"Tôi phản đối luyện gà nòi, dùng thủ đoạn để có học sinh giỏi quốc gia"

07/02/2018 06:56
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, có mấy nước trên thế giới làm cách đó để đạt mục đích học sinh giỏi cấp quốc gia như ở nước ta?

LTS: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm 2018, thầy giáo Kiên Trung bày tỏ nỗi bức xúc với cách luyện "gà nòi" khiến cả thầy và trò đều vất vả chạy đua như hiện nay.

Đồng thời, thầy cũng nhấn mạnh đến việc cần loại bỏ những tiêu cực do áp lực vì bệnh thành tích.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết quả Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2018.

Theo đó, các địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An và Hải Phòng có tỉ lệ và số lượng đạt học sinh giỏi cao nhất.

Đây là sân chơi trí tuệ lớn thu hút ngàn hàng thí sinh ưu tú nhất đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước tham gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm.

Kết quả tỉ lệ, số lượng học sinh đạt giải cao, thấp, ít, nhiều luôn được xem là “bộ mặt” của các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo và trường trung học phổ thông chuyên.  

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra từ ngày 11 đến 13/1/2018. (Ảnh: Báo Dân sinh)
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra từ ngày 11 đến 13/1/2018. (Ảnh: Báo Dân sinh)

Quy chế thi học sinh giỏi quốc gia của trải qua nhiều bước thăng trầm, biến đổi.

Năm 2007, trong Quy chế thi học sinh giỏi quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ quy định “tuyển thẳng học sinh đoạt giải vào các trường đại học, cao đẳng”.

Cũng năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định “các trường chuyên không được phép mời người ngoài trường ôn luyện, tập huấn cho giáo viên và học sinh để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào”.

Đến năm 2010, theo kiến nghị của nhiều trường chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định dỡ bỏ “lệnh cấm” người ngoài trường chuyên được tham gia ôn luyện, tập huấn cho giáo viên, học sinh chuyên dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

"Tôi phản đối luyện gà nòi, dùng thủ đoạn để có học sinh giỏi quốc gia"  ảnh 2Thầy giáo trung học "phát khóc" vì trò thi học sinh giỏi

Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia ban hành ngày 25/11/2011 khôi phục quy định học sinh đoạt giải Ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng theo đúng nhóm ngành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho từng môn thi.

Về việc nhiều chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo được các địa phương săn đón và mời bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của mình, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển từng giải thích:

Bộ không thể cấm chuyên viên của mình đi bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi ở các địa phương.

Trên thực tế họ là những chuyên gia giỏi và họ làm việc đó với tư cách là chuyên gia.

Miễn là họ hoàn thành công việc của mình ở Bộ, không vi phạm pháp luật cũng như vi phạm về đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nếu các địa phương cho rằng vì chuyên gia của cục khảo thí nên ôn luyện sẽ sát đề thi thì chỉ là cách đoán mò.

Cục khảo thí chỉ là nơi tổ chức việc ra đề chứ không phải là những người trực tiếp ra đề.

Những người ra đề là một lực lượng đông đảo các giáo viên phổ thông, giảng viên đại học ở nhiều nơi nên sẽ hạn chế tối đa tiêu cực.

Các thầy, cô giáo dạy các trường trung học phổ thông chuyên nhận nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh cấp gia thường phải chịu nhiều vất vả, áp lực, lo ngày, lo đêm từ lúc bồi dưỡng đến khi có kết quả thi vì chỉ tiêu, thành tích của nhà trường, địa phương đặt ra.

Đạt kết quả cao thì vui mừng, được khen thưởng, vinh danh này nọ.

Nhưng chẳng may, bồi dưỡng không đạt em nào hoặc đạt quá thấp so với chỉ tiêu được giao thì buồn so, cuối năm đừng có mơ đến danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh…

Gặp lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban giám hiệu nhà trường luôn “máu” thành tích, hơn thua, cao thấp, các giáo viên bồi dưỡng không đạt còn bị “nhắc nhở”, chê trách, nói xa, nói gần đủ thứ…

Năm sau có tâm huyết với học sinh giỏi cũng không có cơ hội được nhà trường lựa chọn bồi dưỡng đội tuyển nữa.

Nói thật, giáo viên trẻ tuổi còn cảm thấy ngậm ngùi, tiêng tiếc, chứ giáo viên lớn tuổi, tuy có nhiều kinh nghiệm và năng lực bồi dưỡng mong nhà trường đừng lựa chọn mình nữa.

Bệnh thành tích, háo danh, thích được khoe mẽ đã, đang ăn vào máu thịt của các địa phương, các trường chuyên và nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo.

Từ năm 2010 đến nay, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ “lệnh cấm” không được mời người ngoài bồi dưỡng, các trường chuyên (chủ trì việc bồi dưỡng học sinh giỏi cho tỉnh, thành phố) trước thời điểm thi, phần lớn đều chạy đôn, chạy đáo mời chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số thầy cô giáo giỏi, có kinh nghiệm bồi dưỡng của những địa phương khác đến để huấn luyện cho “gà nòi” của tỉnh mình.

"Tôi phản đối luyện gà nòi, dùng thủ đoạn để có học sinh giỏi quốc gia"  ảnh 3Tìm thấy lí do giáo viên ngán ngẩm ôn thi học sinh giỏi

Có năm thì ùn ùn kéo về Hà Nội, mời các “quân sư” ở đây luyện cấp tốc cho trò hết ngày đến đêm khiến các em vật vã, mệt mỏi rã rời đến tội nghiệp.

Các địa phương phải tốn kém kinh phí, tiền bạc lên tới hàng trăm triệu đồng cho việc ăn, ở của đội tuyển, mời chuyên gia huấn luyện… đâu phải ít.

Sẵn sàng bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc như vậy chỉ để có thêm chút thành tích, kết quả học sinh giỏi cấp quốc gia thì thật là lãng phí và phản giáo dục vô cùng.

Xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, có mấy nước trên thế giới làm cách đó để đạt mục đích học sinh giỏi cấp quốc gia như ở nước ta?

Mặc dù đã khôi phục chế độ tuyển thẳng đại học đối với các học sinh đạt giải ba trở lên nhưng nhiều học sinh ở các địa phương hiện nay chẳng mấy mặn mà với việc tham gia bồi dưỡng và thi học sinh giỏi cấp quốc gia.  

Minh chứng, theo số liệu từ Phòng Trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, thành phố có gần 200 em tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

Thế nhưng, số lượng học sinh tham dự hàng năm biến động mạnh, cụ thể là sau khi một số trường đại học có cơ chế tuyển thẳng những học sinh giỏi đoạt giải quốc gia.

Đơn cử, trong năm học 2015-2016, toàn thành phố có 132 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

Năm học 2016-2017, 184 học sinh tham dự. Số học sinh ở từng trường cũng có biến động theo từng năm.

Theo hiệu trưởng một trường trung học phổ thông, có trường tuyển sinh lớp chuyên nhưng đào tạo học sinh giỏi lại rất èo uột, có năm không học sinh nào tham dự.

Chỉ khi có những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh thì mới có học sinh tham gia kỳ thi.

Điều này lý giải lâu nay, học sinh vẫn đặt mục tiêu phải vào đại học, chứ ít mặn mà với các kỳ thi.

Tôi đồng ý với chủ trương tổ chức các kỳ thi tuyển chọn học giỏi là đúng, để phát hiện những học sinh có năng lực, tố chất nổi trội, tạo sự công bằng cho những em nghèo vươn lên trong học tập.

Đồng thời, đó cũng là một thước đo uy tín, hiệu quả cho các trường đại học tuyển sinh.

Nhưng tôi và nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục này lại rất phản đối cách lựa chọn học sinh giỏi theo kiểu “dụ dỗ”, ép buộc;

Tổ chức bồi dưỡng học sinh theo kiểu nhồi nhét, “gà nòi”, mời người ngoài về “huấn luyện” và chạy theo bệnh thành tích.

Hãy để các em tự quyết định, tuyệt đối không được ép buộc.

Tổ chức bồi dưỡng có kế hoạch, không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh và cả giáo viên.

Mặc dù không có quy định cấm người ngoài đến bồi dưỡng cho “quân ta” nhưng các địa phương, trường chuyên nên tự lực cánh sinh, lấy nguồn giáo viên hiện có của mình để bồi dưỡng, như thế hay hơn nhiều, thôi đừng chạy đua vì thành tích, tiếng khen nữa (Nếu đạt cao, có vinh quang chi  đâu).

Cái gì tự nhiên, thực chất mới tốt, mới bền vững.

Còn cái gì trái với quy luật tự nhiên, “làm ăn” giả dối, sính thành tích sẽ sớm tàn lụi và để lại nhiều hệ lụy khôn lường.

Nền giáo dục tiên tiến nói chung và việc phát hiện, bồi dưỡng, thi học sinh cấp quốc gia nói riêng cần phải được “thay máu” toàn diện từ tư duy, nhận thức đến cách tổ chức thực hiện.

KIÊN TRUNG