Tổ chức cho học sinh vào nhà hàng nội thành liên hoan, nếu mất an toàn ai chịu?

19/07/2020 06:51
Nam Dương - Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nhiều nơi đang bày vẽ những buổi tiệc tùng xa hoa, những chuyến dã ngoại tốn kém…Từ nhỏ các cháu đã tiếp cận kiểu ăn uống, nhậu nhẹt như vậy là không nên”.

D. và T. là những người bạn thân; cả 2 đều đang học tại lớp 6A2, trường Trung học cơ sở Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

17h30 ngày 12/7/2020, trong khi T. có mặt tại cổng trường để cùng các bạn lên xe ô tô, về trung tâm Thành phố dự liên hoan tổng kết năm học thì D. được bố chở đi ăn bánh ngọt, uống trà sữa.

D. là 1 trong tổng số 7 học sinh trong lớp không tham dự buổi liên hoan cuối năm nhưng phụ huynh vẫn đóng tiền đầy đủ như các bạn khác.

Giải thích lý do anh C, bố của D. cho biết: “Tôi vẫn đóng tiền liên hoan cho cháu giống như các bạn trong lớp. Tuy nhiên, 2 bố con thống nhất với nhau là "chiêu đãi" con một buổi liên hoan ngọt ngay tại nhà để thưởng cho con vì năm học qua đã tiến bộ.

Tôi không muốn cho con lên tận nhà hàng để liên hoan.

Thứ nhất, điều này rất mất an toàn vì các con đi xe dịch vụ lên Thành phố chẳng may trên đường xảy ra chuyện gì, ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Cả lớp có đến 38 học sinh nhưng chỉ có 5 phụ huynh và một số giáo viên đi cùng cho nên tôi thấy điều này rất mất an toàn.

Thứ hai, ban đầu 100% phụ huynh trong lớp đã thống nhất tổ chức liên hoan tiệc ngọt cho các con.

Mình làm gọi để có không khí vui vẻ, vừa an toàn lại tiết kiệm.

Đối với các cháu lớp 6 ăn uống không được bao nhiêu nên không nhất thiết phải bày vẽ tốn kém như thế.

Ngoài ra tôi cũng không muốn con mình tiếp xúc sớm với những bữa tiệc tùng hoành tráng như vậy vì cháu còn quá nhỏ”.

Tiệc liên hoan tổng kết gần 16 triệu đồng của một lớp 6 (Ảnh:N.D)

Tiệc liên hoan tổng kết gần 16 triệu đồng của một lớp 6 (Ảnh:N.D)

Câu chuyện của D. với T. là chuyện bên lề trong bài viết: “Chi gần 16 triệu đồng cho buổi liên hoan tổng kết, phụ huynh choáng váng” đăng tải trên Giáo dục Việt Nam.

Sau bài viết này, có độc giả đã chia sẻ ý kiến rằng: “Trong tất cả mọi cách kiếm tiền thì kiếm tiền từ con trẻ là dễ nhất là lãi nhiều nhất" - Đây chính là tâm sự của chủ nhà hàng đã nói với tôi.

Có lẽ không đâu trên thế giới, chỉ có học sinh nước ta (chủ yếu đô thị) khi đi tham quan, giáo dục ngoại khóa là tập trung ăn uống tại nhà hàng.

Từ bé, các cháu đã tiếp cận những kiểu ăn uống, nhậu nhẹt như vậy, liệu tương lai sẽ thế nào?”.

Ý kiến này thể hiện góc nhìn cá nhân bạn đọc, nhưng phải thừa nhận rằng những buổi liên hoan tiệc tùng hoành tráng, những chuyến tham quan bày vẽ…đang trở thành biểu hiện của “tính đồng phục” trong giáo dục công lập.

Tính đồng phục ở đây là gì?

Là phụ huynh phải đóng tiền cho con mặc dù không cảm thấy thoải mái; là những đứa trẻ phải tham gia những hoạt động các em không thích bởi vì đó là “nhắc nhở” của nhà trường, hội cha mẹ học sinh, giáo viên.

Tâm lý “thỏa hiệp” của nhiều phụ huynh, muốn con mình bằng bạn bằng bè hay chỉ đơn giản là người ta đóng thì mình cũng đóng là một phần nguyên nhân khiến căn bệnh đồng phục này thêm trầm trọng.

Mâm cơm gần 2 triệu đồng trong lễ tổng kết năm học (Ảnh:N.D)

Mâm cơm gần 2 triệu đồng trong lễ tổng kết năm học (Ảnh:N.D)

Một vị lãnh đạo trường tư thục trên địa bàn Hà Nội tâm sự với Giáo dục Việt Nam:

“Trong thời gian “đóng cửa trường” vì dịch Covid-19 các thầy cô đã rất nỗ lực, để triển khai kịp thời phương án dạy học online cho các con được học tập, củng cố kiến thức ngay tại nhà, phần nào giúp các phụ huynh giảm bớt nỗi lo lắng khi con không đến trường...

Tuy nhiên, khi nhà trường thông báo thu hơn 1 triệu đồng/ học sinh tiền học online thì phụ huynh kêu ra rả, không đồng ý, nhưng khi kết thúc năm học chính phụ huynh đó sẵn sàng chi 1,5 -2 triệu đồng cho con đi chơi một ngày hoặc tham dự một bữa tiệc do các em tự tổ chức với nhau.

Nghề giáo nhiều tủi thân lắm”.

Trở lại câu chuyện buổi liên hoan hết gần 16 triệu đồng tại lớp 6A2, có một chi tiết phụ huynh rất tinh ý và cũng rất bức xúc đó là chi tiết về tấm banner “Lễ tổng kết năm học”.

Một phụ huynh phân tích: “Nhìn vào tấm áp phích có thể thấy ngày tháng vẫn ghi là ngày 8/7/2020, chỉ thay tên lớp, vẫn để tên trường.

Như vậy có thể hiểu các lớp chỉ việc tuần tự thay phiên nhau tổ chức những buổi tiệc như thế này.

Việc này đã vượt ngoài quy mô của các lớp mà gần như trở thành một phong trào của nhà trường.

Tôi nghĩ rằng các cháu còn nhỏ như vậy nhà trường không nên định hướng học sinh vào chuyện nhậu nhẹt, tiệc tùng.

Thay vào đó hãy hướng các cháu vào những giá trị nhân văn, đức tính tiết kiệm.

Với 16 triệu đó hoàn toàn có thể giúp đỡ các học sinh nghèo trong lớp hoặc quyên góp ủng hộ các bạn nhỏ vùng cao thì thiết thực biết bao”.

Bên cạnh sự xa hoa của những buổi liên hoan tổng kết nở rộ như một phong trào tại nhiều trường từ thành thị xuống đến các trường ở nông thôn, một vấn đề phụ huynh đặt dấu hỏi là vai trò, trách nhiệm của hội cha mẹ học sinh.

Học sinh vùng cao quây quần bên những bữa cơm giản dị mà ấm cúng (Ảnh:N.D)

Học sinh vùng cao quây quần bên những bữa cơm giản dị mà ấm cúng (Ảnh:N.D)

Trong khi các học sinh lớp 6 trường Trung học cơ sở Văn Điển được người lớn hướng dẫn “dzô ta, dzô hầy” bên bàn tiệc gần 2 triệu đồng/ mâm thì tại trường bán trú xã Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) đã thành thông lệ: Cuối năm học nhà trường lại tổ chức một buổi liên hoan bữa cơm có thịt cho học sinh.

Toàn bộ chi phí của buổi liên hoan này do nhà trường và các thầy cô đóng góp.

Những học sinh khăn quàng đỏ thắm ríu rít như đàn chim non vui vẻ bên những mâm cơm ấm cúng, trong lòng thầy cô không giấu được sự vui mừng.

Thầy Nguyễn Duy Tiến, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với học sinh nơi đây, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Lễ tổng kết cuối năm bên cạnh phần múa hát, trao quà nhà trường tổ chức một buổi liên hoan mặn cho các con ngay trong khuôn viên sân trường.

Những bữa cơm này so với vùng xuôi còn nhiều thiếu thốn nhưng đối với học sinh ở nơi đây các em quý lắm.

Về phía thầy cô, những món quà của các em đôi khi là một tấm thiệp vẽ đơn giản, một bó hoa rừng cũng là sự tri ân rất lớn đến với chúng tôi.

Chỉ đơn giản thôi nhưng mà vui và ấm cúng”.

Nam Dương - Thùy Linh