"Tôi mong Tòa án Sơn La sẽ làm rõ được việc đưa tiền để nâng điểm"

30/08/2019 11:36
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Lê Như Tiến: “Phiên tòa phải thể hiện thái độ nghiêm minh, quyết tâm chỉnh đốn trong Đảng cũng như chỉnh đốn ngành Giáo dục".

Ngày 16/9 tới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La sẽ đưa ra xét xử vụ án liên quan đến gian lận thi cử năm 2018.

Có tới 8 bị can được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);

Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga (trưởng phòng, phó phòng và chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);

Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu); Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);

Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá) và Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).

Để phục vụ xét xử, Tòa án tỉnh Sơn La triệu tập 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gồm phụ huynh có con được nâng điểm) và 43 người làm chứng đến tòa.

Trong đó có ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), ông Nguyễn Duy Hoàng (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Liên quan đến vụ án nghiêm trọng này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội về những kỳ vọng của ông về công tác xét xử lần này, trong đó có những vấn đề dư luận quan tâm như việc có hay không việc dùng tiền, quyền tác động để nâng điểm, vai trò của các phụ huynh như thế nào …

Bày tỏ sự kỳ vọng về phiên tòa xét xử liên quan đến sai phạm thi cử ở Sơn La, ông Lê Như Tiến cho rằng: “Ngày 16/9 Toàn án nhân dân tỉnh Sơn La sẽ mở phiên tòa xét xử và triệu tập số người liên quan đến 90 người.

Đây là một vụ án lớn, điển hình và rất phức tạp được cử tri cả nước và dư luận hết sức quan tâm.

Tôi hy vọng phiên tòa sẽ xét xử một cách công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, nghiêm túc, đúng người đúng tội”.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Phiên tòa phải thể hiện thái độ nghiêm minh, quyết tâm chỉnh đốn trong Đảng cũng như trong ngành Giáo dục để đem lại sự minh bạch, công bằng trong công tác thi cử.

 Điều tôi quan tâm nhiều đó là làm rõ có hiện tượng chạy điểm hay không. Cái đó là cái chắc chắn có”.

Thu hồi quyết định, chưa cho ông Hoàng Tiến Đức nghỉ hưu
Thu hồi quyết định, chưa cho ông Hoàng Tiến Đức nghỉ hưu

Cũng theo ông Lê Như Tiến: “Trong xét xử, đối với những người có chức, có quyền càng phải nghiêm minh như thế mới đem lại lòng tin được cho dư luận xã hội, nhân dân và cử tri của cả nước.

Trong vụ án này có liên quan đến cả cán bộ của ngành giáo dục, có trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Sơn La,  những cha mẹ phụ huynh, học sinh đã tiếp tay cho gian lận thi cử. Do đó, cần phải xử lý thật nghiêm”.

 Cuối cùng nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tôi kỳ vọng việc dư luận xã hội đòi hỏi cao như vậy, tòa án nhân dân các cấp không thể nào có thể xử một cách không công khai, không minh bạch và không đúng pháp luật.

Còn xử mà không đúng người, đúng pháp luật còn có cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên sẽ xem xét xử phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm”.

Trinh Phúc