Trực Tết không tiền, có nơi giáo viên còn phải bỏ tiền thuê người trực Tết

23/01/2021 07:10
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường vẫn phải có người trực Tết. Vậy, hiệu trưởng sẽ phân công trực Tết thế nào để giáo viên không bị ép trực mà vẫn cảm thấy trực một cách vui vẻ?

Tết Nguyên đán đã cận kề, giáo giới lại rộ lên câu chuyện giáo viên có phải trực Tết? Nếu trực có được nhận tiền làm thêm?

Nếu phân trực Tết hợp lý giáo viên sẽ biết chia sẻ với nhà trường (Ảnh Phan Tuyết)

Nếu phân trực Tết hợp lý giáo viên sẽ biết chia sẻ với nhà trường (Ảnh Phan Tuyết)

Mỗi địa phương một kiểu

Có nơi, thầy cô trực Tết âm lịch là nhiệm vụ bắt buộc khi nhà trường tự phân công mỗi tổ chuyên môn trực một ngày Tết và đương nhiên không có một đồng tiền thù lao nào.

Có nơi, giáo viên cũng nhận được tiền bồi dưỡng nhưng chỉ là vài ba chục ngàn đồng/ngày gọi là tiền trà, nước cho vui một tí. Và cũng có nơi, giáo viên trực Tết được nhận thù lao gấp đến 4 lần tiền lương cho một ngày công nhưng không phải bị trực mà là được trực vì người có tên trực gần như là lãnh đạo nhà trường và “bộ sậu” của họ.

Và lại có những nơi, giáo viên trực Tết đã không có một đồng tiền bồi dưỡng còn phải bỏ tiền túi của mình ra để thuê người trực thay vì các thầy cô xa quê lên vùng cao giảng dạy, Tết muốn về xum họp cùng gia đình.

Trực Tết qua lời kể của một số thầy cô giáo vùng cao

Nhiều giáo viên cắm bản ở các tỉnh Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum cho chúng tôi biết hàng năm các thầy cô giáo chỉ được về thăm nhà 2 lần vào dịp hè và dịp Tết. Tuy nhiên, dịp Tết nhiều trường học vẫn cứ phân công bắt buộc giáo viên phải trực Tết.

Không thể về nhà rồi trở lên trường trực 1 ngày, nhiều thầy cô giáo đã bàn nhau góp tiền thuê người trực thay mình. Mức đóng góp thường 200 ngàn đồng/người.

Giáo viên ở xa sẽ thuê các thầy cô giáo địa phương ở gần trường trực hộ.

Thầy giáo Dũng nói rằng 200 ngàn đồng cũng chẳng lớn nhưng thấy bất bình vì theo quy định giáo viên không phải trực Tết, nếu có trực sẽ được trả tiền gấp 3 hoặc 4 lần lương.

Nhưng nay, hiệu trưởng lấy quyền bắt họ phải trực, các đồng nghiệp này buộc phải bỏ tiền túi của mình ra để thuê người.

Cô giáo Mai cũng cho biết, đi dạy cả năm cũng chẳng có nổi vài trăm ngàn tiền Tết lại phải bỏ ra vài trăm thuê người trực hộ mà thấy tủi lòng.

Giáo viên có nhiệm vụ trực Tết không?

Điều 73 Luật Giáo dục hiện hành khẳng định, giáo viên được nghỉ Tết Âm lịch và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Điều 13 Luật Viên chức năm 2010 quy định viên chức (không riêng gì giáo viên) có quyền được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Vì thế, nếu theo những quy định này không riêng gì giáo viên mà công nhân viên của nhà trường cũng không phải trực Tết.

Nếu người lao động không đồng ý trực Tết, trong hợp đồng lao động không có điều khoản phải trực tết, nhưng vẫn bị phân công trực Tết, hiệu trưởng có thể bị phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động theo Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP đến 75 triệu đồng.

Phân công trực Tết thế nào cho hợp lý?

Nhà trường vẫn phải có người trực Tết. Vậy, hiệu trưởng sẽ phân công trực Tết thế nào để giáo viên không bị ép trực mà vẫn cảm thấy trực một cách vui vẻ?

Thứ nhất, với những địa phương cho học sinh nghỉ học từ 10 đến 16 ngày. Nhưng trực Tết chỉ được tính từ thứ Tư ngày 10/02/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/02/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Do đó, những ngày trước và sau Tết, giáo viên luôn phải có mặt ở trường làm các công việc do hiệu trưởng phân công nên phải chịu sự phân công trực của hiệu trưởng là điều hợp lý.

Thứ hai, 7 ngày Tết được nghỉ theo quy định, hiệu trưởng sẽ thỏa thuận với giáo viên, công nhân viên nhà trường trực sao cho hợp lý. Ví như với những trường học nơi vùng cao có nhiều giáo viên xa nhà cắm bản, nhà trường không phân công trực đối với những thầy cô giáo này và đương nhiên các thầy cô giáo ở xa sẽ không phải tốn tiền thuê người trực hộ.

Hiệu trưởng sẽ thỏa thuận với những thầy cô giáo ở địa phương trực Tết và thanh toán đúng như chế độ làm thêm giờ cho họ.

Thứ ba, những trường học ở vùng xuôi, nhà trường nên để giáo viên đăng ký trực theo nguyện vọng. Sau đó, phân công các tổ chuyên môn chia sẻ với nhà trường bằng cách thay nhau trực.

Ví như, mỗi tổ chuyên môn phụ trách trực nửa ngày, giáo viên sẽ tương trợ lẫn nhau và việc trực Tết sẽ không còn bị áp lực.

Chuyện tiền trả thù lao cho công trực Tết cũng cần phụ thuộc vào kinh phí của từng địa phương. Nơi có kinh phí dư giả thì giáo viên sẽ được bồi dưỡng theo quy định, nơi kinh phí eo hẹp thì chủ yếu các thầy cô giáo cũng tương trợ cho nhà trường như cách mà chúng tôi vẫn đang làm từ trước đến nay.

Phan Tuyết