Trẻ ở nhà quá lâu, học trực tuyến áp lực có thể dẫn đến rối nhiễu tâm trí

25/11/2021 06:59
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các em học sinh có thể có nguy cơ tiềm ẩn bị bắt nạt và bị xâm hại trên mạng, hoặc bị tiêm nhiễm những loại sản phẩm khiêu dâm/tình dục do mạng đưa lại.

Thay vì đến trường, học sinh tại nhiều địa phương có dịch diễn biến của dịch COVID -19 phức tạp, các em học sinh phải học theo hình thức học trực tuyến tại nhà để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Thế nhưng, việc học trực tuyến ở nhà quá lâu đã khiến nhiều cha mẹ học sinh lo ngại về các nguy cơ con mình gặp phải.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) về vấn đề này.

Thưa bác sỹ, giãn cách xã hội kéo dài, học sinh hầu hết ở nhà, giờ học thì đối diện với máy tính, điện thoại; không giao tiếp trực tiếp, không trải nghiệm trực tiếp, không có bất cứ hoạt động tập thể nào nên điều đáng lo nhất đối với các em theo bác sĩ là gì?

Bác sỹ Nguyễn Trọng An: Chúng ta đều biết sức khỏe của con người là sự thoải mái và hài hòa về thể chất, tinh thần và xã hội.

Đã là trẻ em là phải được vui chơi, gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa, tung tăng, chạy nhảy ngoài môi trường tự nhiên. Khi phải học trực tuyến, điều đáng lo ngại nhất là những tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.

Về sức khỏe thể chất là sự nguy hại của ánh sáng yếu trên màn hình điện thoại, ipad, thời gian trẻ "dán mắt" vào màn hình...

Hậu quả đã có nhiều em nhỏ bị cận thị, bị loạn thị, bị gù vẹo đốt sống cổ và sống lưng, bị đau đầu và nhức mắt.

Về sức khỏe tinh thần các em dễ bị rối nhiễu tâm trí, nếu nặng sẽ dẫn tới lo âu, trầm cảm, tâm thần là vấn đề đáng lo ngại nhất.

Về sức khỏe xã hội, sau thời gian dài giãn cách và học tực tuyến, không có những hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi tập thể ngoài trời, có nhiều em bé ra đường cứ lơ ngơ như gà công nghiệp, nói năng cộc lốc không ra câu cú, sa lầy vào tình cảm ảo- xa rời tình cảm thật.

Thậm chí có trẻ trở thành người vi phạm pháp luật và gây rối loạn xã hội sau khi học theo mạng chế tạo chất cháy nổ, sử dụng hung khí, chất gây nghiện.

Ngoài ra, các em còn có nguy cơ tiềm ẩn bị bắt nạt và bị xâm hại trên mạng, hoặc bị tiêm nhiễm những loại sản phẩm khiêu dâm/tình dục do mạng đưa lại.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD). Ảnh: Trung Dũng

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD). Ảnh: Trung Dũng

Việc học trực tuyến kéo dài theo bác sĩ nguy cơ lớn nhất với trẻ em tiểu học, cụ thể ở đây là học sinh lớp 1 là gì, thưa ông?

Bác sỹ Nguyễn Trọng An: Như tôi vừa đề cập tới những ảnh hưởng xấu tới mọi trẻ em, nhưng riêng với trẻ em nhỏ mới từ mẫu giáo lên lớp một, vì bản thân các bé còn rất non nớt về thể chất và tinh thần do vậy nêu tình trạng học trực tuyến kéo dài, trong khi nhà neo người, cha mẹ phải đi làm kiếm sống, không có thời gian chăm sóc kèm cặp, đôi khi cháu bé phải ở nhà 1 mình thì hậu quả sẽ nghiêm trọng và nguy hại hơn.

Nay đã nhiều tháng giãn cách xã hội, các em bị sự tù túng gò bó về không gian và bức bối về thời gian, thêm vào đó là tiếp đến câu chuyện học trực tuyến nhiều tháng nay, chắc chắn sẽ gây áp lực rất lớn và tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, trong đó vấn đề trẻ em bị rối nhiễu tâm trí nếu nặng sẽ dẫn tới lo âu, trầm cảm, tâm thần là vấn đề đáng lo ngại nhất.

Theo bác sĩ, trẻ em, nhất là lứa tuổi tiểu học nếu thiếu vận động và học tập thông qua các hoạt động trên lớp sẽ vấp phải những nguy cơ gì?

Bác sỹ Nguyễn Trọng An: Đầu tiên đó là những áp lực mới lạ trong học tập, không được nhảy nhót vui chơi, múa hát như mẫu giáo.

Thêm vào nữa là một số em bị thêm những áp lực gia đình như bị bố mẹ mắng mỏ về học tập, về điểm số, v.v. thì lại càng làm cho trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng về tâm lý nặng nề hơn.

Từ các sang chấn tâm lý liên tục lặp đi lặp lại sẽ rất dễ dẫn tới rối nhiễu tâm trí ở trẻ nhỏ lớp 1, trẻ có những biểu hiện như bức bối khó chịu, chọc ngoáy, không tập trung nghe giảng; thờ ơ lơ đãng, ngáp vặt, buồn ngủ trong giờ học, nặng chút nữa là chán ăn, cãi lại bố mẹ, thầy cô, chọc ghẹo chó mèo, đêm ngủ giật mình, khóc thét, ác mộng, đái dầm, …và cuối cùng là rối loạn tâm thần, lo âu trầm cảm.

Tiếp đến là các tai nạn thương tích có thể xảy ra với nhỏ. Khi chúng bị tù túng, trẻ có thể sẽ bầy ra các trò nghịch ngợm, nguy hiểm, leo trượt cầu thang, lan can, bàn tủ hoặc vầy nước trong nhà tắm, chơi đồ chơi dao kéo, que gậy sắc nhọn, trêu chọc chó mèo, ngoáy que vào ổ điện...tất cả đều có nguy cơ gây ra tàn tật hoặc tử vong.

Trẻ có thể gặp rât nhiều nguy cơ khi học online quá dài. Ảnh:LC

Trẻ có thể gặp rât nhiều nguy cơ khi học online quá dài. Ảnh:LC

Bác sĩ có lưu ý gì đối các bậc cha mẹ, thầy cô trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em khi phải học trực tuyến và ở nhà như thế nào??

Bác sỹ Nguyễn Trọng An: Nếu trẻ tại các tỉnh có dịch vẫn phải tiếp tục học trực tuyến, tôi mong các bậc cha mẹ hãy tranh thủ thời gian và tạo cơ hội để cùng đồng hành với con, lắng nghe và chia sẻ tình cảm, khuyên nhủ và khuyến khích động viên con trẻ học tốt.

Tuyệt đối tránh gây ra những căng thẳng như ép buộc con học hành hoặc dọa nạt mắng chửi…có thể gây ra những sang chấm tâm lý gây trầm trọng hơn vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ.

Đã có nhiều trẻ học theo và làm theo những thông tin nguy hại của mạng xã hội như thắt cổ vẫn thở được, ăn động vật sống….thậm chí có nhiều trẻ bị nghiện game và vi phạm pháp luật.

Lưu ý với các bậc cha mẹ luôn phải giám sát và quan tâm đến trẻ, phòng ngừa các em bị bắt nạt và bị xâm hại qua mạng.

Nếu cha mẹ có những thời gian rảnh rỗi và tùy theo điều kiện gia đình mà các bà mẹ có thể vui chơi ca múa hát, dạy trẻ nặn đất, vẽ tranh hoặc đánh đàn; các ông bố có thể hướng dẫn thể dục thể thao với trẻ, đá bóng, đá cầu.

Mọi người lớn trong nhà cũng có thể dành thời gian cùng con cái sắp xếp, kê dọn đồ đạc ngăn nắp, làm cho ngôi nhà của mình sẽ trở nên an toàn hơn phòng ngừa các tai nạn thương tích có thể xảy ra.

Sẽ yên tâm hơn về con cái của mình mỗi khi ở nhà học trực tuyến một mình nếu như ổ cắm, phích điện được an toàn, không để dây điện lòng thòng, không để dao kéo bừa bãi, thuốc uống của người lớn uống xong đậy nắp, cho vào ngăn kéo cẩn thận, phích nước sôi để vào góc nhà có móc giữ ko đổ, bồn tắm xô chậu dùng xong đổ cạn nước, cầu thang lan can có rào chắn…

Bố mẹ cần phải nhất quyết loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tật cho trẻ.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Lại Cường