Tranh cãi mời GS về dạy trường chuyên, đặt hàng đào tạo giáo viên gặp khó

21/03/2022 07:06
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉnh Hòa Bình muốn mời giáo sư về dạy trường chuyên và những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 116 là những chủ đề nóng, gây nhiều tranh luận tuần qua.

Dự thảo mời giáo sư về dạy trường chuyên của Hòa Bình gây nhiều tranh luận

Liên quan đến Dự thảo nghị quyết với nội dung có chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên về trường trung học phổ thông chuyên của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, nhiều người đã lên tiếng bàn luận về việc mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường trung học phổ thông chuyên.

Đa số các nhà giáo đều cho rằng không nhất thiết phải mời giáo sư, phó giáo sư để gia nhập biên chế giáo viên phổ thông. Có người cho rằng việc này là không đúng Luật Giáo dục, có chuyên gia lại khẳng định đây là việc làm rất hình thức.

Bên cạnh đó, cũng có nhà giáo công nhận việc học sinh chuyên được tiếp cận với các giáo sư, phó giáo sư là tốt. Vấn đề là phó giáo sư, giáo sư phải am hiểu về lĩnh vực giáo dục phổ thông và lĩnh vực giảng dạy chuyên môn ở trường phổ thông.

Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn

Sôi nổi bàn luận bàn về cơ chế cho khối tư nhân đầu tư xây dựng trường chuyên

Sau thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh, nhiều ý kiến tranh luận sôi đã diễn ra trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Xoay quanh chủ đề này, nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu đã lên tiếng. Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung cho rằng khi khối tư nhân tham gia vào thị trường thì có thể làm giảm bớt gánh nặng của nhà nước đối với khối trường chuyên, lớp chọn.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt ra một số câu hỏi về việc quản lý và chế độ hỗ trợ trong việc cho tư nhân mở trường chuyên.

Nóng câu chuyện về chính sách đào tạo giáo viên

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP “Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” và đã đạt được một số kết quả khả quan trong công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều cơ sở đào tạo giáo viên băn khoăn nhất là việc thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên.

Tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tuyển sinh đại học năm 2022 được tổ chức vào ngày 16/3, Tiến sĩ Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế đề nghị có hệ thống phần mềm riêng để triển khai Nghị định 116 hiệu quả, làm sao để Ủy ban Nhân dân các tỉnh tham gia vào việc đặt hàng đào tạo giáo viên”.

Đây là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian đầu triển khai Nghị định 116. Việc đặt hàng giữa các tỉnh và các trường đào tạo sư phạm cũng như kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa chỉ tiêu cho phù hợp.

Nhà giáo đang nỗ lực dạy học trong bối cảnh Covid

Với số lượng học sinh và giáo viên mắc Covid-19 ngày càng nhiều, các giáo viên phải thay nhau dạy để đảm bảo tiến độ chương trình. Đan xen nhiều hình thức vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến, nhiều trường vận dụng sự sáng tạo để tìm ra các giải pháp giúp việc học hiệu quả hơn.

Sau các bài viết phản ánh về bất cập của việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi trong thời điểm hiện nay thì nhiều địa phương đã tạm hoãn hoạt động này để tập trung vào việc dạy học.

Tuy nhiên, nhiều trường vẫn thực hiện các hình thức thao giảng bất chấp những nguy hiểm khi tiếp xúc đông người trực tiếp. Tác giả Nguyễn Nguyên cho rằng giáo viên đã quá áp lực để dạy đúng định mức và dạy thay cho giáo viên F0 rồi, vì vậy nên xem xét lại việc tổ chức thao giảng trong thời gian này.

Chọn sách giáo khoa lớp 3, 7, 10, chương trình mới "đẻ" nhiều tổ hợp môn gây lo lắng

Việc lựa chọn sách giáo khoa mới đang là chủ đề được nhiều người quan tâm. Việc xuất hiện các môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông khiến các trường khó khăn hơn trong việc chọn sách giáo khoa, phân phối giáo viên để đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Nhiều giáo viên bày tỏ sự lo lắng việc có những môn sẽ rất đông học sinh lựa chọn, bên cạnh đó cũng có những môn ít học sinh. Như vậy, có thể xuất hiện những môn thiếu giáo viên và có những môn thừa giáo viên.

Thu Giang