Tổ chức cho học sinh ôn tập trong hè có vi phạm không?

07/06/2019 06:18
Đỗ Quyên
(GDVN) - Bắt giáo viên dạy ôn tập hè, ăn cắp thời gian hợp pháp của thầy cô cũng chính là “thủ thuật” để hiệu trưởng khống chế giáo viên không cho học sinh ở lại lớp.

Theo quy định Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Theo đó:

Nhiều địa phương chỉ đạo các trường chỉ được tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh sau ngày 1/8 (Ảnh minh họa VTV)

Nhiều địa phương chỉ đạo các trường chỉ được tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh sau ngày 1/8 (Ảnh minh họa VTV)

Điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28 quy định: “Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”;

Nay, Thông tư 15 sửa đổi nội dung trên như sau: “Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.

Vì thế, hai tháng 6 và tháng 7 hằng năm là thời gian nghỉ phép hợp pháp của tất cả giáo viên.

Vậy mà không ít trường học hiện nay ở tỉnh Bình Thuận, một số hiệu trưởng lại yêu cầu giáo viên phải đến trường vào thời điểm vừa nghỉ hè (những ngày đầu tháng 6) để dạy ôn tập và tổ chức thi lại cho học sinh.

Không ít giáo viên bất bình, bức xúc, thế nhưng nhiều thầy cô giáo lại không dám phản ứng, không dám có ý kiến.

Hà Nội cấm các nhà trường ôn tập văn hóa trước ngày 1/8

Cô H. một giáo viên bậc trung học cơ sở cho biết, kế hoạch du lịch hè, về quê thăm bà con của gia đình em bị đảo lộn hết vì em phải đến trường ôn tập cho học sinh thi lại (2 tuần).

Một số giáo viên bậc tiểu học cũng nói rằng, hiệu trưởng nhà trường yêu cầu giáo viên nào có học sinh thi lại phải xuống trường kèm cặp các em để đầu tháng 8 nhà trường sẽ tổ chức thi lại.

Dù biết là vô lý, hè là chế độ nghỉ ngơi hợp pháp của mình nhưng những giáo viên này không dám có ý kiến bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân.

Có giáo viên chia sẻ, không ai dám có ý kiến nên hiệu trưởng thường lộng quyền, ra lệnh để buộc giáo viên phải thi hành.

Nhưng nếu có ý kiến thì sẽ bị ghét, bị "soi", bị đưa vào “tầm ngắm”, có thái độ phản ứng thì cho là chống đối, là bất hợp tác, là cãi lệnh cấp trên.

Vì thế cũng phải “nhắm mắt” thực hiện trong ấm ức, trong khó chịu nhưng như thế mình lại được an toàn.

Thường cuối tháng 8 học sinh mới tập trung. Vậy muốn ôn tập cho học sinh yếu sao không để đầu tháng 8?

Ôn xong tổ chức thi, giáo viên vẫn được nghỉ hè, học sinh vẫn được ôn tập và thi thế là hợp lý nhất, và như thế là "vẹn cả đôi đường".

Thế nhưng không ít trường học lại lấy thời gian nghỉ hè để buộc một số thầy cô có học sinh yếu phải đến trường để dạy.

Ai đã lấy mất hai tuần của em?

Một số giáo viên bày tỏ băn khoăn của mình “phải chăng, chính hiệu trưởng nhà trường đang ngầm tạo áp lực cho giáo viên?”

Tạo áp lực gì ư? Đó chính là áp lực không được để học sinh ở lại lớp.

Những thầy cô không có học sinh yếu, thi lại thì thong dong nghỉ hè.

Ngược lại, những giáo viên có học sinh yếu, thi lại sẽ không được nghỉ hè ngay.

Chỉ bấy nhiêu thôi, ai còn dám để học sinh xếp loại yếu?

Do bị áp lực như thế, một số thầy cô giáo cho biết không đánh giá học sinh chưa hoàn thành mà vớt cho các em lên lớp hết.

Bởi dạy kèm, phụ đạo cho các em cả năm chưa ăn thua gì chỉ dạy khoảng 2 tuần sao có thể tiến bộ được?

Một số giáo viên cũng khẳng định rằng, bắt giáo viên dạy ôn tập hè là ăn cắp thời gian hợp pháp của các thầy cô cũng chính là “thủ thuật” để hiệu trưởng khống chế giáo viên những năm học sau không cho học sinh ở lại lớp.

Việc làm này của một số hiệu trưởng đang vi phạm quy định về chế độ việc làm của nhà giáo.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/16968/huong-dan-ro-ve-thoi-gian-nghi-he-nghi-phep-hang-nam-doi-voi-giao-vien

Đỗ Quyên