Tôi là Hiệu trưởng, tôi không quan tâm mình là viên chức hay công chức

20/02/2019 08:46
Phương Linh
(GDVN) - Hiệu trưởng có là công chức, hay viên chức thì vẫn là người đứng đầu trường học.

Bộ Nội Vụ đang lấy ý kiến, dự kiến trình Chính phủ xem xét dự thảo, đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Viên chức (sửa đổi), dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2020.

Căn cứ theo dự thảo này, Hiệu trưởng tại các trường phổ thông công lập không còn là công chức nữa, mà là viên chức quản lý, được hưởng các chế độ của viên chức.

Khi đó, trong trường học sẽ chỉ có 3 thang bảng lương là: Bảng lương viên chức quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng và các Tổ phó chuyên môn), bảng lương chuyên môn của giáo viên đứng lớp, bảng lương của nhân viên.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh thầy Phú cung cấp)
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh thầy Phú cung cấp)

Ngày 18/2/2019, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, thật ra, đối với bản thân thầy, công chức hay viên chức thì điều đó không có gì quan trọng nhiều.

Làm lãnh đạo là người đầy tớ của nhân dân, thì cần phải làm đúng theo quy định, còn quyền lợi như thế nào thì trong luật có quy định hết.

Là Hiệu trưởng, ông Huỳnh Thanh Phú xác định, chỉ biết làm sao cho công tác quản lý nhà trường cho tốt, công việc ngày càng trôi chảy hơn.

Hiệu trưởng không còn là công chức thì làm không được, cho nghỉ luôn

Ông Huỳnh Thanh Phú kể lại: Khi còn là Phó Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông tại quận 1, chính ông Phú đã thắc mắc, tại sao trong nhà trường, chỉ có Hiệu trưởng được là công chức, còn Phó Hiệu trưởng chỉ là viên chức (quản lý).

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng ở các trường trung học phổ thông cũng do Sở Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm như Hiệu trưởng. Bây giờ, trong dự kiến sửa đổi thì tất cả Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cũng là viên chức bình thường như giáo viên, thầy cô trong trường.

Hiệu trưởng thì cũng là do anh em giáo viên trong trường tín nhiệm, bầu lên, nên lúc nào cũng cần cố gắng phấn đấu làm sao cho công việc tốt.

Công chức, viên chức tất nhiên là cũng có khác nhau về quyền lợi, nhưng nếu có sự thay đổi, thì ông Huỳnh Thanh Phú cũng không lấy đó làm buồn, mà trái lại, ngang bằng với thầy cô còn cảm thấy vui nữa.

Trước ý kiến cho rằng, việc Hiệu trưởng chỉ là viên chức quản lý thì có thể làm thay đổi nhận định của một bộ phận người dân, thầy cô cho rằng, Hiệu trưởng là ông vua con trong nhà trường không, ông Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh: Công chức hay viên chức không quan trọng, mà quan trọng là cần là đúng những điều pháp luật quy định.

Nếu Hiệu trưởng, hay bất cứ ai làm sai đều bị phản ứng, bị xử lý, lại chắc chắn không được giáo viên ủng hộ.

Chính vì thế, ông Huỳnh Thanh Phú khẳng định rằng, hoàn toàn không có khái niệm ông vua con trong trường học, vì ai làm sai, căn cứ theo luật định thì đều bị xử lý như nhau.

Thế nhưng, ngược lại, cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 lại đưa ra nhận định riêng của mình: Hiệu trưởng dù là công chức hay viên chức, thì cũng không thể làm thay đổi nhận định của một bộ phận người dân, khi cho đây là ông vua con trong trường học.

Bởi lẽ, theo cô Kim Hương, công chức hay viên chức thì  Hiệu trưởng luôn là người đứng đầu, là thủ trưởng của một đơn vị trường học.

Phương Linh