Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong lúc này tiềm ẩn nhiều nỗi lo

02/08/2020 05:44
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ sức khỏe, sự an tâm của hàng triệu thí sinh và những người tham gia Hội đồng coi thi, chấm thi trên cả nước là quan trọng hơn cả trong lúc này.

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trên cả nước sẽ diễn ra nhưng dịch bệnh Covid -19 trong những ngày qua đang có diễn biến khá phức tạp, khó lường.

Số bệnh nhân mấy ngày gần đây mỗi ngày đều tăng thêm chữ số, số người phải cách ly, xét nghiệm đều tăng lên từng ngày.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay có 900.152 thí sinh dự thi, cũng đồng nghĩa với chừng ấy gia đình cùng đưa đón, ngóng trông trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Hàng trăm ngàn cán bộ, giáo viên… sẽ tham gia làm công tác chỉ đạo, thanh tra, giám thị, giám khảo và phục vụ kỳ thi. Nhiều người được điều động đến các địa phương khác để làm nhiệm vụ sẽ tiềm ẩn nhiều nỗi lo và rủi ro có thể xảy ra.

Hy vọng lãnh đạo Bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ có những quyết định phù hợp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hy vọng lãnh đạo Bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

sẽ có những quyết định phù hợp (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ và các địa phương đã chuẩn bị và sẵn sàng cho kỳ thi

Với tâm thế chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào ngày 8/8 tới đây nên các trường học, các em học sinh lớp 12 đã có một quá trình chuẩn bị dài hơi trong công tác dạy và học.

Mặc dù năm học 2019-2020 đã kết thúc được mấy tuần qua nhưng thầy và trò các trường Trung học phổ thông vẫn phải tăng cường ôn thi.

Các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi, chuẩn bị cơ sở vật chất, lên kế hoạch điều động nhân sự tham gia làm công tác cho kỳ thi này.

Và, có lẽ công tác ra đề, in sao đề thi của Bộ và các địa phương đến thời điểm này cũng đã cơ bản hoàn tất. Tất cả đã chuẩn bị cho một kỳ thi được an toàn, hiệu quả và khách quan nhất.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác nữa nên những ngày qua thì đã có một số tỉnh, huyện, khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều điểm vui chơi, giải trí lại phải tiếp tục dừng hoạt động, nhiều đám cưới đã được địa phương vận động hoãn lại…

Ngày 31/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố thì lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam đã đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh toàn tỉnh.

Rõ ràng, nỗi lo lắng của lãnh đạo ở những địa phương đang có dịch bệnh, cũng như tâm lý giáo viên, thí sinh và phụ huynh đang hiện hữu khi kỳ thi đang đến gần.

Bài toán khó cho lãnh đạo Bộ và các địa phương

Trước những đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho toàn bộ thí sinh ở Đà Nẵng và Quảng Nam thì lãnh đạo Bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận đề xuất của địa phương.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng dừng kỳ thi, đặc cách tốt nghiệp cho toàn bộ thí sinh ở 2 địa phương này quả là chưa có tiền lệ và nó cũng sẽ gây ảnh hưởng cho nhiều trường đại học đã có chủ trưởng xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp.

Dừng kỳ thi tốt nghiệp cũng đồng nghĩa với việc nhiều trường đại học phải thay đổi phương án tuyển sinh và tất nhiên sẽ phát sinh nhiều chi phí cho các trường đại học, học viện...

Nhưng, nếu tiếp tục kỳ thi này, nhất là đối với những địa phương đang có dịch bệnh, đặc biệt như Đà Nẵng, Quảng Nam…thì quả là chưa thể an tâm bởi việc tìm bệnh nhân F0 đến nay vẫn chưa có kết quả, dịch bệnh đã lây nhiễm ra cộng đồng.

Cán bộ, giáo viên được điều động cũng sẽ lo lắng, thí sinh tham dự kỳ thi cũng không thể nào toàn tâm cho kỳ thi bởi trong lòng vẫn canh cánh một nỗi lo.

Nếu trong số những cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh mà nhiễm Covid-19 thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Một số đề xuất cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới.

Thứ nhất: Bộ nên đề xuất với Chính phủ để xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam và một số khu vực đang bị cách ly.

Nếu như không thể xét đặc cách được thì dùng phương án tổ chức kỳ thi này cho các địa phương đang bị cách ly vào đầu tháng 9 bằng đề dự bị của Bộ (như đề xuất của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam).

Thứ hai: Bộ nên có chủ trương đặc cách công nhận tốt nghiệp cho tất cả các thí sinh (257.030 thí sinh- (29%)) đã đăng ký dự thi nhưng chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển đại học để giảm số lượng thí sinh dự thi ở các Hội đồng thi.

Thực tế, những thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển đại học thì tham dự kỳ thi này cũng không hẳn là giải pháp hay, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba: nếu tình hướng xấu nhất thì đặc cách tốt nghiệp cho toàn bộ thí sinh trên cả nước. Bộ chủ trương để các trường đại học đã lên phương án tuyển sinh bằng kết quả tốt nghiệp tự lên phương án tuyển sinh.

Đồng thời lên phương án hỗ trợ cùng các trường đại học tuyển sinh sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đã rất cận kề nên mọi người luôn hy vọng lãnh đạo Bộ và các địa phương sẽ nhanh chóng đưa ra những quyết định, những giải pháp tối ưu nhất.

Dù biết rằng quyết định phương án nào trong thời điểm này cũng có những ưu điểm, hạn chế nhất định.

Nhưng, có lẽ sức khỏe, sự an tâm của hàng triệu thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên, những người tham gia Hội đồng coi thi, chấm thi trên cả nước là quan trọng hơn cả trong lúc này.

NHẬT DUY