Tôi giúp trò trả lời 'học để làm gì', trò khiến tôi trẻ lại, nỗ lực sáng tạo

27/11/2021 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy giáo dạy giỏi cấp thành phố - Nguyễn Đức Phú luôn áp dụng thực tiễn vào các bài giảng để giúp học sinh trả lời được câu hỏi "học để làm gì".

Ngay trên quên hương danh nhân, nhà giáo Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội), có một ngôi trường, mà ở đó thầy cô giáo đang mỗi ngày cố gắng để dành hết tâm huyết để đem tình yêu, trí tuệ khơi dậy niềm đam mê học tập của các học trò. Ngôi trường đó mang tên trường Trung học cơ sở Thanh Liệt.

Đến trường dịp này, ngay tại lối ra vào trường là hệ thống cảm biến tự động xịt dung dịch sát khuẩn tay phòng chống Covid-19, đây chính là sản phẩm được chính học sinh trong trường tạo ra từ kiến thức học được từ môn Vật lý.

Qua giới thiệu của các thầy cô trong trường, phóng viên được biết người thầy giáo mang lại niềm đam mê môn Vật lý cho các em là thầy Nguyễn Đức Phú - một người thầy theo lời giới thiệu, mô tả của học sinh ở trường là thầy có giọng nói trầm ấm, đặc biệt là những tiết dạy "học luôn đi đôi với hành".

Thầy từng đạt nhiều thành tích như Giải ba cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm học 2019-2020; giáo viên ôn luyện cho học sinh giỏi đạt Giải 3 môn Vật lý cấp thành phố năm học 2019-2020; gương điển hình "Người tốt việc tốt" năm 2021 do Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì khen tặng...

Thầy Nguyễn Đức Phú. (Ảnh: Mạnh Đoàn)Thầy Nguyễn Đức Phú. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Học để làm gì?

Chia sẻ về việc dạy môn Vật lý trên lớp học, thầy cho hay mỗi học sinh có tố chất khác nhau và trong quá trình dạy thì thầy sẽ quan sát, phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu của học sinh từ đó có sự điều chỉnh để các em tiếp thu tốt nhất các kiến thức.

Điều khiến thầy cảm thấy hứng thú trong việc dạy học là khi học sinh chủ động đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến Vật lý. Từ đây, thầy sẽ bổ trợ cho các con, đồng thời sẽ thu hút thêm sự quan tâm của các bạn khác trong lớp học. Thầy nhận định đây là hình thức học tập hỗ trợ nhau rất tốt.

Môn Vật lý là môn học thực nghiệm, vì vậy trong giờ học, thầy luôn nói về nguyên nhân tại sao các sự vật, hiện tượng xảy ra và các kiến thức sẽ giải quyết được vấn đề gì cho cuộc sống. Thầy nhận định, việc giáo dục ngày nay phải trả lời được câu hỏi học để làm gì.

Trường Trung học cơ sở Thanh Liệt. (Ảnh: Mạnh Đoàn)Trường Trung học cơ sở Thanh Liệt. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Quá trình thí nghiệm cũng là đào tạo các kĩ năng cho học sinh, từ việc dùng thước đo, kìm, kéo cắt mẫu vật như thế nào, thầy Phú hướng dẫn cụ thể cho học sinh theo dõi, không nói lý thuyết suông hay trình bày quá dài dòng. Từ quan sát thực tế, các em sẽ hình thành các kĩ năng, có thể tự mình thực hành được ngay, ví dụ như việc đấu nối dây điện...

Trong quá trình giảng dạy, thầy cũng nhận được những câu hỏi của học sinh về môn Vật lý thì học để làm gì. "Tôi giải thích cho các con rằng, môn học rất là cần thiết cho các môn khoa học kĩ thuật cơ bản sau này. Khi học Vật lý, thì con có thể tham gia được các ngành nghề, lĩnh vực cho tương lai, như con muốn học về lĩnh vực kỹ thuật tại trường Bách Khoa thì môn Vật lý là môn các con cần cố gắng", thầy Phú chia sẻ.

Trong những năm vừa qua, thầy cũng hướng dẫn nhiều học sinh giỏi đi thi cấp thành phố và đạt được thành tích cao.

Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố

Năm học 2019-2020, thầy Phú tham gia kì thi giáo viên dạy giỏi môn Vật lý cấp trường và cấp huyện rồi đến cấp thành phố. Với kinh nghiệm từ các tiết học hàng ngày, và sự cố gắng nỗ lực từ kỳ thi, thầy Phú đạt được Giải ba.

Chia sẻ về kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm học 2019-2020, thầy Phú cho biết, trong kì thi đó có rất đông các giáo viên từ các quận, huyện trên địa bàn Thành phố tham dự, lần đầu tiên tham dự cuộc thi lớn khiến thầy không khỏi hồi hộp.

Ban giám khảo kỳ thi đưa ra nội dung yêu cầu mỗi giáo viên phải đưa ra bài giảng về giải pháp vấn đề mới về dạy học, thầy giáo 8X đã áp dụng kinh nghiệm thực tiễn vào bài thi.

"Tôi ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng Vật lý của mình, đây cũng là điểm nhấn và là câu trả lời cho những thắc mắc của ban giám khảo. Ban giám khảo đánh giá cao về tính đổi mới, từ thí nghiệm kết hợp với internet của tôi", thầy Phú chia sẻ.

Cơ sở vật chất khang trang của nhà trường vừa đáp ứng nhu cầu học tập vừa mang lại sự yêu thích cho học sinh. (Ảnh: Mạnh Đoàn)Cơ sở vật chất khang trang của nhà trường vừa đáp ứng nhu cầu học tập vừa mang lại sự yêu thích cho học sinh. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chia sẻ thêm về việc ứng dụng công nghệ vào bài giảng, thầy Nguyễn Đức Phú cho hay, tại thời điểm dịch năm ngoái khi Covid-19 vừa bùng phát, dạy học trực tuyến chưa phổ biến, thầy đã quyết định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học để theo dõi bài giảng từ những video thí nghiệm Vật lý.

Môn Vật lý là thí nghiệm trực quan, nên thầy đã dùng điện thoại để quay lại cảnh làm thí nghiệm về âm học.

Thầy Phú dùng điện thoại để quay lại thí nghiệm sự rung động của âm thanh tác động đến hạt vừng hạt kê khiến chúng nảy lên. Tiếp đó, hình ảnh được truyền qua máy chiếu và đẩy lên màn hình trung tâm để học sinh cả lớp quan sát được. Điều này đảm bảo tính khách quan của thí nghiệm, trực quan với học sinh. Đây là một phương pháp đổi mới trong dạy Vật lý giúp ích cho học sinh và thầy giáo rất nhiều.

"Khi quay video thì tôi có thể tua nhanh, tua chậm, tôi đều có thể nhìn thấy được. Tính ứng dụng này đến bây giờ vẫn có thể áp dụng vào bài giảng", thầy Phú chia sẻ.

Thầy Phú cho rằng, việc đạt Giải ba sẽ là động lực để thầy cô gắng hơn nữa trong hoạt động dạy học, làm sao để ứng dụng công nghệ thông tin, các tiện ích từ công nghệ phục vụ việc giảng dạy hiệu quả, chất lượng hơn. Điều quan trọng nhất qua cuộc thi đã giúp bản thân thầy Phú cọ xát về chuyên môn, điều này là rất cần cho hoạt động giảng dạy.

Tham gia giảng dạy học sinh trong nhiều năm qua, thầy Nguyễn Đức Phú nhận thấy niềm vui như trẻ lại mỗi khi được lên lớp dạy.

"Thực sự, ngôi trường Trung học cơ sở Thanh Liệt và các em học sinh theo học ở đây khiến tôi luôn cảm thấy hứng khởi với mỗi ngày lên lớp. Các em là động lực để giáo viên chúng tôi đổi mới, chủ động sáng tạo. Mỗi năm, tôi lại được tiếp xúc với một lớp thế hệ học sinh mới đang độ tuổi phát triển về tâm sinh lý, được giao tiếp với nhiều đối tượng học sinh, mỗi người là một nét tính cách. Tôi như được trẻ lại, sống lại thuở học trò", thầy Phú chia sẻ.

Mạnh Đoàn