Trước thềm năm học mới, Thủ tướng yêu cầu chăm lo đời sống, tinh thần thầy- trò

28/08/2021 15:01
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi thầy cô, học sinh, sinh viên và phụ huynh nâng cao tinh thần chống dịch, tất cả vì tương lai con em chúng ta.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục, của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên khi triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện dịch bệnh, phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28/8, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, ghi nhận, biểu dương kết quả ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.

Thủ tướng đồng thời biểu dương, ghi nhận sự tham gia của ngành Giáo dục trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tinh thần chủ động xung phong của khối các trường y dược.

Thủ tướng cho rằng, còn nhiều khó khăn phía trước chưa lường hết được, những gì mà lãnh đạo địa phương, cơ sở giáo dục đại học chia sẻ hôm nay chỉ là những cái nhìn thấy qua sơ kết, tổng kết được nhưng những cái mới phức tạp, chưa hình dung ra được do đó năm học mới không được chủ quan lơ là, luôn bám sát thực tiễn để tìm ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với tình hình chung của thế giới và đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo kế hoạch, chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới 2021-2022 bắt đầu, thầy cô, học sinh, sinh viên và phụ huynh rất háo hức. Tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách, do đó bên cạnh giải quyết những khó khăn thì Thủ tướng yêu cầu cần phải có giải pháp trước mắt quan tâm tới toàn bộ học sinh, sinh viên, thầy cô trong thời khắc khó khăn này.

Thủ tướng dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người, giờ đây dù khó khăn đến mấy cũng phải kiên trì, kiên định vì “trồng người” là mục tiêu chiến lược, lợi ích lâu dài.

Phát biểu của Thủ tướng nêu rõ những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua; những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cũng như những thách thức, nhiệm vụ đặt ra và cần có giải pháp khắc phục.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, ngành giáo dục đã từng bước, quyết liệt thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nên bổ sung thêm “lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô làm động lực” vì nền tảng không tốt, động lực không có thì sẽ ảnh hưởng đến “trung tâm”- chính là học sinh.

Về vấn đề cho thời gian tới, gần đây chúng ta nhắc nhiều đến văn hóa trong giáo dục con người Việt Nam ở các cấp học từ phổ thông đến đại học bởi văn hóa truyền thống lịch sử là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, tuy nhiên mức độ quan tâm còn chưa đúng mức, nhận thức còn khác nhau, do đó Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu đưa văn hóa truyền thống dân tộc vào sâu hơn nữa trong ngành giáo dục đào tạo, bởi ông cho rằng truyền thống đoàn kết, hào hùng của dân tộc là nguồn lực rất quan trọng nên cần đặt đúng vị trí của nó.

Chưa kể, do dịch COVID diễn biến phức tạp kéo dài nên nhiều cơ sở giáo dục đóng cửa, thu nhập của giáo viên đặc biệt là khối mầm non, giáo dục tư thục bị ảnh hưởng nặng nề. “Tôi biết nhiều thầy cô phải đi bán hàng, làm đủ việc để kiếm tiền nhưng vẫn đam mê với phấn trắng, bảng đen, với học trò thân yêu. Mong muốn này là hết sức chính đáng vậy do đó cần có chính sách phù hợp để thầy cô cống hiến”, Thủ tướng nói.

Đáng lưu ý, năm học 2021-2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới, bảo đảm an toàn trường học, gắn với tiêm vắc xin. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tiêm vắc xin cho học sinh; dựa trên căn cứ khoa học và độ tuổi để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm cho phù hợp.

Thủ tướng cũng chia sẻ với thầy cô, học sinh, sinh viên cả nước khi ngày tựu trường, khai giảng cận kề nhưng không được đến trường mà chỉ gặp thầy cô – bạn bè qua máy tính. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi thầy cô, học sinh, sinh viên và phụ huynh nâng cao tinh thần chống dịch, tất cả vì tương lai con em chúng ta. Chống dịch vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người.

Riêng về quy hoạch không gian xây dựng trường học nhất là thành phố lớn và khu công nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát để xây dựng phải có tầm nhìn xa, hiện đại chứ một trường đại học mà quy hoạch 1-2 hecta thì làm sao có không gian phát triển, để trở thành tầm cỡ quốc tế, cần phải xem tiêu chí trở thành đại học quốc tế yêu cầu bao nhiêu hecta.

“Nhân đây, tôi yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư phải đầu tư ngay cho Đại học Quốc gia Hà Nội, không thể để hơn 10 năm nay dự án ở Hòa Lạc không làm xong. Một thành phố đại học mấy chục hecta như vậy là rất đúng, giờ cần phải làm cho đàng hoàng, tránh lãng phí nguồn lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương phân bổ chỉ tiêu giáo viên phù hợp, cơ cấu trường lớp, giảm bệnh thành tích để đạt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”...

Cùng với đó, Thủ tướng cũng có những chỉ đạo rất cụ thể, toàn diện về các vấn đề giáo dục, trên quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Thùy Linh