Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đi đầu cả nước trong đào tạo nhân lực logistics

18/02/2021 06:20
Lã Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là cơ sở đào tạo nhân lực logistics lớn, đủ năng lực đào tạo đủ nguồn và chất lượng quốc tế cho ngành dịch vụ logistics cảng biển

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành logistics của Hải Phòng hiện nay bao gồm hệ thống cảng biển, đường giao thông đã được đầu tư tương đối bài bản và hiệu quả, nhưng khó khăn chung của toàn ngành là nguồn nhân lực mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu thực tế.

Do đó, để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho ngành logistics, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã và đang có những chiến lược đào tạo bài bản, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển của đất nước.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhằm hiểu rõ hơn vai trò của dịch vụ logistics cảng biển trong liên kết chuỗi dịch vụ logistics tại Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để trở thành cửa ngõ logistics hiện đại của khu vực kinh tế phía Bắc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, ông có thể cho biết vai trò của dịch vụ logistics cảng biển thành phố Hải Phòng đối với mạng lưới giao thông vận tải và logistics vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ?

Phó Giáo sư Phạm Xuân Dương: Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất và là trung tâm kinh tế, văn hoá và khoa học công nghệ của cả nước, giữ vị trí, vai trò đặc biệt trong quá trình phát triển của cả nước.

Với vị trí cửa ngõ kết nối hiệu quả khu vực, thế giới với vùng Tây Nam Trung Quốc và thượng nguồn Sông Mekong, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là một đầu mối giao thông với các nước trên thế giới bằng các loại hình giao thông một cách thuận lợi.

Thành phố Hải Phòng có vị trí chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ và cả nước, đóng vai trò là cửa ngõ miền Bắc Việt Nam cũng như các quốc gia láng giềng ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar) và vùng Tây Nam, Trung Quốc với hệ thống hạ tầng cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và hàng không được đầu tư xây dựng quy mô tương đối hiệu quả.

Với vai trò là cảng đầu mối, cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước ra Vịnh Bắc Bộ và thế giới, Hải Phòng có quy mô và sản lượng hàng hoá thông qua cảng đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.

Với vai trò đầu mối giao thương cảng biển quốc tế, Hải Phòng đã và đang đầu tư xây dựng các công trình đầu mối có vai trò quan trọng như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Hệ thống hạ tầng hỗ trợ logistics như đường bộ, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS, ... kết nối hiệu quả với các cảng cạn, cảng biển, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu.

Hải Phòng có nền tảng và tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics chính của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cả nước và trong tương lai là điểm trung chuyển của mạng lưới logistics khu vực và toàn cầu.

Với sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng trọng điểm, Hải Phòng được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm logistics của khu vực, góp phần vào sự tăng trưởng của cả nước.

Bên cạnh đó, Hải Phòng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc”.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng kết nối với của tỉnh phía Bắc Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây - Trung Quốc; một cực tăng trưởng quan trọng của Hai hành lang kinh tế; một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm thương mại lớn của Hai hành lang kinh tế và cả nước, trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của tuyến hành lang và của cả Việt Nam.

Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động logistics của Hải Phòng bao gồm các cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS, ... phục vụ cho hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hoá.

Thành phố đang đẩy nhanh quá trình xây dựng các công trình đầu mối để phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả vận chuyển, lưu thông hàng hoá, đóng góp vào giá trị gia tăng của liên kết chuỗi logistics vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh, cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, các tuyến đường sắt nối với cảng biển, cảng bốc dỡ nội địa và các dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhằm giao ùn tắc giao thông đô thị, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hoá đến và đi.

Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1) giai đoạn đến 2020, định hướng đến năm 2030, dự báo khối lượng hàng hoá thông qua nhóm cảng phía Bắc cho thấy Cảng Hải Phòng chiếm phần lớn lượng hàng hoá thông qua cảng, đóng vai trò như cửa ngõ của nền kinh tế cả khu vực, trung tâm của sự vận chuyển, lưu thông hàng hoá và ngành dịch vụ logistics.

Có thể thấy rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành logistics của Hải Phòng hiện nay bao gồm hệ thống cảng biển, đường giao thông đã được đầu tư tương đối bài bản và hiệu quả.

Tuy nhiên, Hải Phòng cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của toàn ngành đó chính là vấn đề nguồn nhân lực.

Theo Hiệp hội Kinh doanh Logistics Việt Nam (VLA), nguồn cung cấp lao động cho ngành logistics chỉ đáp ứng được chưa đến 50% nhu cầu thực tế.

Một nghiên cứu khảo sát mới đây cho thấy 50% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 10% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Đội ngũ lao động chưa thật tinh thông nghiệp vụ và hiểu biết luật pháp nên khả năng xây dựng hệ thống dữ liệu, phân tích trạng thái logistics còn nhiều bất cập, khiến rủi ro trong logistics của Việt Nam khá cao.

Nguồn nhân lực trong ngành logistics đang thiếu hụt nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng do vậy cần phải kịp thời bổ sung ngay.

Hội thảo quốc tế “Thực trạng và các giải pháp phát triển mạng lưới kết nối logistics và vận tải đa phương thức của CLMV và khu vực” trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực TT ĐT Logistics Tiểu vùng Mekong – Nhật Bản tại Việt Nam, Giai đoạn 2”.

Hội thảo quốc tế “Thực trạng và các giải pháp phát triển mạng lưới kết nối logistics và vận tải đa phương thức của CLMV và khu vực” trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực TT ĐT Logistics Tiểu vùng Mekong – Nhật Bản tại Việt Nam, Giai đoạn 2”.

Phóng viên: Phó Giáo sư có thể cho biết năng lực đào tạo logistics của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành logistics?

Phó Giáo sư Phạm Xuân Dương: Như đã phân tích ở trên, một trong những yếu điểm lớn nhất của ngành logistics nước ta chính là nguồn nhân lực thiếu cả số lượng và chất lượng, công tác đào tạo phục vụ phát triển kinh tế biển còn rất hạn chế.

Hiện nay, ở khu vực phía Bắc có một số trường đại học đào tạo nhân lực cho ngành logistics gồm: Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Tài chính – Makerting. . .

Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2018 (Bộ Công thương), Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là cơ sở đào tạo nhân lực logistics lớn nhất, đủ năng lực đào tạo đủ nguồn và chất lượng quốc tế cho ngành.

Được thành lập từ ngày 1/4/1956 với tiền thân là Trường Sơ cấp Lái tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo các cán bộ khoa học - kỹ thuật các cấp phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển của đất nước.

Trải qua gần 65 năm xây dựng, hội nhập, và phát triển, Nhà trường đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển của ngành Giao thông Vận tải, nền kinh tế quốc dân, quốc phòng - an ninh và hết sức vinh dự được phong danh hiệu Anh hùng hai lần.

Nhà trường đã đào tạo được gần 40.000 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, 26.000 sỹ quan hàng hải và thuyền viên phục vụ trực tiếp cho nền kinh tế biển của đất nước.

Trong số đó, nhiều đồng chí đang giữ những trọng trách ở các cơ quan Nhà nước, các công ty thuộc các ngành trọng điểm của đất nước.

Nhà trường hiện đang đào tạo 46 chuyên ngành đại học, 13 chuyên ngành cao học, 8 chuyên ngành nghiên cứu sinh liên quan trực tiếp đến kinh tế biển với tổng số 15.500 sinh viên và học viên.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường gồm 947 người, trong đó có 57 giáo sư, phó giáo sư; 178 Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ; 588 Thạc sỹ; 338 Thuyền trưởng, Máy trưởng hạng I và hàng trăm sỹ quan quản lý, vận hành và thuyền viên lành nghề.

Nhận thấy hiện trạng và xu hướng phát triển của ngành logistics trong nước và thế giới, năm 2012, nhà trường đã chính thức mở chuyên ngành Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng với số lượng tuyển sinh ban đầu là 200 sinh viên/năm.

Đến nay, tổng số sinh viên chuyên ngành logistics của nhà trường đã và đang được đào tạo là 1.500 sinh viên với số lượng sinh viên tuyển sinh 300 sinh viên/năm.

Đặc biệt, Nhà trường còn có chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế và Logistics giảng dạy toàn bộ bằng Tiếng Anh theo chương trình hợp tác với Học viện Hàng hải California (Hoa Kỳ).

Các chuyên ngành đào tạo cho lĩnh vực logistics và có liên quan trực tiếp bao gồm: Logistics & chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế & Logistics (học bằng Tiếng Anh), Kinh tế ngoại thương (có 02 chương trình, Tiếng Anh + Tiếng Việt), Kinh tế hàng hải và Toàn cầu hóa (học bằng Tiếng Anh), Quản lý kinh doanh & Marketing (học bằng Tiếng Anh), Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thuỷ.

Toàn bộ số lượng sinh viên chuyên ngành logistics và các chuyên ngành liên quan như: Kinh tế vận tải biển, Kinh tế ngoại thương, Kinh tế vận tải thuỷ, ... đều được các doanh nghiệp logistics lớn của Hải Phòng và toàn quốc tuyển dụng, hiện đang đóng góp hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, đảm nhận các vị trí quan trọng và được doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, được thành lập và phát triển từ sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đảm nhiệm vai trò thực hiện các khoá đào tạo ngắn hạn, khoá đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Giai đoạn 1 của dự án được Chính phủ Nhật Bản viện trợ 2,3 triệu USD qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN để thành lập trung tâm từ năm 2012 đến năm 2014.

Đây là trung tâm đầu tiên trong khu vực được thiết kế, xây dựng, chuyển giao công nghệ cùng hệ thống trang thiết bị huấn luyện, thực hành và phần mềm mô phỏng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã thực hiện các khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo tất cả các chủ đề liên quan đến lĩnh vực logistics cho hơn 1.500 lượt học viên không chỉ của Việt Nam mà còn đến từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar.

Các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tại Trung tâm được chia thành 02 cấp độ quản lý và vận hành.

Đối với các khoá học quản lý, gồm có: Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ quản trị logistics, chuỗi cung ứng; Quản lý kho; Quản lý vận tải; Kinh doanh logistics; Kinh doanh xuất, nhập khẩu. Các khoá học vận hành, bao gồm: Điều khiển xe nâng; Lái xe an toàn, sinh thái; Vận hành kho; Đóng gói hàng hoá; Bốc xếp hàng hoá; Khai báo hải quan, ....

Các khoá đào tạo tại Trung tâm đều được hướng dẫn, chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp thực hiện.

Hiện nay, Nhà trường đã vận động thành công và đang triển khai giai đoạn 2 của dự án với tổng giá trị là 1 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản viện trợ qua JAIF.

Mục tiêu của giai đoạn 2 của dự án là nâng cao năng lực cho trung tâm theo hướng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn đào tạo tiên tiến của Nhật Bản góp phần vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics của khu vực.

Toàn cảnh Trung tâm đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam.

Toàn cảnh Trung tâm đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam.

Phóng viên: Phó Giáo sư có những kiến nghị, đề xuất nào để dịch vụ logistics cảng biển trong liên kết chuỗi dịch vụ logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hoạt động hiệu quả, trở thành cửa ngõ logistics hiện đại của khu vực kinh tế phía Bắc?

Phó Giáo sư Phạm Xuân Dương: Để dịch vụ logistics cảng biển trong liên kết chuỗi dịch vụ logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hoạt động hiệu quả cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực logistics để phân định rõ khả năng và trách nhiệm các bên trong việc phát triển dịch vụ logistics, trong đó có phát triển nguồn nhân lực logistics.

Cùng với đó, cần xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, quy định về các kiến thức, kỹ năng bắt buộc phải có đối với các cán bộ quản lý, vận hành, công nhân lao động trong lĩnh vực logistics để chuẩn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics.

Kiểm định, đánh giá, công nhận các cơ sở đủ điều kiện đào tạo kiến thức, kỹ năng cho lao động logistics, trong đó lấy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam làm hạt nhân để đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên, cán bộ, công nhân logistics cho miền Bắc nói riêng, Việt Nam và khu vực nói chung.

Đồng thời cần quan tâm phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các viện nghiên cứu chuyên ngành nhằm tạo bước đột phá để phát triển nhân lực logistics đi trước một bước.

Trong đó, cần tập trung đầu tư trọng điểm cho Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện logistics hàng đầu khu vực ASEAN.

Tiếp tục phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo.

Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức này có kế hoạch hợp tác với các chuyên gia hoặc tổ chức nước ngoài tại các quốc gia có dịch vụ logistics phát triển mạnh và hiệu quả.

Mạnh dạn đưa một số đơn vị quản lý và tổng công ty, tập đoàn lớn di chuyển từ Hà Nội về Hải Phòng, để tập trung phát triển Hải Phòng thành cửa ngõ thực sự của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đây là vấn đề được rất nhiều chuyên gia nêu lên nhiều lần trong 20 năm qua, để đảm bảo sự phát triển đúng hướng của ngành và lĩnh vực kinh tế biển đất nước nói chung và Hải Phòng nói riêng.

Tạo sự kết nối giữa cảng với các loại hình vận tải khác, đặc biệt xây dựng tuyến đường sắt, mạng lưới đường bộ với cảng; Có cơ chế tạo sự đột phá về phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ gia tăng của cảng biển; Đầu tư công trình biển và xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững.

Bên cạnh lĩnh vực logistics, chúng ta cũng cần quan tâm đầu tư đến các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến kinh tế biển như: hàng hải, đóng tàu, công trình biển, phát triển đội tàu vận tải để tạo chuỗi logistics khép kín, liên hoàn và hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương!

Lã Tiến