Trung tâm giáo dục thường xuyên trở thành địa điểm cho thuê và liên kết đào tạo

22/06/2019 06:40
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Nhiều Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không chỉ cho mượn địa điểm đơn thuần mà còn thêm từ “liên kết” để chiêu sinh học viên.

Từ ngày 1/7/ 2019 tới đây, theo Luật giáo dục sửa đổi thì các loại văn bằng đào tạo đại học không còn ghi hình thức đào tạo nữa. Vì thế, đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa đã được công nhận là có giá trị như nhau.

Việc đạo tạo các hệ không chính quy lâu nay được xem là cần câu cơm cho nhiều trường đại học. Bởi, việc tuyển sinh chính quy nhiều trường rất bèo bọt thế là họ mở những lớp đào tạo không chính quy ở các địa phương để nhằm đem lại thu nhập cho nhà trường.

Họ thường thuê các trung tâm giáo dục thường xuyên của các tỉnh, huyện làm địa điểm đào tạo.

Vô tình, nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên và Dạy nghề để các trung  tâm này lấy cơ sở đó cho các trường đại học thuê mướn. Khoản lợi ích này thuộc về ai?

Chức năng chính của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không phát huy được hiệu quả (Ảnh: Báo Quãng Ngãi)

Chức năng chính của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không phát huy được hiệu quả (Ảnh: Báo Quãng Ngãi)

Theo số liệu của Bộ Giáo dục năm 2015, cả nước có 726 Trung tâm giáo dục thường xuyên và Dạy nghề (71 cấp tỉnh, 655 cấp huyện).

Sau khi thực hiện Thông tư 39 giữa Bộ Giáo dục với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, nhiều địa phương đã sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên, các Trung tâm giáo dục thường xuyên và Dạy nghề cấp tỉnh và một số huyện vẫn còn được giữ nguyên cái tên như cũ.

Chức năng của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là dạy văn hóa; kết hợp học văn hóa với học nghề và học nghề ngắn hạn.

Nhưng, thực tế chỉ có một số trung tâm cấp tỉnh và một số ít trung tâm ở cấp huyện mở được lớp học văn hóa và học nghề ngắn hạn. Số lớn còn lại hoạt động rất èo uột, hàng năm không tuyển được học viên.

Tuy nhiên, cơ cấu Ban lãnh đạo trung tâm và giáo viên thì thường phải đầy đủ. Hàng năm, ngân sách nhà nước phải chi một số tiền rất lớn để trả lương cho đội ngũ này.

Trung tâm giáo dục thường xuyên trở thành địa điểm cho thuê và liên kết đào tạo ảnh 2Sự lãng phí ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng

Chính vì không tuyển được học viên nên trong năm học thì các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hoạt động rất vắng lặng nhưng vào dịp hè thì hoàn toàn ngược lại bởi học viên theo học thường rất đông.

Việc học viên đến các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không phải là để học văn hóa hay học nghề ngắn hạn như chức năng đào tạo của các trung tâm này mà chủ yếu là học nâng cao và học để lấy một số chứng chỉ theo quy định.

Các trường đại học mở lớp tại chức, từ xa khi muốn mở lớp ở địa phương khác thì việc đầu tiên là họ xin phép địa phương đó mở lớp. Sau đó, một vấn đề quan trọng nữa là họ muốn có một địa điểm để đặt lớp học lâu dài.

Đa phần các trường đại học đều hướng tới là các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên bởi ở đó cơ sở vật chất được đầu tư tốt, không gian thoáng rộng và việc thuê mướn cũng dễ dàng.

Ngoài các lớp học đại học không chính quy thì các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cũng trở thành địa điểm để bồi dưỡng lớp chức danh nghề nghiệp, luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Nhiều Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không chỉ cho mượn địa điểm đơn thuần mà còn thêm từ “liên kết” để chiêu sinh học viên.

Trong khi, chức năng của các trung tâm này làm gì có được việc đào tạo các ngành học đại học không chính quy hay mở lớp đào tạo ngoại ngữ và tin học nhưng không hiểu sao họ vẫn có được sự đồng thuận của các cấp quản lý để “liên kết” đào tạo.

Nhiều giáo viên khi tham gia các khóa học về bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, luyện thi ngoại ngữ, tin học thấy bất bình vì học phí các lớp học này quá cao mà thực tế là cao hơn mức thu nhập hàng tháng của giáo viên rất nhiều.

Trung tâm giáo dục thường xuyên trở thành địa điểm cho thuê và liên kết đào tạo ảnh 3Những ngôi trường hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, lãng phí không ai chịu trách nhiệm

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì tiền học phí này không phải là trường đào tạo được hưởng tất cả mà nó còn chia năm xẻ bảy.

Một phần dành cho trường đào tạo, phần cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, phần cho các cấp quản lý cho phép mở lớp…Và, tất cả những chi phí này được tính trên đầu học viên thì học phí các khóa học thường cao cũng là điều rất dễ hiểu.

Điều chúng ta đặt ra đó là nhà nước bỏ hàng chục tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất  cho mỗi Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với một mục đích rất nhân văn, thiết thực nhưng nhiệm vụ chính thì đa phần các trung tâm không làm được bởi rất khó tuyển học viên học văn hóa và học nghề ngắn hạn.

Sự “linh hoạt” của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên khi liên kết đào tạo hoặc cho thuê địa điểm đào tạo tất nhiên sẽ tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trung tâm còn nhà nước thì có lẽ chẳng có lợi lộc gì bởi mất tiền đầu tư cho một số cá nhân hưởng lợi.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện, nhất là cấp huyện đang rất nhiều lãng phí trong việc đầu tư mà không phát huy được tác dụng của nó.

Bởi, thực tế nhiều trường trung học phổ thông công lập cũng không tuyển được học sinh, các trường nghề "chính hiệu" cũng còn chưa thu hút được học viên thì các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên làm sao thu hút được người học.

Vì thế, nó trở thành các điểm thuê mướn cho các trường đại học đào tạo, trở thành đầu mối "liên kết" đào tạo cũng là điều dễ hiểu.

NGUYỄN NGUYÊN