​Trung tâm Kiểm định chất lượng phải độc lập về tổ chức với cơ sở giáo dục

02/08/2019 06:53
Nhật Quang
(GDVN) - Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập về tổ chức, chứ không phải độc lập về cách đưa ra quyết định như một số người cố tình luận giải.

Từ 1/7/2019, Luật Giáo dục đại học sửa đổi chính thức có hiệu lực. Xung quanh vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng).

Phóng viên: Hiện nay, các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở nước ta đang ngày một sôi động, nhưng không phải tất cả mọi người đều hiểu đúng về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Được biết ông là người dành nhiều thời gian để xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở nước ta và ông đã từng công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Australia nên ông hiểu được xu thế quốc tế trong lĩnh vực này.

Ông cho một vài nét khái quát về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh tham dự một lễ khai giảng Chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục (Ảnh: http://tintuc.vnu.edu.vn)
Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh tham dự một lễ khai giảng Chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục (Ảnh: http://tintuc.vnu.edu.vn)

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh: Kiểm định chất lượng giáo dục (accreditation) tập trung vào việc đánh giá để công nhận hay không công nhận cơ sở giáo dục hay chương trình giáo dục đạt các tiêu chuẩn tối thiểu.

Ở nước ta, từ năm 2016 trở lại đây, đang có sự pha trộn giữa các loại hình đánh giá với loại hình kiểm định chất lượng.

Đánh giá theo AUN-QA là một mô hình đánh giá theo tiêu chí (criteria-based assessment) để xác định các sản phẩm đầu ra đã tốt hay chưa tốt.

AUN-QA không đánh giá theo chuẩn (standards-based assessment), không có hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục.

Hiện tại ở nước ta có năm trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có 4 trung tâm thuộc 4 đại học hay trường đại học.

5 trung tâm kiểm định này bao gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội, viết tắt: VNU-CEA;

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, viết tắt: VNU-HCM CEA; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Đà Nẵng, viết tắt: CEA.UD;

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, ảnh do tác giả cung cấp.

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, viết tắt: CEA-AVU&C và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Vinh, viết tắt: VCEA.

Có một điều đáng nói là trừ Trung tâm CEA-AVU&C, bốn trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục còn lại đều thuộc các Đại học và Trường đại học. Hiện tượng này không hề có ở trên thế giới.

Điều này liên quan đến khái niệm kiểm định chất lượng giáo dục và tính độc lập khi đưa ra quyết định công nhận các trường đại học khác đạt hay không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Nếu hiểu theo cách hiểu hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì tại sao các trường đại học khác không được thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục?

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng được thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục để đánh giá các trường đại học khác, thì tại sao Đại học Thái Nguyên không được thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục để đi đánh giá các trường khác?

Trường Đại học Vinh được thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, thế hơn 200 trường đại học khác thì sao?

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: cea.vnu.edu.vn.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: cea.vnu.edu.vn.

Tình trạng này làm cho những người ở bên ngoài khó mà hiểu được tính minh bạch và độc lập của công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam.

Khoản 1, Điều 52 Luật Giáo dục đại học sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, có quy định:

“1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học.

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học”.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập về tổ chức, chứ không phải độc lập về cách đưa ra quyết định như một số người cố tình luận giải, trong đó có các cán bộ của cơ quan quản lý về việc này.

Xu thế chung của thế giới, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở trên thế giới đều độc lập với các cơ sở giáo dục; không thể tìm được một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nào nằm trong một trường đại học nào đó.

Ở Châu Mỹ, Châu Âu, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là các tổ chức độc lập, phi chính phủ.

Trong mấy chục năm gần đây, nhà nước quan tâm nhiều hơn đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nên một số nước đã thành lập các tổ chức kiểm định quốc gia như Australia, Phillipines, Indonesia, Nhật Bản, Campuchia...

Cần đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Cần đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Phóng viên: Thưa ông, tại sao chúng ta không thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập với các cơ sở giáo dục hay thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia như các nước trên thế giới?

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh: Trước năm 2015, ở nước ta, sau một thời gian dài và nỗ lực hết sức để thành lập tổ chức kiểm định của Nhà nước nhưng không thành công do nhiều người cho rằng thành lập tổ chức kiểm định thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là thiếu khách quan, mà thành lập một tổ chức kiểm định độc lập với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì khác nào lấy đá ghè chân mình.

Do vậy, giải pháp lúc đó là thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đơn lẻ để sau này tạo thành một mạng lưới các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, có sự hợp tác chặt chẽ với nhau.

Do đó, hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của hai Đại học Quốc gia được thành lập năm 2014; đầu năm 2015, trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Đà Nẵng được thành lập; tiếp đó cuối năm 2015, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (CEA-AVU&C).

Và đến cuối năm 2017 lại có một Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Vinh được thành lập.

Phóng viên: Thưa ông, sao ngay từ đầu, chúng ta không thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập như ở các nước khác mà lại thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường đại học, một cách làm có vẻ không giống ai, không đúng quy định?

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh: Một câu hỏi rất thẳng thắn. Như đã nói ở trên, mục đích đầu tiên là thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước nhưng không thành công do nhiều người cho rằng thành lập tổ chức kiểm định thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là không khách quan.

Còn việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập theo Luật Doanh nghiệp thì phải có số vốn ký quỹ ban đầu là hai tỷ VNĐ và phải có kinh phí để chi cho các hoạt động ban đầu, cũng như để trả lương cho cán bộ, nhân viên, các cộng tác viên trong giai đoạn đầu, khi chưa có nguồn thu.

Cụ thể, Điều 5, khoản 3 của Thông tư số: 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định:

3. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

b) Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

c) Có trụ sở hoạt động ổn định và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người; mỗi kiểm định viên có một máy tính và bàn ghế làm việc;

d) Có số vốn tối thiểu 2 tỷ đồng để triển khai các hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, được góp hoặc phân bổ bằng các nguồn hợp pháp;

đ) Có quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

e) Có quy chế chi tiêu nội bộ;

g) Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Một đơn vị mới được thành lập mà có số vốn tối thiểu hai tỷ đồng cùng với các điều kiện cơ sở vật chất khác để triển khai thực hiện là hết sức khó khăn.

Do vậy, giải pháp cho giai đoạn đầu là thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục đại học để có thể sử dụng các điều kiện cơ sở vật chất sẵn có.

Do vậy, tại Thông tư số: 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012, Điều 3 chỉ quy định “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân; có tài khoản và con dấu riêng; có trụ sở giao dịch; hoạt động độc lập với các cơ sở giáo dục”.

Hiện nay, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định cụ thể hơn: tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập về tổ chức.

Phóng viên: Thưa ông, ông nghĩ như thế nào về các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ngoài công lập?

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh: “Điều 3. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, Thông tư số: 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012, có quy định:

"1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục theo các quy định của Quy định này, có chức năng đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập.

a) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

3. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân; có tài khoản và con dấu riêng; có trụ sở giao dịch; hoạt động độc lập với các cơ sở giáo dục”.

Triển khai công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo
Triển khai công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh: Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Nhà nước đã quy định là các tổ chức, cá nhân đều có thể thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Do vậy, không có cơ sở nào để nói rằng các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc các đại học và trường đại học sẽ đảm bảo sự công bằng, khách quan hơn các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ngoài công lập.

Phóng viên: Vậy ông nghĩ như thế nào về các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thuộc hai Đại học quốc gia, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Vinh?

Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh: Tôi đánh giá cao những đóng góp của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thuộc hai đại học quốc gia, đại học Đà Nẵng và về những gì mà họ đã làm được thể hiện qua số lượng các trường và chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo kiểm định viên...

Nhưng phải nói rằng tôi cảm thấy thất vọng khi 3 trung tâm do tôi trực tiếp trình lãnh đạo Bộ ký quyết định thành lập, trước khi tôi sang Australia làm Tham tán giáo dục, đã không thực hiện cam kết của họ là sau hai năm sẽ tách ra thành đơn vị độc lập như đã cam kết trong đề án thành lập trung tâm kiểm định.

Điều này cũng đã quy định trong Thông tư 61: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân; có tài khoản và con dấu riêng; có trụ sở giao dịch; hoạt động độc lập với các cơ sở giáo dục.

Các chuyên gia quốc thế cũng rất ngạc nhiên khi thấy, ở Việt Nam, trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục lại là một bộ phận của một trường đại học nào đó.

Tôi đã trả lời: đó là một giải pháp tạm thời của thời kỳ đầu từ năm 2014, nhưng thật thất vọng, bây giờ các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này lại tự xem mình như một bộ phận không thể tách rời của một đại học.

Người bạn nước ngoài này khuyên: các trung tâm này chỉ nên chọn một trong hai con đường: Hoặc là tách ra khỏi đại học/trường đại học để trở thành một đơn vị độc lập để tiếp tục tác nghiệp kiểm định chất lượng giáo dục hoặc từ bỏ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục để tập trung cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Đại học/Trường đại học phải là đối tượng chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của một Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập.

Chúng ta đang làm một điều ngược khoa học: đó là một tổ chức trực thuộc Đại học/trường đại học đi kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học khác.

Phóng viên: Cám ơn ông đã trao đổi và chia sẻ.

Nhật Quang