Tôi cho rằng Bộ điều chỉnh công văn 5512 bằng công văn 2613 là hợp lý

07/07/2021 09:47
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục đã hướng dẫn cụ thể mẫu kế hoạch bài dạy ở Công văn 5512 là tài liệu tham khảo là hoàn toàn hợp lý chứ không nhất thiết phải thu hồi toàn bộ công văn.

Sau rất nhiều bài viết về việc thực hiện kế hoạch bài dạy (giáo án) theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, mới đây Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH nhằm điều chỉnh những bất cập đã được các thầy cô giáo phản ánh trước đó.

Ngày 23/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2613/BGDĐT-GDTrH (ảnh chụp tài liệu)Ngày 23/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2613/BGDĐT-GDTrH (ảnh chụp tài liệu)

Nội dung Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH được hướng dẫn như sau:

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512).

Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh;

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước).

Người viết cho rằng những điều chỉnh tại Công văn 2613 của Bộ Giáo dục là hợp lý.

Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã nêu rất rõ: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án)”.

Chỉ bằng dòng chữ được sử dụng để tham khảo nghĩa là đã không bắt buộc giáo viên phải soạn cụ thể, đầy đủ như những hướng dẫn của Công văn 5512 trước đó.

Các phụ lục kèm theo nêu ở Công văn số 5512 (gồm 4 phụ lục về Khung kế hoạch dạy học môn học của tổ chuyên môn; Khung kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn; Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên;

Khung kế hoạch bài dạy (giáo án) trước đây là bắt buộc thì bây giờ cũng chỉ đề tham khảo. Nghĩa là, giáo viên có thể soạn theo hoặc không soạn theo là tùy ở mỗi người.

Hiện nhiều trường học tại tỉnh Bình Thuận cũng đã phổ biến cho giáo viên về tinh thần chỉ đạo của Công văn 2613. Vì thế, giáo viên khá vui mừng và không phản ứng gì.

Nhớ lại lần Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 30, sau khi nhận được những phản ánh từ thực tế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tiếp Thông tư 22 sửa đổi bổ sung một số điều bất hợp lý tại Thông tư 30.

Vì thế chúng tôi cho rằng, trước những phản ánh về những điều bất cập trong việc lập kế hoạch bài dạy của giáo viên thì Bộ Giáo dục đã có hướng dẫn cụ thể mẫu kế hoạch bài dạy ở Công văn 5512 chỉ xem là tài liệu tham khảo là hoàn toàn hợp lý chứ không nhất thiết phải thu hồi toàn bộ công văn.

Sau hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, giáo viên được giảm nhiều áp lực

Ngoài việc gỡ khó cho giáo viên dạy lớp 6 năm học này, Công văn 2613 cũng đã giảm áp lực cho những giáo viên dạy từ khối 7 đến khối 9:

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh”.

Trước đó, không ít địa phương đã buộc tất cả giáo viên bậc trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9 phải soạn kế hoạch bài dạy theo mẫu của Công văn 5512. Nay, Công văn 2613 đã giao quyền xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn miễn đảm bảo được các phương pháp dạy học tích cực phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Nghĩa là, giáo viên từ khối 7 trở đi vẫn sẽ lập kế hoạch bài dạy như trước nay mình vẫn soạn theo hướng hoàn thiện hơn.

Đỗ Quyên