Tình trạng dạy thêm cho học trò chính khóa sẽ thách thức việc dạy thật, học thật

30/05/2021 07:02
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với các trường ở khu vực thành thị thì tình trạng giáo viên dạy thêm, học sinh đang phải học thêm diễn ra khá phổ biến ở tất cả các cấp học phổ thông.

Chủ đề: “Dạy thật, thi thật, nhân tài thật” đang được bàn luận khá sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây. Hàng trăm bài viết của các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh đã được các báo đăng tải đều chung một nỗi niềm mong muốn chữ “thật” được phát huy, chữ “giả” được loại bỏ.

Nhưng, công việc này đang gặp một số trở ngại khi mà nhiều trường học chưa căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mà giao chỉ tiêu cao ngất ngưởng khiến cho một số giáo viên phải tìm cách đối phó.

Giáo viên đánh giá thật sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, đến thi đua cá nhân và còn phải đối mặt với những phiền toái, phải lý giải nguyên nhân, phải ôn tập cho học sinh kiểm tra lại vào dịp hè nên một số thầy cô đành đánh giá nửa vời.

Nhiều giáo ở khu vực thành phố thì dạy thêm tràn lan cho học trò chính khóa của mình. Nhiều đề kiểm tra được học sinh ở lớp học thêm làm trước khi kiểm tra trên lớp nên điểm khá, điểm giỏi rất nhiều mà chất lượng thật thì không tương đồng với điểm số mà học sinh có được.

Học sinh được khen thưởng cuối năm nhiều có một phần từ nguyên nhân dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Học sinh được khen thưởng cuối năm nhiều có một phần từ nguyên nhân dạy thêm, học thêm

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Dạy thêm, học thêm đang tạo thêm nhiều gam màu tối

Dạy thêm, học thêm đang là nhu cầu của một bộ phận giáo viên và phụ huynh- đó là một thực tế mà ở địa phương nào cũng có. Bản chất của việc dạy thêm, học thêm cũng không xấu và thực tế thì hiện nay Bộ chỉ cấm dạy văn hóa ở cấp tiểu học mà thôi.

Cho dù ngày 26/8/2019 thì Bộ ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Nhưng về cơ bản thì đối với các môn năng khiếu ở tiểu học và các môn văn hóa ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì Bộ không cấm dạy thêm, học thêm. Nên xét về thực tế và về lý thì hoạt động dạy thêm và học thêm hiện nay chỉ cấm đối với các môn văn hóa ở cấp tiểu học.

Dạy thêm, học thêm cũng đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho cả thầy và trò, nhất là đối với những trường có chất lượng cao, những lớp mà có nhiều học sinh học giỏi. Bởi, việc dạy chính khóa trên lớp có ít thời gian nên trong những buổi học thêm giúp cho học trò làm quen với các dạng đề thi, các bài tập nâng cao- nhất là đối với học sinh cuối cấp.

Nhưng, dạy thêm, học thêm cũng đang làm cho việc dạy thật, học thật ở nhiều trường phổ thông thêm phần tiêu cực. Đặc biệt, đối với các trường ở khu vực đô thị thì tình trạng giáo viên dạy thêm, học sinh học thêm đang rất khá phổ biến ở tất cả các cấp học phổ thông.

Ở cấp tiểu học, cho dù Bộ Giáo dục cấm dạy thêm văn hóa nhưng nhiều giáo viên chủ nhiệm các lớp học ở khu vực thành phố , vùng có điều kiện vẫn nuôi học trò tại nhà mình suốt cả năm học. Buổi sáng, phụ huynh đưa con đến trường, trưa thì thầy cô đưa học trò về nhà mình lo cơm nước, chiều dạy thêm tại nhà.

Các cấp học phổ thông còn lại thì nhiều thầy cô mở lớp dạy thêm ngay tại nhà mình, việc dạy thêm của giáo viên luôn được đề cập ngay từ những ngày đầu năm học để phụ huynh “thu xếp” cho con mình theo học.

Khi giáo viên nuôi học trò, hay dạy học trò tại nhà cũng đồng nghĩa phải “có trách nhiệm” nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Bởi, nếu đi học thêm mà điểm số không cao lên thì phụ huynh nào còn tin tưởng để gửi gắm con mình cho thầy cô dạy thêm.

Những học sinh học tốt thì điểm cao và được khen thưởng là chuyện bình thường, không có gì đáng bàn cãi nhưng có những học trò còn yếu mà giáo viên vẫn tìm cách “nâng cao chất lượng” để học sinh được khen thưởng vào cuối học kỳ, cuối năm học như ở tiểu học là điêu đáng suy nghĩ.

Các môn học thêm ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì luôn có điểm cao ở mức khá, giỏi trong các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Vì thế, điểm tổng kết của các môn học nâng lên, học sinh giỏi cũng nhiều lên.

Trường nào, môn nào, giáo viên nào có dạy thêm là ở đó có điểm số cao bất ngờ. Nhiều lớp học đại trà bây giờ ở một số trường rất ít học sinh có học lực trung bình. Nhiều lớp, học sinh đạt điểm trung bình cả năm lên đến 9,0 điểm mà nằm ở tốp giữa của lớp.

Học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhiều đến nỗi mà có những trường thì phần thưởng chỉ trao cho học sinh có danh hiệu là học sinh giỏi còn học sinh tiên tiến chỉ được phát 1 tờ giấy khen!

Cũng vì thế mà những năm học chưa có dịch bệnh Covid-19, đến ngày tổng kết năm học thì nhà trường chỉ trao phần thưởng cho học sinh giỏi, thậm chí trường lớn chỉ trao phần thưởng cho học sinh từ hạng hạng IV đến hạng I còn học sinh giỏi đại trà và học sinh tiên tiến thì giao cho giáo viên chủ nhiệm phát thưởng tại lớp.

Chương trình mới thì học sinh vẫn phải học thêm như thường

Thời gian qua, có nhiều bài viết hy vọng khi ngành giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chương trình cần phải gọn nhẹ và học sinh không còn phải đi học thêm như hiện nay nữa.

Nhưng, làm sao học sinh không phải đi học thêm lại là một câu chuyện rất dài bởi chúng ta cứ nhìn vào chương trình lớp 1 đã được thực hiện trong năm học 2020-2021 này thì thấy học sinh vẫn phải đi học thêm như thường.

Nhiều giáo viên chủ nhiệm ở khu vực thành thị dạy thêm tại nhà như lâu nay- cho dù chương trình mới đã thiết kế học 2 buổi/ ngày. Nhưng, khoảng chiều tối thì nhiều phụ huynh vẫn đưa học sinh đến nhà giáo viên để…học thêm.

Chương trình giáo dục 2018 ở cấp trung học cơ sở còn có thêm nhiều môn học mới và các cấp học đều có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau nên chuyện học thêm của học trò tới đây khó mà chấm dứt được.

Biết đâu, đây sẽ là những nguyên nhân chính đáng nhất để giáo viên, nhà trường mở lớp dạy thêm với lý do kiến thức mới, kiến thức khó như các môn tích hợp.

Nhất là đối với học sinh cuối cấp thì việc thực hiện nhiều sách giáo khoa mà không thay đổi cách kiểm tra, thi cử như hiện nay thì việc dạy thêm, học thêm có lẽ sẽ còn nhiều hơn bây giờ.

Nhưng, với cách dạy thêm, học thêm như hiện nay khiến cho một số giáo viên không đánh giá đúng năng lực học tập của học trò. Điều này sẽ khiến cho ngày càng nhiều học sinh giỏi và dẫn đến tình trạng một số học sinh càng ngộ nhận về học lực của mình mà mất đi động lực học tập.

Và, hy vọng…

Khi đề cập đến chuyện dạy thêm, học thêm cũng đồng nghĩa sẽ đụng chạm đến quyền lợi của một bộ phận giáo viên, nhà trường đang dạy thêm hiện nay và nhiều người đang dạy thêm đại trà sẽ cho rằng việc dạy thêm là chính đáng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.

Vì thế, chúng tôi chỉ mong rằng việc dạy thêm, học thêm cần phải trên tinh thần tự nguyện của học trò, của phụ huynh. Người thầy giỏi, có uy tín trong giảng dạy thì khi học sinh có nhu cầu học thêm sẽ khắc tìm đến với mình.

Tránh tình trạng giáo viên dạy thêm tràn lan cho học trò chính khóa của mình, dạy thêm rồi nương tay khi đánh giá, cho điểm, hoặc bật mí, “hướng dẫn” trước đề kiểm tra trên lớp ở lớp lớp học thêm.

Đặc biệt, giáo viên đừng gợi ý chuyện dạy thêm của mình với học trò, với phụ huynh và trong lúc mà các cơ quan quản lý chưa thực hiện tốt việc giám sát tình trạng dạy thêm, học thêm thì những giáo viên dạy thêm cần phải đánh giá học trò một cách công bằng…

Những năm qua, bức tranh dạy thêm của nhiều giáo viên, nhiều trường học đang làm cho niềm tin của phụ huynh, của xã hội bị mai một vì gánh nặng tiền bạc luôn đè nặng lên vai cha mẹ học trò.

Một khi còn tình trạng dạy thêm, học thêm còn tràn lan như hiện nay thì rất khó đảm bảo được tiêu chí “dạy thật, học thật và thi thật”, cho dù học sinh giỏi ngày càng nhiều thì cũng chẳng mấy ai tin kết quả đó đều thật!

KIM OANH