Triết lý giáo dục của cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe là gì?

29/11/2018 07:30
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Chúng ta chưa xác định rõ cứu cánh của giáo dục nên chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức như hiện nay, khiến cho chương trình học quá tải.

LTS: Tại hai kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như thành viên Chính phủ đã đề cập đến triết lý giáo dục và đặt ra câu hỏi:

Triết lý giáo dục là gì? Ở Việt Nam có triết lý giáo dục không? Có phải vì không có triết lý giáo dục mà chúng ta lúng túng trong cải cách giáo dục không?

Trước băn khoăn này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi – con trai của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Hòe. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 


Phóng viên: Gần đây nhiều người đề cập đến triết lý giáo dục. Xin hỏi, sinh thời, ông có nghe cha mình từng là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Hòe nói đến triết lý giáo dục của Việt Nam không, thưa ông?


Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi: Tôi chưa từng nghe cha tôi nói từ “triết lý giáo dục”, song cụ luôn theo đuổi “giáo dục vị nhân sinh” tức là chủ việc rèn luyện đức tính và năng lực của tất cả công dân một cách bình đẳng, chia ra từng ngành học khác nhau không phải vì học sinh thuộc những giai cấp khác nhau mà chỉ vì sự khác nhau về năng khiếu và chí hướng của học sinh, và mục đích không phải là phụng sự học thuật mà là gây một đời sống mạnh mẽ, dồi dào cho cá nhân và đoàn thể.

Trên thực tế, khoảng một tuần sau khi vừa giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, cụ đã đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề cải cách giáo dục:

Thay thế hẳn nền giáo dục vị học thuật (kiểu Pháp - đào tạo những bậc tài hoa) bằng nền giáo dục vị nhân sinh (kiểu Anh - Mỹ, đào tạo những nhà hành động, sớm phân chuyên ngành, phân từ rộng đến hẹp, sớm hướng nghiệp cho học sinh sát với yêu cầu xây dựng đất nước trong mọi lĩnh vực đời sống và chú trọng dạy đạo làm người.

Về những việc này cụ có viết lại trong các cuốn sách “Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh” và “Hồi ký Vũ Đình Hòe”.

Triết lý giáo dục Việt Nam phải đề cao pháp trị và sự tử tế

Khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác làm báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngày 30/10/1946 về những việc đã làm được, thì trong lĩnh vực công tác giáo dục cụ Hòe đã trình bày quan điểm: nền giáo dục của nước Việt Nam mới xây dựng trên 3 nguyên  tắc cơ bản, đó là: Dân tộc, dân chủ và khoa học. 

Tôi thiết nghĩ: quan điểm này thể hiện quan điểm “giáo dục vị nhân sinh” mà cụ đề xuất và được Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận.

Về thực chất, đây là một triết lý giáo dục, mặc dù thời ấy chưa dùng thuật ngữ này. Để thực hiện triết lý giáo dục trên, cụ cùng các học giả khi ấy đã xây dựng hệ thống giáo dục tương ứng.

Đặc biệt, cụ nhấn mạnh hệ thống nhà trường công của nước Việt Nam phải là duy nhất, tức chung cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, ai cũng có quyền ngang nhau về học tập.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn quan điểm “giáo dục vị nhân sinh” của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe được thể hiện như thế nào?


Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi: Theo bố tôi, “giáo dục vị nhân sinh” phải nhằm trang bị cho thanh niên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để mưu sinh có lợi cho mình và có ích cho xã hội, bởi cụ Vũ Đình Hòe quan niệm “kiến thức chỉ là phương tiện của giáo dục, cứu cánh của giáo dục là hoạt động, là sống”, tức phải đào tạo ra những con người biết sống trong cộng đồng và biết làm việc phục vụ cho chính cuộc sống của bản thân và của xã hội. Vì thế giáo dục phải có tính hướng nghiệp.

Theo đó, lúc ấy ngay sau bậc Tiểu học đã có đầu ra. Bởi khi đó, nước nhà mới giành độc lập, nhiều em vào học lớp Nhất (lớp 1) đã 12 – 13 tuổi.

Do vậy, sau 4 năm học thì phải lo cho các em không có điều kiện học tiếp được học một năm “tuyển trạch”, tức hướng nghiệp, để trở thành công nhân, nông dân… có học thức.

Còn với những em học tiếp lên cấp 2, hết cấp lại có lối rẽ sang các khóa học tuyển trạch, trở thành người lao động lành nghề. 

Sau đó, những ai có điều kiện học lên chuyên ban thì sẽ học tiếp 3 năm nữa, nếu không thể học tiếp lên đại học, thì lại có lối rẽ vào các trường cao đẳng để trở thành kỹ sư thực hành. Hệ thống giáo dục này đã được thể hiện qua sơ đồ của Hội đồng Cố vấn học chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập. 

Sơ đồ này từng được Hội đồng Chính phủ “chuẩn y”, sau đó đã “cùng Ban Thường vụ Quốc hội thỏa hiệp” (Sắc lệnh ngày 10/08/1946).

Sơ đồ cải cách giáo dục của Hội đồng Cố vấn học chính sau Cách mạng tháng 8, do Giáo sư Hồ Hữu Tường, thành viên Hội đồng Cố vấn học chính thể hiện (Hồ sơ cá nhân của cụ Vũ Đình Hòe) - Ảnh: Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cung cấp
Sơ đồ cải cách giáo dục của Hội đồng Cố vấn học chính sau Cách mạng tháng 8, do Giáo sư Hồ Hữu Tường, thành viên Hội đồng Cố vấn học chính thể hiện (Hồ sơ cá nhân của cụ Vũ Đình Hòe) - Ảnh: Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cung cấp


Trên thực tế, theo góc nhìn của ông, giáo dục của chúng ta thời gian có thực sự “vị nhân sinh”?

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi:Trước hết, theo tôi, bất cứ một nền giáo dục, hệ thống giáo dục nào, kể cả của dân gian cũng đều thể hiện một nguyên tắc cơ bản, triết lý nào đó, dù có tuyên bố rõ ràng hay không.

Ngay với cha tôi, ông luôn tâm niệm “giáo dục vị nhân sinh”, nhưng không bao giờ ông dùng từ “triết lý giáo dục” dù thực tế ông cùng các đồng sự đã xây dựng, thực hiện nền giáo dục vì con người, vì cuộc sống.

“Học tập suốt đời là triết lý giáo dục của tôi!”

Tôi được biết, cho đến khoảng những năm 1948 – 1949 vẫn tiếp tục việc cứ hết một cấp học lại có lối rẽ với chương trình hướng nghiệp cho học sinh.

Sau đó, chúng ta thực hiện cải cách giáo dục theo hướng giáo dục toàn diện, vào lớp 1 là học một mạch đến hết lớp 9, rồi lớp 10, sau đó là lớp 12 như bây giờ, đỗ vào đại học thì làm một lèo 5 năm nữa mới vào môi trường lao động.

Song, hiện nay, cứ nhìn vào việc rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp, tôi không thấy “giáo dục vị nhân sinh” đâu nữa.

Vậy theo ông đánh giá, nền giáo dục hiện tại của Việt Nam đang thực hiện theo triết lý giáo dục nào?

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi: Thực sự, đến bây giờ, dường như chúng ta vẫn lúng túng trong cải cách giáo dục mà nguyên nhân bởi chưa có một triết lý giáo dục được phát biểu rành rọt, thống nhất và phù hợp với mục đích của Nhà nước ta là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Bởi chúng ta chưa xác định rõ cứu cánh của giáo dục nên chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức như hiện nay, khiến cho chương trình học quá tải, càng giảm tải lại càng quá tải.

Việc không phân cấp và hướng nghiệp đẻ ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Điều này chứng tỏ chúng ta không còn theo triết lí “giáo dục vị nhân sinh” của buổi đầu dựng nước!

Mặc dù đến thời điểm này, chưa có một văn kiện nào của Đảng hay chính sách nào của Chính phủ dùng cụm từ “triết lý giáo dục”, song thực tế, triết lý này đã có và luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình phát triển của nền giáo dục nước nhà. Theo ông, triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay cần hướng tới gì?

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi:
Tôi chỉ là một nhà giáo bình thường, nên khó xác định về cái triết lí “luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình phát triển của nền giáo dục nước nhà”.

Triết lý giáo dục Việt Nam của Giáo sư Phạm Minh Hạc

Song, theo tôi, nó đã đưa nền giáo dục nước nhà đến hiện trạng mà ai cũng biết, khiến phải đề ra “đổi mới căn bản toàn diện” hệ thống giáo dục hiện nay.

Muốn vậy, nền giáo dục cần hướng tới lấy mục tiêu cuối cùng là phải phục vụ cuộc sống con người, tức phải đào tạo ra những con người hành động, sáng tạo, chứ không phải là những con người chỉ biết nói theo khuôn, làm theo mẫu, làm văn, làm toán, học sử… nhất nhất theo mẫu, và ra đời thì chỉ biết làm theo chỉ đạo, như thực tế đã và đang diễn ra.

Phải dạy thế nào để người ta khi ra khỏi trường sẽ sống được, bằng những kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường chứ không phải chỉ là “những bồ sách, hòm sách” mà lơ ngơ trước cuộc sống.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Linh (ghi)