Tổ chức Pháp ngữ sẽ giúp xác định tiêu chí ĐH Việt Nam

13/12/2011 14:49
Xuân Trung
(GDVN) - Đó là mong muốn của ông Roger Dehaybe, chuyên gia Tổ chức quốc  tế Pháp ngữ (OIF)  trong buổi làm việc ngày 12/12 với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL VN.
Trong buổi trao đổi, ông Võ Thế Lực, Tổng thư ký Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam (gọi tắt Hiệp hội) cho biết,  từ khi ra đời Hiệp hội (2004) mới chỉ có 20 hội viên, tính tới thời điểm hiện tại đã tăng lên 52 hội viên/81 trường ĐH, CĐ NCL. Mục tiêu của Hiệp hội là tập  hợp các hội viên  thành một lực lượng hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong việc giúp nền giáo dục Việt Nam phát triển.

Đề cập tới vấn đề chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, nhất là ở các trường ĐH, CĐ NCL còn yếu kém, ông Roger Dehaybe cho rằng, đó là vấn đề cấp thiết ở  cơ sở giáo dục tư nhân.

Hơn nữa, theo  ông Roger Dehaybe, xuất phát từ quan sát của một số nước Châu Phi, có thực tế thành lập một số trường  tư thục từ cấp 1 đến cấp 2 nhưng không đáp  ứng được chất lượng, ông Roger Dehaybe băn khoăn: “Liệu các cơ sở NCL có đáp ứng được các tiêu chuẩn như chất lượng, có công bằng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo hay không? Vai trò của Nhà nước như thế nào khi áp dụng các biện pháp để đáp ứng yêu cầu về chất lượng?”.

Buổi làm việc của Tổ chức Pháp ngữ tại Văn phòng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL. Ảnh Xuân Trung
Buổi làm việc của Tổ chức Pháp ngữ tại Văn phòng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL. Ảnh Xuân Trung

Từ những băn khoăn trên, Dự án “Vai trò điều tiết của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng và công bằng giáo dục” của Tổ chức Pháp ngữ được triển khai tại 7 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ông Roger Dehaybe cũng  cho biết, thông qua Dự án này,  các nước thành viên có thể trao đổi qua lại giữa các mô hình đào tạo khác nhau và có thể giúp được nhiều nước khó khăn để đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng.

Trước những lo lắng của Tổ chức Pháp ngữ về chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay chủ yếu bị thương mại hóa, TS Lễ Viết Khuyến, Trưởng ban Hệ thống chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường NCL) chia sẻ, bản thân ông rất đố kỵ với hiện tượng thương mại hóa chất lượng giáo dục.

TS Khuyến cho biết, những ý kiến mà Tổ chức Pháp ngữ đưa ra sẽ rất bổ ích cho Việt Nam. Theo TS Khuyến, trước thời kỳ đổi  mới (1986), ở Việt Nam không có trường Dân lập chỉ có trường công, sau đổi mới trước tình hình mới, nền kinh tế có nhiều thành phần, trong giáo dục cũng vậy, không chỉ có trường của Nhà nước. Hơn nữa, nhu cầu giáo dục rất lớn, người dân có nhu cầu học tập ngày càng cao cần sự góp sức từ xã hội. Chính vì vậy mà hàng loạt các trường ĐH, CĐ NCL ra đời. 
Ông Roger Dehaybe (giữa) ghi nhớ sẽ tiến hành làm việc với Bộ GD&ĐT về vấn đề đã trao đổi. Ảnh Xuân Trung
Ông Roger Dehaybe (giữa) ghi nhớ sẽ tiến hành làm việc với Bộ GD&ĐT về vấn đề đã trao đổi. Ảnh Xuân Trung

“Số trường ĐH, CĐ NCL tăng rất nhanh, vì nhiều như vậy nên khó có thể kiểm soát được chất lượng giáo dục, không những thế mà ngay cả các trường công cũng khó kiểm soát được chất lượng” TS Khuyến cho biết.

Nói về chất lượng giáo dục đại học hiện nay yếu kém, theo TS Khuyến, không chỉ có sự “đóng góp” của các trường NCL mà chính các trường công lập chất lượng cũng không đảm bảo ở một số trường.

“Hiệp hội cũng rất lo chất lượng các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay, thực tế những trường được thành lập thời gian đầu đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng, như trường ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội… Nói như vậy để thấy  rằng, những trường mới thành lập chất lượng còn chưa được đảm bảo” TS Khuyến nói.

Qua đây, TS Lê Viết Khuyến cũng đề nghị Tổ chức Pháp ngữ sớm hình thành Đề án hỗ trợViệt Nam có một tiêu  chuẩn xác định chất lượng giáo dục đại học và một tiêu chí theo chuẩn quốc tế về vấn đề thế nào gọi là “Phi lợi nhuận” và “Lợi nhuận”.  

Ông Roger Dehaybe ghi nhớ: “Chúng tôi sẽ tìm ra phương hướng và đường lối, sẽ sớm làm việc với Bộ GD&ĐT về vấn đề này”.

Xuân Trung