Tôi không ngại dạy trực tuyến, nhưng chỉ có 10/34 em tham gia thì phải làm sao?

04/09/2021 06:27
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó dạy trực tuyến không phải giáo viên thiếu nhiệt tình, không chịu đổi mới, mà cái khó, cái khổ chính là không thể huy động hết học sinh tham gia lớp học.

Dịnh bệnh Covid đang diễn biến khá phức tạp ở nhiều địa phương. Một số tỉnh thành đã quyết định tổ chức năm học mới bằng việc dạy trực tuyến. Xung quanh vấn đề này đã có nhiều ý kiến cho rằng dạy và học trực tuyến đạt trà sẽ không đạt hiệu quả nhất là đối với học sinh tiểu học.

Sĩ số lớp 34 học sinh mà chỉ bấy nhiêu em tham gia sẽ học chính thức thế nào đây? (Ảnh PT)

Sĩ số lớp 34 học sinh mà chỉ bấy nhiêu em tham gia sẽ học chính thức thế nào đây? (Ảnh PT)

Khác với nhiều ý kiến đồng tình của giáo viên về dạy và học trực tuyến, cô Phạm Thị Bảo Đức - Giáo viên dạy Toán Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) lại cho rằng: “Nếu giáo viên nói dạy học trực tuyến là khó, không thể làm được thì theo tôi đó là ngụy biện, bởi lẽ đây không phải là tình huống đột ngột mới xảy ra.

Dịch bệnh đã xuất hiện 2 năm nay rồi, các thầy cô cũng đã trải qua khá nhiều đợt dạy học trực tuyến. Bộ và sở cũng thường xuyên tập huấn công nghệ thông tin cho giáo viên, nhưng tôi nhận thấy mọi người tham dự các đợt tập huấn này theo kiểu đối phó”.

Nhiều địa phương có dịch rất khó huy động học sinh tham gia lớp học

Tôi là một giáo viên khá lớn tuổi (khoảng 6 năm nữa là về hưu). Để chuẩn bị cho việc giảng dạy trực tuyến, tôi cũng đã phải tự học rất nhiều. Ngay khi địa phương chưa phát động việc dạy trực tuyến thì tôi đã liên hệ với phụ huynh để hằng ngày dạy ôn tập cho học sinh đỡ quên kiến thức trong thời gian giãn cách.

Tuy thế, sau rất nhiều ngày tạo nhóm, gọi điện thoại để hướng dẫn phụ huynh tải phần mềm vào máy tính, điện thoại thì lớp tôi có 34 em cũng chỉ có chưa tới 10 em tham gia. Phụ huynh có nhiều lý do để không cho con tham gia buổi học.

Có những lý do vô cùng chính đáng như nhà chỉ có duy nhất cái điện thoại để liên lạc mà có tới 2 anh em giành nhau học. Đưa cho đứa này thì mất đứa kia, có khi đang học điện thoại gọi đến lại phải ngắt ngưng buổi học.

Có em đang là F0, có gia đình đang ở khu cách ly, có nhà không có mạng internet, nhà không có máy tính và điện thoại thông minh…khi phụ huynh đã đưa ra lý do như trên thì giáo viên có năn nỉ cỡ nào cũng không thể được.

Một lớp học 34 em nhưng chỉ có khoảng 1/3 học sinh tham dự. Nếu chỉ dạy ôn tập thôi cũng được, có em nào dạy em ấy, không được nhiều cũng được ít. Thế nhưng, nếu dạy học chính khóa khi học sinh không đi học tới hơn 2/3 sẽ thế nào? Nếu vẫn dạy thì sau này thời gian nào ôn bài cho học sinh chưa học trực tuyến?

Một giáo viên lớn tuổi sắp về hưu như tôi còn chịu khó học hỏi để giảng dạy trực tuyến thời điểm này thì nhiều đồng nghiệp khác cũng vậy thôi.

Đó là chưa kể những đồng nghiệp còn trẻ của tôi thành thạo công nghệ thông tin và rất nhiệt tình nhưng vẫn không thể kéo học sinh tham gia vào lớp học trực tuyến một cách đại trà vì những lý do mà tôi đã nêu ở trên.

Mỗi học sinh có một máy tính hoặc điện thoại thông minh để học thì việc dạy online cũng không khó khăn nhiều.

10 học sinh của tôi tham gia học trực tuyến mỗi ngày. Tuy thế, có em mới học được mấy phút lại phải thoát ra vì ba, mẹ có điện thoại đến. Cứ mỗi lần như thế, học sinh buộc phải ngưng học bất ngờ, khi hỏi bài thì “nãy giờ con có nghe gì đâu vì mẹ con bận nghe điện thoại”.

Đôi khi vừa học được vài phút điện thoại lại vang lên có cuộc gọi khác.

Có gia đình muốn để yên cho con học phải đăng lên facebook dòng chữ “Từ 3 giờ đến 5 giờ chiều con mình đang học online nên đừng ai gọi điện thoại”.

Thế nhưng, có phải ai cũng đọc được dòng chữ thông báo ấy và những cuộc gọi lại tiếp tục diễn ra.

Có gia đình cả 2 con cần học mà có mỗi cái điện thoại nên ba mẹ phải phân ngày lẻ ngày chẵn. Thế là, các em cứ phải học cách nhật như thế.

Người bạn dạy ở một trường tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do phụ huynh trong trường đều có điều kiện nên học sinh lớp bạn, em nào cũng có một máy tính hoặc laptop riêng. Vì thế, việc triển khai dạy học trực tuyến không gặp vấn đề gì về phương tiện, thì lại vắng nhiều học sinh do bị F0, F1 hoặc đang kẹt ở quê.

Vấn đề khó dạy trực tuyến lúc này với chúng tôi không phải là giáo viên thiếu nhiệt tình, không chịu học hỏi, đổi mới, không biết gì về công nghệ thông tin nên kêu khó, kêu khổ mà cái khó, cái khổ chính là không thể huy động hết học sinh tham gia học.

Vắng học đôi ba em, sau này có thể phụ đạo thêm trong qua trình dạy, thế nhưng vắng hơn 2/3 học sinh nhưng vẫn buộc phải chạy chương trình mới thì đảm bảo rằng chất lượng dạy trực tuyến sẽ không khả thi chút nào.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết