Chủ tịch Hội kết nối và hỗ trợ người lao động hồi hương ACSL cho biết.

Về việc tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLCT, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi ngay tại trường giúp linh hoạt về địa điểm, thời gian tổ chức thi.

Qua đó, tiết kiệm chi phí di chuyển, thuận lợi cho việc thi lấy chứng chỉ Nhật ngữ làm hành trang thực tập nghề nghiệp và làm việc tại Nhật cho hàng trăm sinh viên Đại học Đông Á mỗi năm.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện có hơn 200 trung tâm tin học – ngoại ngữ có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, thi các chứng chỉ ngoại ngữ.

Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề
Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề

Tuy nhiên, những trung tâm có đủ năng lực để được cấp phép tổ chức thi là không nhiều.

Do đó, việc triển khai những ý tưởng, tâm huyết đối với người học qua ký kết hợp tác tổ chức thi năng lực tiếng Nhật giữa Đại học Đông Á và các đối tác sẽ góp thêm sự lựa chọn mới, hữu hiệu và chính xác cho các bạn học sinh, sinh viên.

Thầy Lương Minh Sâm – Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Á cho biết: “Nhu cầu việc làm đối với lao động hồi hương là rất lớn.

Việc hỗ trợ đào tạo, kết nối việc làm giải quyết khó khăn tìm việc cho người lao động sau thời hạn làm việc tại nước ngoài là giải pháp mang tính cộng đồng cao, càng thiết thực hơn trong và sau giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay.

Cùng với đó, hợp tác tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLCT ngay tại Đại học Đông Á cũng là tiền đề hướng tới thành lập ngành Ngôn ngữ Nhật trong khối đào tạo ngoại ngữ tại Đại học Đông Á trong thời gian tới”.

AN NGUYÊN