Tôi thấy đề thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông còn nhiều lỗi tiếng Việt

10/07/2021 05:52
Trần Đăng Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông được làm với một quy trình rất nghiêm ngặt và bài bản nhưng đáng tiếc là có đề thi vẫn còn có những sai sót nhất định.

Mấy ngày qua do bận công việc, tôi không đọc kĩ đề thi Ngữ văn tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay.

Sau khi vào trang cá nhân của nhà báo Hoàng Hải Vân thấy ông đưa lại các lỗi của đề thi này theo phát hiện của Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Thiện Nam.

Ở đây, với nhận thức của một giáo viên tiểu học, tôi xin được phân tích vài lỗi về từ ngữ và ngữ pháp trong đề thi này. Tôi rất mong nhận được sự trao đổi của các nhà chuyên môn và bạn đọc.

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Ảnh: Vietnamnet.vn

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Ảnh: Vietnamnet.vn

Lỗi về từ ngữ:

Một trong những lỗi về từ ngữ trong sử dụng tiếng Việt là lỗi thừa từ. Lỗi thừa từ làm cho câu văn lủng củng, thiếu mạch lạc và mất đi tính thẩm mĩ.

Trong đoạn trích văn bản của phần Đọc hiểu, câu “Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện nhiều hơn” đã mắc lỗi thừa từ. Câu này đã bị thừa một từ nhiều (từ nhiều ở vị trí cuối câu). Câu trên viết cho đúng sẽ là: “Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện hơn”.

Lỗi về ngữ pháp:

Chấm câu, ngắt câu không hợp lý:

Vẫn trong đoạn trích văn bản của phần Đọc hiểu, đáng lẽ hai câu “Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện nhiều hơn. Một ông lão băng qua cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi” phải gộp thành một câu thì mới hợp lý vì câu thứ hai (Một ông lão…. ngắm sông trôi.) chính là phần giải thích cho câu thứ nhất (Khi nước gặp…nhiều chuyện hơn). Do vậy, mỗi câu trên chỉ được coi là một vế của một câu hoàn chỉnh.

Còn nếu tách riêng ra như đề thi thì “Một ông lão băng qua cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi” chưa phải là một câu đúng ngữ pháp vì nó mới chỉ có chủ ngữ (dù nó có tới ba chủ ngữ) mà chưa có vị ngữ.

Do vậy, hai câu trên nên sửa lại thành một câu như sau: “Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện nhiều hơn: một ông lão băng qua cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi”. Đây là cách hợp lý nhất vì nó đúng logic cả về ngữ nghĩa và ngữ pháp.

Còn nếu bắt buộc phải tách câu thứ hai thành câu riêng thì cần thêm vị ngữ cho nó để đảm bảo đúng ngữ pháp, chẳng hạn: “Một ông lão băng qua cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi cũng trở thành những câu chuyện của dòng sông”.

Câu thiếu thành phần chính:

Câu thông thường chuẩn ngữ pháp tiếng Việt phải là câu có đủ hai thành phần chính là chủ ngữ và vị ngữ. Song, thật đáng tiếc là có một số câu trong đề thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay lại chưa đủ hai thành phần chính này (thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ).

Câu “Đều có khởi nguồn như một bờ cát nhỏ cuối cùng đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một bờ biển mới và rộng rãi” trong đoạn trích phần Đọc hiểu của đề thi cũng chưa phải là câu đúng ngữ pháp vì nó thiếu chủ ngữ (Đều có khởi nguồn khi một bờ cát nhỏ, cuối cùng cái gì đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một bờ biển mới và rộng rãi?).

Để trở thành một câu đúng ngữ pháp, câu trên có thể sửa thành: “Đều có khởi nguồn như một bờ cát nhỏ, cuối cùng chúng đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một bờ biển mới và rộng rãi”.

Ở cuối câu 2, phần Tập làm văn của đề thi cũng có câu “Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên” sai ngữ pháp. Đây là câu thiếu vị ngữ. Câu này có thể sửa là “Anh/chị hãy nêu cảm nhận của mình về đoạn thơ trên.” hoặc “Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên như thế nào?”.

Thay lời kết

Để xảy ra lỗi khi làm đề, trách nhiệm thuộc về hội đồng ra đề, có thể là trong các khâu làm đề, thẩm định đề, duyệt đề “có vấn đề”.

“Có vấn đề” ở đây có thể là sự chủ quan, tắc trách của những người có liên quan đến công tác ra đề, duyệt đề.

Đặc biệt hơn là những sai sót lại xuất hiện trong đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì lại càng đáng tiếc hơn.

Chúng tôi mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm kiểm tra, đánh giá lại các đề thi và có sự kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm cho các kỳ thi sau để tạo sự đồng thuận và niềm tin cho đông đảo thí sinh và nhân dân.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Đăng Anh