Trung cấp, cao đẳng sư phạm đi về đâu?

17/07/2020 05:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ 1/7/2020 khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì trình độ tối thiểu của giáo viên các cấp là bằng cao đẳng sư phạm.

Tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 đã quy định:

Chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Như vậy có nghĩa khi áp dụng Luật Giáo dục mới, rồi đây bằng trung cấp sư phạm sẽ không còn được chấp nhận.

Từ 1/7/2020 khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì trình độ tối thiểu của giáo viên các cấp là bằng cao đẳng sư phạm (Ảnh minh họa: Lã Tiến)Từ 1/7/2020 khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì trình độ tối thiểu của giáo viên các cấp là bằng cao đẳng sư phạm (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Theo phân tích ở trên, sắp tới sẽ không tuyển mới giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm nhưng những giáo viên hiện tại đang làm việc mà có trình độ trung cấp vẫn có cơ hội để nâng chuẩn trình độ đào tạo.

Khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 cũng có quy định:

Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo đó, ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, đối với giáo viên mầm non: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Đối với giáo viên tiểu học: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đáng chú ý rằng, việc nâng chuẩn chỉ áp dụng với giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Phản ánh với Giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng một số trường trung cấp, cao đẳng sư phạm cho biết, từ năm học 2019-2020 về trước, các trường trung cấp và cao đẳng sư phạm (chủ yếu là sư phạm mầm non, tiểu học) vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo (thực hiện việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo) cấp chỉ tiêu nên vẫn tuyển sinh bình thường.

Mà các khóa học viên trung cấp, sinh viên cao đẳng này vẫn đang trong quá trình học tập, đặc biệt có khóa vừa tốt nghiệp hồi tháng 6 vừa qua.

Hơn nữa, Luật Giáo dục 2019 vẫn duy trì trung cấp sư phạm, theo quy định tại Khoản 2, Điều 105. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục:

"Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên."

Luật Giáo dục 2019, Điều 115. Quy định chuyển tiếp:

Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13.

Tuy nhiên với thực trạng nhiều địa phương thông báo tạm dừng chi phụ cấp thâm niên giáo viên ngay sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 khiến không ít sinh viên, phụ huynh có con em học cao đẳng, trung cấp sư phạm cũng như lãnh đạo các trường này rất lo lắng.

Liệu rồi đây các địa phương có vin vào hiệu lực của Luật Giáo dục 2019 này để từ chối tuyển dụng giáo sinh có bằng trung cấp, cao đẳng? hi vọng Nhà nước tạo điều kiện nhằm giải quyết lượng học sinh, sinh viên đang học và vừa tốt nghiệp.

Theo đó có thể tạo điều kiện bằng 2 cách để đảm bảo quyền lợi cho người học:

Một là, học sinh, sinh viên được học nâng chuẩn (theo Luật Giáo dục 2019) luôn.

Hai là, các em phải được tuyển dụng (nếu có chỉ tiêu) và thực hiện nâng chuẩn theo lộ trình từ nay đến năm 2025 hoặc năm 2030.

“Văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cũng cần đi theo hướng như vậy bởi lẽ đây là chỉ tiêu nhà nước giao cho các trường đào tạo nên nhà nước phải có phần trách nhiệm”, một hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm cho hay.

Lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên dự kiến thực hiện trong hơn 10 năm (1/7/2020 - 31/12/2030) để đào tạo nhà giáo chưa đạt chuẩn; bảo đảm mục tiêu đến hết năm 2030 có 100% giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Số lượng giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm chiết xuất số liệu ngày 15/12/2019) là 257.506 người; như vậy trung bình mỗi năm cả nước sẽ tuyển sinh để đào tạo 25.705 người; trung bình mỗi tỉnh/thành phố 1 năm sẽ có khoảng 408 giáo viên được cử đi đào tạo

Theo Báo Giáo dục và Thời đại.


Thùy Linh