Tôi không đồng tình việc tái lập Bộ Giáo dục

03/03/2020 06:30
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo khi trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Tại hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” của Bộ Nội Vụ diễn ra ngày 19/2, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho biết cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.

Vì lẽ đó, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo; điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo; thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa-Thể thao và Thanh niên. 

Trước đề xuất này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng, trước khi thiết kế một bộ máy thì chúng ta phải xác định được chức năng cốt lõi của bộ máy đó là gì.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc tách Bộ Giáo dục và Đào tạo ra để tái lập Bộ Giáo dục là đi ngược lại với nguyên tắc cải cách hành chính và không phù hợp về chức năng nhiệm vụ của hệ thống. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc tách Bộ Giáo dục và Đào tạo ra để tái lập Bộ Giáo dục là đi ngược lại với nguyên tắc cải cách hành chính và không phù hợp về chức năng nhiệm vụ của hệ thống. (Ảnh: Thùy Linh)

“Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đều có chức năng cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề của đất nước, quản lý hệ thống giáo dục đào tạo từ mầm non, phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. 

Do vậy, trước tiên cần phải chuyển mảng giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất chức năng phát triển nguồn nhân lực”, ông Vinh nói. 

Tiến sĩ Vinh chia sẻ, hiện ngành giáo dục đã phân cấp rất nhiều nhiệm vụ cho địa phương về giáo dục phổ thông, còn ở đại học đã đẩy mạnh tự chủ nên việc tái cơ cấu Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết theo hướng giảm biên chế và ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại. 

Quan điểm của Bộ Nội vụ về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục
Quan điểm của Bộ Nội vụ về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục

Tuy nhiên, việc tách Bộ Giáo dục và Đào tạo ra để tái lập Bộ Giáo dục là đi ngược lại với nguyên tắc cải cách hành chính và không phù hợp về chức năng nhiệm vụ của hệ thống. 

Tiến sĩ Vinh nói thêm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có chức năng lo về chính sách xã hội, việc làm do đó để mảng giáo dục nghề nghiệp cho Bộ này quản lý là không hợp lý xét về mặt chức năng căn bản.

“Nếu nói đào tạo nghề gắn với tạo việc làm là quan điểm sai, mà tạo ra việc làm là do nền kinh tế, trong khi Bộ đó chỉ có chức năng là lo về chính sách việc làm, những vấn đề bảo trợ xã hội, thông tin thị trường lao động...”, ông Vinh nhấn mạnh. 

Vị này cũng thừa nhận, hiện nay, Bộ Khoa học công nghệ quản lý một số viện nghiên cứu có quy mô khá lớn nhưng sự hợp tác với các trường đại học rất kém. Điều này dẫn đến các viện nghiên cứu không khai thác được nguồn lực và chất xám của trường đại học còn các trường đại học không tận dụng được trang thiết bị nghiên cứu hiện đại của các viện.

Nếu muốn giảm đầu mối, tinh giản biên chế mà tách mảng đào tạo ra khỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Khoa học công nghệ thì biên chế ở Bộ Giáo dục và Đào tạo không giảm được bao nhiêu vì vẫn phải duy trì các vụ, cục (như Tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính, Quản lý chất lượng giáo dục, Hợp tác quốc tế... trừ Vụ Giáo dục đại học).

Do đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất: “Theo tôi, nên ghép Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thành một bộ, lấy tên là Bộ Giáo dục – Khoa học công nghệ để hệ thống giáo dục được liên thông từ mầm non đến đại học, sau đại học.

Làm được như vậy thì đầu vào, đầu ra, hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ theo mạch, gắn chương trình giáo dục phổ thông ở đầu vào với thị trường lao động, khai thác được nguồn lực của các bên. Điều này vừa đảm bảo được chức năng và sự hợp tác phát triển, lại có thể giảm xuống chỉ còn 19 Bộ”. 

Thùy Linh