Triết lý giáo dục "Tâm Trí Lực"

19/05/2018 06:39
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh
(GDVN) - Triết lý giáo dục “Tâm Trí Lực” có thể là một trong những điểm tựa để xây dựng nên nền giáo dục tiên tiến cho Việt Nam.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh (Trường Đại học Tiền Giang) chia sẻ một bài viết về triết lý giáo dục "Tâm Trí Lực" của người.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Con người được sinh ra để làm gì?

Đâu là ý nghĩa cuộc đời?

Hạnh phúc là như thế nào?

Trước nhiều yếu tố tác động trong cuộc sống, con người cần phải học tập và rèn luyện, thích ứng, hành động ra sao cho hợp lẽ?

Chủ trương “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” theo Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) là hết sức đúng đắn nên cần phải được tuân thủ nghiêm túc với các bước đổi mới căn cơ, khả thi.

Triết lý giáo dục "Tâm Trí Lực" ảnh 1Bàn về giáo dục tinh hoa

Giáo dục tiên tiến cần phải giúp giải quyết được những vấn đề cơ bản trên.

Triết lý giáo dục “Tâm Trí Lực” có thể là một trong những điểm tựa để xây dựng nên nền giáo dục tiên tiến cho Việt Nam.

Mục tiêu giáo dục “Tâm Trí Lực”

Tâm là Tình người, là mối quan hệ tình cảm giữa người với người, người với quê hương, đất nước, với thiên nhiên, với sự vật hiện tượng như: sự giao tiếp, hợp tác với nhau, sự hiếu thuận, lòng nhân ái, yêu quê hương đất nước, yêu hành tinh xanh, trách nhiệm, sự hy sinh, nguyện vọng, tình đoàn kết, tương trợ…;

Trí là Trí tuệ, là sự động não để tư duy, xem xét đánh giá, nhìn xa trông rộng như: tuệ giác, khả năng nhận thức, kiến thức, ý tưởng, nghiên cứu, năng động, sáng tạo, vận dụng sự hiểu biết để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra…

Lực là Nghị lực, là sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, vượt lên chính mình như: ý chí, vượt khó, dũng cảm, chăm chỉ, tự giác, tự chủ, trung thực, kiên nhẫn, liêm khiết, lập trường, tu dưỡng, rèn luyện (kỹ năng các loại, sức khỏe…), dám chấp nhận thử thách, nhìn nhận sai lầm…

Mục tiêu giáo dục “Tâm Trí Lực” cũng chính là hướng đến “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.

Con người biết sử dụng trí tuệ, tình người để nhận diện bản thân, hiểu được ý nghĩa cuộc sống và chân hạnh phúc;

Dùng nghị lực để rèn kỹ năng (nhất là kỹ năng tự học), khắc phục những điểm yếu của bản thân cũng như vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh và từng bước kiên trì tiến tới thành công...

Từ mục tiêu giáo dục “Tâm Trí Lực” mang tính bao trùm trên, có thể chọn lọc để xây dựng mục tiêu cơ bản phù hợp với các bậc học như sau:

Triết lý giáo dục "Tâm Trí Lực" ảnh 2Câu chuyện về sự tử tế giữa đời thường

Tiểu học (bao hàm cả mầm non): chủ yếu dạy người

Chú trọng giáo dục về tình người, nghị lực như: sự hiếu thuận, lòng nhân ái, yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, chăm chỉ, vượt khó, rèn luyện sức khỏe, tự giác, trung thực, trách nhiệm, đoàn kết, tương trợ, liêm khiết, uy tín…

Giáo dục kỹ năng sống, trang bị những kiến thức cơ bản nhất sao cho học sinh có thể vừa học vừa chơi, tạo điều kiện cho những năng khiếu, ưu điểm cũng như những hạn chế của từng em được bộc lộ để ghi nhận và có giải pháp phát huy hay uốn nắn thích hợp.

Trung học (trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học nghề): nâng cao dạy người, chuẩn bị dạy nghề

Tiếp tục chú trọng giáo dục về tình người, nghị lực như trên nhưng đòi hỏi ở mức độ cao hơn, thử thách lớn hơn, tự rèn luyện nhiều hơn. Tập trung huấn luyện kỹ năng tự học, làm việc nhóm, giao tiếp và hợp tác.

Bước đầu hướng dẫn tư duy sáng tạo, tư duy phê phán, kỹ năng nghiên cứu khoa học, giải quyết vấn đề.

Về mặt kiến thức, cần trang bị kiến thức phổ thông trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để học sinh ở bậc học này có được bức tranh tri thức toàn cảnh một cách chung nhất của loài người từ xưa đến nay.

Đại học (sau trung học): hoàn thiện dạy người và dạy nghề

Mục tiêu chủ yếu của bậc học này là giúp con người có khả năng nhận biết được bản thân, hiểu được ý nghĩa cuộc sống; có trách nhiệm với gia đình, xã hội và môi trường; biết tự học và có năng lực học được nghề yêu thích hoặc khởi nghiệp để mưu sinh; có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn cũng như nghịch cảnh trong cuộc đời; biết vượt qua nổi sợ hãi và sáng tạo.

Cần trang bị những gì cần thiết nhất cho sinh viên để sau khi tốt nghiệp, họ có khả năng tự lập, tự nhận thức được bản thân và ý nghĩa cuộc sống, tự tin bước vào đời, làm được nghề đã học, có thể học tiếp để nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

Triết lý giáo dục "Tâm Trí Lực" ảnh 3Học nghề đâu phải chỉ ra làm thợ!

Tư duy sáng tạo, phê phán, kỹ năng nghiên cứu khoa học và năng lực khởi nghiệp được đào tạo mạnh ở bậc học này.

Những người có trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ thường phù hợp với công việc nghiên cứu khoa học, dự báo và suy cho cùng thì đây cũng chỉ là một nghề có tính đặc thù: nghề nghiên cứu.

Vì vậy không nên phân biệt giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học mà nên thống nhất gọi tên chung là giáo dục đại học.

Đồng thời cũng không nên thêm một bậc học là sau đại học (để tương xứng với giáo dục tiểu học, giáo dục trung học).

Chương trình – sách giáo khoa – phương thức giáo dục

Mục tiêu của từng bậc học là nền tảng để xây dựng nên các tiêu chí, chuẩn đầu ra cho mỗi chương trình đào tạo tương ứng.

Các chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo sẽ là cơ sở để thiết kế nên những môn học, chuyên đề cần thiết nhằm giúp người học đạt được các chuẩn đầu ra cũng như hướng đến các mục tiêu ở bậc học tương ứng.

Mỗi môn học có ít nhất một cuốn sách giáo khoa chủ yếu chứa lượng kiến thức cần thiết của môn học đó.

Tuy nhiên, kiến thức chỉ là một phần của trí tuệ theo mục tiêu giáo dục “Tâm Trí Lực”.

Vì vậy với chủ trương “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” theo Nghị quyết 29/NQ-TW thì thời lượng giáo dục dành cho kiến thức phải được giảm đáng kể.

Mặt khác, việc người dạy huấn luyện được kỹ năng tự học cho học sinh từ bậc trung học và khuyến khích phương thức giáo dục bằng cách tự học sẽ giúp học sinh chủ động tìm kiếm, tích lũy những kiến thức cần thiết khác cho bản thân từ nguồn thông tin gần như vô tận trên internet…

Đã được công nhận là nhà giáo theo chuẩn mới thì người dạy có toàn quyền chọn phương pháp dạy học thích hợp để không chỉ chuyển giao kiến thức cho người học mà thông qua đó, còn giúp người học được trau dồi, rèn luyện tư duy cũng như khả năng nhận thức, kỹ năng, thái độ...

Triết lý giáo dục "Tâm Trí Lực" ảnh 4Người thầy định hướng, nâng tầm cho học sinh bằng kinh nghiệm quản lý

Đặc biệt qua thực hành, trải nghiệm thực tế trong cuộc sống và tự chiêm nghiệm, người học sẽ được huân tập các tiêu chí của tình người, nghị lực nhằm từng bước hoàn thiện phẩm chất cá nhân.

Công nghệ giáo dục từ xa (internet, truyền hình…) cần được áp dụng rộng rãi cho các bài giảng có nội dung phù hợp với phương pháp thuyết giảng.

Những nhà giáo giỏi nhất cần được mời giảng thông qua công nghệ này. Thực hiện tốt việc này sẽ góp phần đem lại hiệu quả cao trong giáo dục...

Đánh giá chất lượng giáo dục

Dựa vào mục tiêu giáo dục, các tiêu chí cụ thể và qua thực tiễn xã hội để đánh giá chất lượng giáo dục

Đánh giá trong trường: Đa dạng hình thức kiểm tra, thi cử theo phương châm “nhẹ nhàng, hiệu quả” nhằm từng bước giúp từng người học biết tự giác định hướng mục tiêu, tự điều chỉnh hợp lý trong quá trình học tập.

Điểm số cao không nên là mục tiêu phấn đấu của người học (kể cả phụ huynh) mà chỉ nên là kênh tham khảo để biết năng lực về môn học, chuyên đề đó của mình đang ở mức độ nào, từ đó có những nổ lực, điều chỉnh tiếp theo nhằm vượt lên chính mình…

Đánh giá ngoài trường (xã hội): Không gian xã hội nơi sinh sống, nơi làm việc; gia đình, dòng tộc; láng giềng, xóm phường; hội đoàn; nơi công cộng… sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đánh giá chính xác hơn về chất lượng giáo dục.

Chẳng hạn như khi đánh giá về tính trung thực, việc phát hiện người học vượt đèn đỏ khi xung quanh không có ai nhưng nhờ camera bí mật tự động ghi hình sẽ giúp đánh giá được khá chính xác tính trung thực của người học đó.

Tương tự như vậy khi đánh giá ý thức bảo vệ môi trường, lòng nhân ái, … nơi công cộng.

Triết lý giáo dục “Tâm Trí Lực” đã có từ lâu, xuất phát từ minh triết Phương Đông. Đó là “Nhân Trí Dũng” theo Khổng giáo hoặc “Bi Trí Dũng” theo Phật giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định lại khi từng nói “Đạo đức Cách mạng là Nhân, Trí, Tín, Dũng, Liêm”.

Bác Hồ với giáo dục (Ảnh minh họa: tư liệu).
Bác Hồ với giáo dục (Ảnh minh họa: tư liệu).

Ở đây Tín, Dũng, Liêm thuộc nhân tố nghị lực. Ba nhân tố trí tuệ, tình người, nghị lực tạo nên nhân cách của con người tương tự như đầu, mình, tứ chi tạo nên cơ thể con người nên có thể nói triết lý này không bao giờ lỗi thời.

Đó là triết lý giáo dục mang tính toàn diện, tùy theo thời đại mà nó được diễn giải cho phù hợp thực tiễn.

Ngày nay thường nói “Đức và Tài”, “Hồng và Chuyên”, “Phẩm chất và Năng lực”, chúng đều có ý nghĩa tương tự nhau.

Theo triết lý giáo dục “Tâm Trí Lực” thì Tâm và Lực tương ứng với Đức hay Phẩm chất, Trí tương ứng với Tài hay Năng lực.

Khoa học công nghệ ngày nay vượt xa ngày xưa nhưng khoa học công nghệ cũng chỉ là một thành phần của kiến thức và kiến thức chỉ là một phần của trí tuệ.

Kiến thức không thể thay thế được cho tình người cũng như nghị lực. Vì vậy một nền giáo dục quá chú trọng kiến thức sẽ trở nên khập khiễng…

05 phẩm chất và 10 năng lực đã được chọn lọc với kỳ vọng học sinh sẽ đạt được trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Minh triết trong tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tất cả đều được đề cập đến trong mục tiêu giáo dục “Tâm Trí Lực”, trong đó 07 năng lực chuyên môn chưa được thể hiện cụ thể mà được xếp chung ở phần kiến thức.

Hướng đến mục tiêu 05 phẩm chất và 10 năng lực này, chương trình giáo dục phổ thông mới tuy chưa hoàn thành, chỉ mới được thí điểm dạy học một số bài ở các môn học tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ trở nên quá tải cho người dạy và người học.

Nguyên nhân chính phải chăng vì chương trình mới vẫn còn quá chú trọng về trang bị kiến thức cho người học, chưa đúng lắm với chủ trương “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh