Tôi biết nghề giáo khổ

08/12/2012 07:10
Lê Hữu Phúc
(GDVN) - Nguyên lí cuộc đời là vậy, cái mà người ta tận tâm tận lực đầu tư ra nhiều nhưng thành quả ít hoặc còn nhận lại sự thất bại thì ít ai đủ sức mà đi tiếp con đường đó. Người giáo viên cũng nằm trong quy luật đó, họ sẽ nuối tiếc, sẽ rất buồn cho những lao tâm khổ tứ mà rõ ràng họ có thể dễ dàng hi sinh.
Làm thầy không đơn giản

Không biết từ lúc nào, cái ý nghĩ về nghề giáo cứ dai dẳng đeo bám trong tâm trí tôi: Một nghề rất nhàn, mỗi ngày chỉ vài tiết dạy thậm chí được nghỉ. Nhưng thực tế đôi lúc trái ngược với những gì mình nghĩ, lên năm 2 một sinh viên học ngành Báo chí như tôi phải trang trải bao nhiêu tiền cho việc học tập, tôi đành quyết định làm gia sư dạy môn văn, đảm nhận luyện thi vào trung học phổ thông cho 4 em ở thành phố Huế. Đa số chúng giỏi tất cả các môn ngoại trừ môn tôi đang dạy cho chúng nó. Trường bốn đứa chọn để thi là Quốc Học, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng và thời gian còn lại trước lúc thi là hai tháng. Đó là một áp lực rất lớn cho tôi trước những học sinh có kiến thức nữa vời.

Phương pháp mà tôi dạy là hướng dẫn cách hành văn theo từng kiểu, dạng khác nhau. Tuy nhiệm vụ chính của người thầy là giảng nhưng thỉnh thoảng đó cũng là nghe nhiều thắc mắc, những câu hỏi hóc búa mà bốn đứa đặt ra. Có những câu hỏi tôi phải ậm ự và có những thắc mắc tôi cũng hoàn toàn không biết. Mỗi tiết học chúng nó đều thi nhau hỏi những vấn đề liên quan đến nội dung bài học. Dần dần tôi phải hình thành cho mình một thói quen soạn và xem bài giảng thật kĩ trước khi đến dạy, sau đó tự đặt ra những câu hỏi liên quan để tự mình giải đáp. Cái khó của nghề giáo là muốn giảng được một phần kiến thức người thầy phải hiểu mười và chỉ nói năm sáu phần để kích thích học sinh động não. Và thật sự thời gian tôi dành cho việc này còn gấp 2 lần thời gian tôi giảng, chưa tính đến việc chấm bài và nghiên cứu ra đề kiểm tra. Sự hết lòng đó mới giúp tôi đạt được kết quả cao nhất: Tất cả đều đậu.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Dạy ở quê cũng khó

Song song với lớp dạy ở thành phố, tôi còn mở thêm lớp dạy thêm văn 6 ở quê. Yêu nghề dạy văn và lí trí khiến tôi nghĩ mình phải làm gì đó cho những học sinh đầu cấp đổi mới tư duy học tập. 13 đứa, đó là số lượng ít của một giáo viên thông thường nhưng là con số đủ lớn với tôi. Hành trang chuẩn bị của tôi là sách, bài giảng soạn trước, các phương tiện giảng dạy thông thường và nhất là cây thước để đánh. Tôi phải dùng đến chiêu thức này bởi đó là lời gửi gắm của phụ huynh muốn thầy giáo nghiêm khắc để học sinh sợ mà học. Một cây thước, hai cây thước và đến cây thước thứ ba cũng chẳng ăn thua. Lớp học chỉ có 3 em nam và 10 nữ và một vài em vẫn học tốt, không nghịch phá nhưng tôi vẫn không quản nổi. Cứ mỗi lần quay lên bảng viết thì ở dưới học sinh lại nói chuyện, đánh lộn. Dù hét khô cả cổ thậm chí rơi nước mắt nhưng học sinh vẫn chứng nào tật ấy. Những hành động chúng thường làm là chọc nhau, nói chuyện, chửi tục, không chép bài và thiếu tập trung, đôi lúc còn vô lễ. Buộc chúng về chép phạt thì bảo là quên, nghỉ học thì không xin phép và nếu có hỏi đến cũng chỉ khai “bận ở nhà giữ em”, đánh đòn dù rất đau cũng nhe răng ra cười. Đã có những trường hợp tôi phải tới nhà phụ huynh để làm việc, cũng có đứa quá nghịch phải đuổi để làm gương, nhưng kết quả vẫn không thay đổi và cuối cùng tôi phải giải tán lớp, cho tất cả nghỉ.

Nỗi buồn của người thầy

Có thể là nỗi buồn của người gia sư tâm huyết trong công việc làm thêm sẽ nguôi đi theo thời gian và chìm vào quên lãng, nhưng những người đứng trên bục giảng suốt cả cuộc đời có đôi người vì quá tâm huyết đã tẩm ướt những ngày tháng bằng nước mắt hoặc ít ra sẽ viết vào nhật kí của mình những câu chuyện buồn về đời dạy học. Bởi hình dung ra thì mỗi giáo viên sẽ gặp không biết bao nhiêu là kiểu loại học sinh và cũng không thể đếm hết những điều tinh nghịch thái quá của chúng. 
Thầy Nguyễn Văn Nam, Trường THPT Phan Đăng Lưu chia sẻ: “Yêu công việc sẽ có những niềm vui trong công việc. Học sinh thế nào tôi cũng không ghét cả nhưng có lúc thấy không vui. Tôi thấy tiếc cho công sức của cha mẹ những học sinh không chịu học mà ham chơi phá phách, công sức của họ bỏ ra nhiều mà dường như niềm tin không gửi không đúng chỗ và buồn vì những học sinh đó không biết tận dụng cơ hội để có tương lai”.

Những người chọn ngành sư phạm đa phần đều thích nghề dạy. Ấy vậy mà đã không ít giáo viên than khổ rồi chuyển nghề, hoặc tâm sự là sai lầm khi chọn nghề này. Ai làm nghề thì cũng đều yêu nghề, tâm huyết với nghề nhưng môi trường sẽ quy định tính cách và lối dạy của họ. Nhiều giáo viên có cách dạy thờ ơ, dạy cho đủ tiết không quan tâm đến kiến thức của học sinh, nhiều giáo viên lên lớp với thái độ cáu gắt với học trò mình. Đây là một thực tế có xảy ra, thậm chí rất nhiều và đáng lên án. Nhưng cũng có những trường hợp cần phải nghĩ lại. Hoàn cảnh mà tôi vừa kể cũng chính là những trở ngại thường ngày mà rất nhiều giáo viên dạy ở trường gặp phải. Bao nhiêu công sức, thời gian đầu tư cho tiết dạy thậm chí cả quên đi bản thân vì lớp trẻ để rồi những hành vi phản cảm lại “ ném đá” vào mặt người thầy khiến ai cũng dễ cảm thấy bị tổn thương. Dịu dàng làm sao được khi nói mãi vẫn chẳng nghe, không bực mình sao được khi trút hết tâm sức mà kết quả học tập của học sinh mình vẫn không hề thay đổi. Có một điều cần lưu ý rằng học sinh thích giáo viên dễ tính, không ép mình phải học nhiều, thoải mái trong tiết học. Thử hỏi nếu làm như “tâm nguyện” của học sinh vậy giáo viên có mất gì không?

Nhiều giáo viên không chịu nổi nghịch lý đâm ra “yêu chiều” học sinh để khỏi mất công và cũng đỡ mang tiếng ác. Những giáo viên khác vì thương học sinh mà mạnh tay trong giờ học liền được phong chức “ dũng sĩ diệt học sinh”, và lắm lúc những người này còn bị học sinh trả thù.

Thầy Ngô Văn Phước, giáo viên Trường THCS Thủy Thanh cho biết: “Làm thầy ai cũng mong muốn học trò mình nên người, thầy đi trên đường mà có người chào mình một câu: Dạ thưa thầy! thầy cũng cảm thấy sướng lắm. Không phải vì nó cho mình cái gì mà mình vui, nhưng một câu chào như thế để thấy học trò kính trọng mình. Những lớp ham học thầy rất thích, thầy có thể bỏ ra thêm giờ không nhận lương để giảng mà vẫn thấy vui”.

Nguyên lí cuộc đời là vậy, cái mà người ta tận tâm tận lực đầu tư ra nhiều nhưng thành quả ít hoặc còn nhận lại sự thất bại thì ít ai đủ sức mà đi tiếp con đường đó. Người giáo viên cũng nằm trong quy luật đó, họ sẽ nuối tiếc, sẽ rất buồn cho những lao tâm khổ tứ mà rõ ràng họ có thể dễ dàng hi sinh.

Cần làm rõ trách nhiệm

Không phủ nhận vẫn có nhiều học sinh rất chăm ngoan, lễ phép và đạo đức tốt. Tôi không so sánh hay phân biệt thái độ học tập, năng lực rèn luyện hay khả năng ứng xử của học sinh từ thành phố hay vùng quê bởi lẽ nhiều năm trở lại đây đa số những thí sinh đỗ thủ khoa điều là người ở các trường huyện. Nhưng có một điều chắc chắn rằng những học sinh nào được răn đe và dạy dỗ ở gia đình và trường học tốt thì người học sinh đó sẽ có khả năng chăm ngoan và đạo đức tốt hơn.

Giáo viên đi dạy mà khó tính thì học sinh ghét, dễ tính thì bị coi thường và tác oai tác quái. Dần dần đã phân cực nhiều nét tính cách cho những người thầy cô. Không phủ nhận tính cách do bản năng con người sẵn có nhưng nó cũng hoàn toàn dễ dàng phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Câu hỏi đặt ra là người thầy có lỗi không hay lỗi thuộc về ai: xã hội, phụ huynh, hay môi trường giáo dục thiếu một cơ chế quản lý Trách nhiệm đó phải được làm rõ thì bài toán khó này trong giáo dục mới mới hi vọng có lời đáp.

Rõ ràng tiền là mục đích sống nhưng lòng yêu nghề tâm huyết với nghề khiến người nhà giáo đã có những phút giây “ tủi phận” cho nghề của mình.

Tôi bỗng nhớ một câu nói trong lời dạy của thầy tôi: “Đừng đem hoa 20/11 đến tặng thầy khi thường ngày trên bàn thầy vẫn dính đầy bụi phấn”.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi yếu kém và lạc hậu

Giáo viên đánh học sinh gây mầm mống tội ác

Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày 20/11

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Lê Hữu Phúc