Toàn cảnh chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh Đại học Sư phạm Hà Nội năm học 2021

20/04/2021 13:15
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố đề án tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trong đó nêu rõ các phương thức xét tuyển.

Năm 2021, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh chính quy trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với các thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông và có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc Trung học phổ thông đạt loại khá trở lên.

Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Nhà trường xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ưu tiên cộng điểm hoặc xét tuyển thẳng nếu thí sinh có viết bài luận đạt kết quả tốt (quy định theo từng ngành). Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện 4 phương thức xét tuyển sinh sau:

Phương thức 1: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 để xét tuyển.

Tiêu chí xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu dựa theo tổng điểm thi 3 môn (bao gồm cả môn thi chính nhân hệ số 2 (nếu có) của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có).

Nếu xét tuyển theo phương thức 2 hoặc phương thức 3 còn thừa chỉ tiêu thì sẽ chuyển chỉ tiêu sang phương thức 1 hoặc phương thức 4 tùy theo ngành đào tạo.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên sẽ theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn đối với các ngành ngoài sư phạm, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tổng điểm xét tuyển theo tổ hợp đạt từ 15 trở lên (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực nếu có).

Phương thức 2

Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại Tốt, có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc Trung học phổ thông và phải thỏa mãn một trong các điều kiện dưới đây:

- Thí sinh là học sinh đội tuyển cấp tỉnh/thành phố hoặc đội tuyển của trường Trung học phổ thông chuyên trực thuộc các trường đại học được tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. (1)

- Thí sinh là học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố ở bậc Trung học phổ thông. (2)

- Thí sinh là học sinh trường Trung học phổ thông chuyên hoặc các trường Trung học phổ thông trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (3)

- Thí sinh có các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC. chứng chỉ Tiếng Pháp DELF hoặc TCF, chứng chỉ Tin học Quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày công bố kết quả xét tuyển thẳng của trường, trường có quy định cụ thể theo từng ngành). (4)

Nguyên tắc xét tuyển là xét tuyển lần lượt theo thứ tự ưu tiên bắt đầu từ đối tượng (1,) nếu còn chỉ tiêu sẽ xét tiếp lần lượt đến các đối tượng mục (2,) (3), (4) cho đến hết chỉ tiêu. Đối với thí sinh thuộc đối tượng từ mục (2) đến (4) xét theo tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn học ở bậc Trung học phổ thông theo quy định của mỗi ngành.

Phương thức 3: Xét học bạ Trung học phổ thông

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: Thí sinh là học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc Trung học phổ thông đạt loại tốt và 3 năm học lực giỏi.

Riêng đối với ngành Sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành Sư phạm Công nghệ, điều kiện về học lực lớp 12 phải đạt loại giỏi.

Đối với các ngành ngoài sư phạm, Thí sinh là học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ và học lực 3 năm ở bậc Trung học phổ thông đạt từ khá trở lên.

Về nguyên tắc xét tuyển: xét tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp các môn học theo qui định của mỗi ngành (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực nếu có).

Phương thức 4: Kết hợp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 với kết quả thi năng khiếu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh.

Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông và có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc Trung học phổ thông đạt loại khá trở lên.

Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành, nhóm ngành, khối ngành từng phương thức tuyển sinh và trình độ đào tạo như sau:

Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2021.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2021.

Trường Đại học Sư phạm cũng thông tin về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Theo đó, đối với các ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (nhóm ngành I), ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ theo Qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn đối với các ngành ngoài sư phạm (nhóm ngành IV,V,VII), ngưỡng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 15 điểm. Tổng điểm xét tuyển theo tổ hợp đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và điểm ưu tiên khu vực nếu có.

Lệ phí dự thi 300.000 đồng, hồ sơ. Thời gian nộp đăng ký dự thi từ 6/5-5/7/2021

Thời gian và địa điểm thi: 9h sáng ngày 14/7/2021, tập trung thí sinh, phổ biến qui chế thi

Từ ngày 15-17/7/2021: Thi các môn năng khiếu .

Năm 2020, tại Đại học Sư phạm, ngành có điểm thấp nhất là Công nghệ thông tin khối A00 lấy 16 điểm. Cao nhất là Sư phạm Toán (đào tạo giáo viên dạy Toán bằng Tiếng Anh) là 28 điểm.

Tùng Dương