Trò chuyện cùng con qua bộ sách “Kể chuyện khoa học” của tác giả Hoàng Anh Đức

22/04/2022 14:53
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 22/4, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã có buổi giao lưu, ra mắt bộ sách “Kể chuyện khoa học” gồm 6 cuốn của tác giả Hoàng Anh Đức.

Phát biểu tại chương trình, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, Kể chuyện khoa học (Sci-Tales) là bộ sách truyện tranh khoa học dành cho thiếu nhi, các em nhỏ ở độ tuổi từ 3 tuổi đến 10 tuổi.

Đây là bộ sách của một nhà nghiên cứu giáo dục, đồng thời là một ông bố, viết dành tặng con gái trong suốt quãng thời gian hai năm Covid (2020 - 2021) và trong cả một chặng đường dài anh cùng chơi, cùng học và cùng đọc sách với con.

Buổi giao lưu, ra mắt sách “Kể chuyện khoa học” của tác giả Hoàng Anh Đức.

Buổi giao lưu, ra mắt sách “Kể chuyện khoa học” của tác giả Hoàng Anh Đức.

“Khi chúng tôi làm sách, chúng tôi thấy rằng rất khó để tìm được một tác giả viết về mảng phổ biến kiến thức cho thiếu nhi một cách vui vẻ và hấp dẫn. Trước đó, cũng có những tác giả viết nhưng họ viết nhiều về mặt tình cảm, còn về mảng khoa học thì rất hiếm.

Hoàng Anh Đức gần như là người tiên phong đi đầu trong việc thể hiện các kiến thức khoa học cho thiếu nhi qua trang sách ngay từ rất sớm”, bà Phượng nói.

Với ý tưởng viết một bộ sách giải thích các hiện tượng khoa học cho trẻ thật dễ hiểu, tác giả Hoàng Anh Đức và các cộng sự chọn hình thức kể chuyện với tranh minh họa, để bố mẹ đọc cùng con và giải thích cho con, đồng thời con cũng có thể đọc cho bố mẹ nghe.

Bà Phượng bày tỏ, tác giả Hoàng Anh Đức đã nghĩ ra cách đặt tên sách rất thú vị, kích thích trí tò mò của những bạn nhỏ như: Tại sao phải rửa tay? Tại sao nước biển mặn? Lửa đến từ đâu? Máu chảy thế nào? Cá có ngủ không? Cầu vồng đi đâu?

Trước những kiến thức khoa học lý giải hiện tượng tự nhiên, thế giới vi khuẩn… thì trẻ em luôn tò mò rồi bật thốt những câu hỏi “Vì sao”, Tại sao”. Có lúc, chúng ta trả lời được ngay, nhưng sẽ có trường hợp mà người lớn cũng lâm vào thế “bí”.

Tác giả Hoàng Anh Đức chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Tác giả Hoàng Anh Đức chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Đến với bộ sách “Kể chuyện khoa học” (Sci -Tales) của tác giả Hoàng Anh Đức, nhiều vấn đề khoa học rắc rối được nhìn nhận qua lăng kính trẻ thơ tưởng vu vơ song rất tuần tự, thú vị giúp các con dễ hiểu, dễ nhớ.

Bản thân tác giả bộ sách tâm sự: “Trong quá trình đồng hành với con gái, mình thực sự gian nan khi luyện tập tính kiên nhẫn đối với các câu hỏi mà con đặt ra, cũng như với nhu cầu được nghe đi nghe lại các câu chuyện của con. Vốn bản tính lười, mình bèn kết hợp luôn việc trả lời các câu hỏi và việc kể chuyện vào làm một. Nhân tiện, mình làm luôn một bộ 6 cuốn Sci - Tales”.

Theo tác giả Hoàng Anh Đức, mỗi phụ huynh không chỉ nên đọc sách cho con mà phải đọc sách cùng con. Vì khi đọc sách cùng con, bố mẹ sẽ biết được tại thời điểm ấy con đang quan tâm đến vấn đề gì và con đang thực sự mong muốn cái gì.

Bộ sách “Kể chuyện khoa học” gồm 6 cuốn của tác giả Hoàng Anh Đức.

Bộ sách “Kể chuyện khoa học” gồm 6 cuốn của tác giả Hoàng Anh Đức.

Đồng thời, tại buổi ra mắt sách, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho ra mắt Quỹ sách Cộng đồng. Dự kiến, từ Quỹ sách Cộng đồng sẽ có khoảng 10.000 bản sách dành tặng học sinh các vùng khó khăn, các khu công nghiệp và trại giam ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tác giả của bộ sách song ngữ “Kể chuyện khoa học” cam kết sẽ đồng hành cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Theo đó, cứ bán được 10 cuốn trong bộ “Kể chuyện khoa học” sẽ tặng Quỹ sách Cộng đồng 1 cuốn để tặng trẻ em vùng khó khăn. Đồng thời, Quỹ Rosa Luxemburg (Đức) cũng công bố tặng 1.000 cuốn sách cho Quỹ.

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia.

- Từ năm 2014, anh tham gia tư vấn cho nhiều dự án thành lập mới và tái cấu trúc các trường phổ thông tư thục, quốc tế trên cả nước.

- Từ 2016 đến 2017, anh theo học chương trình Thạc sĩ về Khoa học Quản lý tại Trường quản lý Maastricht (MSM), Hà Lan. Đồng thời, anh tham gia nghiên cứu tại EdLab Maastricht, với hướng nghiên cứu về khoa học hành vi và quản trị tri thức.

- Từ năm 2018, anh tham gia đào tạo, tập huấn giáo viên phổ thông về các nội dung đổi mới sư phạm và thiết kế chương trình.

- Năm 2020, anh nhận chứng chỉ Quản lý và Lãnh đạo trường học, trường Sau đại học về giáo dục Harvard.

- Hiện nay, anh đang làm NCS Tiến sĩ tại Đại học RMIT, với hướng nghiên cứu về Quản trị tri thức và Lãnh đạo giáo dục.

Về nghiên cứu khoa học:

- Anh nghiên cứu về chủ đề quản trị tri thức, quản lý và lãnh đạo giáo dục, cải cách giáo dục, và đã công bố 16 bài báo khoa học.

- Anh là thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA (từ 2019), Hiệp hội Biên tập Khoa học châu Âu EASE (từ 2018), thành viên ban biên tập tạp chí Journal of Comparative and International Higher Education (từ 2020), biên tập viên khách mời tạp chí The Learning Organization (2022).

Các sách chuyên khảo:

- Giáo dục Toán thực – Nghiên cứu và Vận dụng. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022. (Đồng tác giả).

- Giáo dục Phổ thông Việt Nam: Chuyển biến và Sáng tạo. Nhà xuất bản Dân Trí, 2021. (Đồng Chủ biên).

- Học tập qua Dự án. Nhà xuất bản Giáo dục, 2019. (Đồng tác giả).

Một số công trình khoa học:

- Phân tích trắc lượng thư mục các nghiên cứu về bài tập về nhà từ 1977 đến 2020. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2021. (Tác giả chính).

- Phân tích trắc lượng thư mục các nghiên cứu về sức khoẻ tinh thần của học sinh từ 1957 đến 2020. European Journal of Investigation in Health, Psychology and Education, 2021. (Đồng tác giả).

- Giáo dục STEM và các mục tiêu đầu ra: Những ví dụ về cách biệt xã hội và giới tại Việt Nam. Children and Youth Service Review, 2020. (Đồng tác giả).

- Đại dịch và vấn đề giữ chân giáo viên: Minh chứng từ các giáo viên quốc tế tại khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ COVID-19. International Journal of Sociology and Social Policy, 2020. (Tác giả).

- Bộ công cụ đánh giá tính bền vững của chương trình học theo chuẩn SDG4 của UNESCO: Bài học từ các trường tiểu học Việt Nam. International Review of Education, 2020. (Tác giả chính).

- Những cách biệt giáo dục bí ẩn và nơi tìm ra chúng: LERB - mô hình phân loại những yếu tố bất bình đẳng và bất công bằng. Journal of International Education and Practice, 2019. (Tác giả).

Về phổ biến kiến thức khoa học:

Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, anh còn là người sáng lập ấn phẩm chuyên môn Dạy&Học (day-hoc.org) và dự án Cùng học (cunghoc.edu.vn) – nền tảng học tập trực tuyến mở cho hơn 25,000 giáo viên Việt Nam.

Ngoài ra, anh còn giới thiệu và dịch nhiều tựa sách về giáo dục sang tiếng Việt:

- Dạy học không theo lối mòn (dịch, 2022)

- Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục (dịch, 2021)

- Cơ hội để thành công: Chuẩn bị gì cho giáo dục thế kỷ 21 (hiệu đính, giới thiệu, 2021)

- Bài học Phần Lan 3.0 (giới thiệu, 2021)

- Làm thế nào để thay đổi trường học (giới thiệu, 2021)

Về hoạt động xã hội:

- Từ 2019: Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Global VYSA)

- Từ 2020: Giảng viên Trường học mùa đông về Phát triển bền vững (WSSD) và Trường học Phát triển Việt Nam (Vietnam School of Development – VSOD).

- Anh cũng đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn Lãnh đạo Việt Úc năm 2021 và Chương trình Kết nối Lãnh đạo Toàn cầu của Hội đồng Anh năm 2021.

Thu Trang