Tinh giản chương trình môn Ngữ văn chỉ giảm số tiết chứ không giảm bài học!

27/03/2020 07:00
THANH AN
(GDVN) - Chúng tôi cho rằng đối với môn Ngữ văn nói chung, Ngữ văn lớp 9 và 12 nói riêng nên tinh giản những bài học cụ thể sẽ thiết thực hơn giảm số tiết/ bài học.

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành tổ chức rà soát, tinh giản chương trình các môn học ở học kỳ II, năm học 2019-2020 do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh trên cả nước .

Khác với mong đợi của cả thầy và trò ở các nhà trường là sẽ tinh giản bớt đi những bài học không cần thiết, vô bổ để học sinh tập trung vào những bài học trọng tâm thì hình như Bộ không làm vậy mà chỉ tinh giản số tiết hiện hành trên những bài học mà thôi.

Đối với môn Ngữ văn cũng vậy, mặc dù số tiết nhiều, số bài nhiều nhưng chủ trương không giảm bài học thì việc tinh giản thực tế cũng không có nhiều ý nghĩa, nhất là đối với những học sinh cuối cấp có một lượng kiến thức rất nặng.

Chương trình Ngữ văn hiện hành đang rất nặng (Ảnh minh họa, nguồn: Classbook.vn).
Chương trình Ngữ văn hiện hành đang rất nặng (Ảnh minh họa, nguồn: Classbook.vn).

Ngày 19/3/2020, Bộ Giáo dục đã thành lập một số tiểu ban các môn học để rà soát, tinh giản nội dung, kiến thức của Chương trình giáo dục phổ thông trong học kỳ II này và tiếp theo là ngày 25/3, lãnh đạo ngành cũng phát ra thông điệp là sẽ tinh giản từ 5-7 tuần học so với kế hoạch ban đầu.

Nếu đọc những thông tin này, mọi người đã nghĩ đến việc lãnh đạo ngành giáo dục sẽ chủ trương giảm đi những bài học, những đơn vị kiến thức không cần thiết nhưng thực tế không phải như vậy.

Giáo viên của một số địa phương đã nhận được dự thảo phân phối chương trình tinh giản kiến thức các tuần còn lại của học kỳ II để đóng góp ý kiến thì các môn học chỉ giảm số tiết mà thôi, còn những bài học vẫn được giữ nguyên như trước đây.

Bởi, theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thì chủ trương của Bộ là tinh giản những kiến thức vượt chuẩn và những kiến thức  lặp lại. Việc giảng dạy của giáo viên trên lớp chỉ dừng lại ở mức độ đọc- hiểu- vận dụng thấp và không dạy phần vận dụng cao như lâu nay.

Giảm tiết đối với môn Ngữ văn sẽ không có nhiều ý nghĩa

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến môn Ngữ văn, nhất là Ngữ văn  lớp 9 và lớp 12 vì đây là môn thi bắt buộc đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 10 vào thời điểm năm học 2019-2020 kết thúc.

Tinh giản chương trình môn Ngữ văn chỉ giảm số tiết chứ không giảm bài học! ảnh 2Một số đề xuất giảm tải môn Ngữ văn cho học sinh cuối cấp

Môn Ngữ văn là một trong những môn học đang có số tiết nhiều nhất của chương trình phổ thông hiện hành, kiến thức rất nhiều vì nó bao hàm cả 3 phân môn: tác phẩm văn học, tiếng Việt và tập làm văn, cả 3 phân môn này có sự quan hệ mật thiết với nhau.

Việc giảm tải lần này theo một số địa phương đang triển khai cho giáo viên đóng góp ý kiến là sẽ giảm số tiết trên/ bài học. Ví dụ: một truyện ngắn hay một bài thơ lâu nay đang dạy 2 tiết, bây giờ giảm đi 1 tiết- giảm về thời gian chứ không giảm bài học. Và, nếu thực hiện như thế này thì giáo viên và học sinh cũng không giảm tải được bao nhiêu vì các lý do sau:

Thứ nhất, giáo viên vẫn phải soạn giáo án các bài học bình thường, chỉ bỏ đi hoạt động mở rộng, nâng cao kiến thức cho học trò. Trong khi, các bước tuần tự của bài học như đọc, hiểu, tìm hiểu văn bản vẫn được giữ nguyên.

Thứ hai, các bài thi môn Ngữ văn lâu nay của tuyển sinh 10 và Trung học phổ thông quốc gia thường có câu 5 điểm là vận dụng cao (cảm nhận, suy nghĩ của anh (chị) về nhân vật, đoạn trích, truyện ngắn, đoạn thơ,  bài thơ…).

Nếu không dạy phần vận dụng cao thì dạng đề này tất nhiên sẽ không được ra trong đề thi. Trong khi, môn Văn mà khi thi không đi vào cảm nhận, trình bày suy nghĩ về tác phẩm văn học thì có lẽ sẽ mất đi đặc trưng môn học.

Thứ ba, nếu giảm tiết thì tất các bài học vẫn phải học và ôn tập bình thường, dù có chỉ đạo là chỉ dạy đọc- hiểu- vận dụng thấp thì thầy và trò cũng phải học sâu, kỹ tác phẩm văn học thì học trò mới đủ tự tin để thi cử.

Bởi, văn chương là môn học định tính, không có phần vận dụng cao có lẽ bài văn sẽ được cho là không sâu sắc, không sáng tạo- đó đã là đặc trưng của người làm văn, chấm văn lâu nay.

Giảm hẳn những bài, những đơn vị kiến thức không phù hợp sẽ thiết thực hơn

Tinh giản chương trình môn Ngữ văn chỉ giảm số tiết chứ không giảm bài học! ảnh 3Những đơn vị kiến thức có thể tinh giản ở chương trình học kỳ II, Ngữ văn lớp 9

Bàn về vấn đề tinh giản nội dung, kiến thức môn Ngữ văn thì những ngày qua trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có 2 bài viết, đó là:

Những đơn vị kiến thức có thể tinh giản ở chương trình học kỳ II, Ngữ văn lớp 9 của tác giả Nguyễn Cao và bài Một số đề xuất giảm tải môn Ngữ văn cho học sinh cuối cấp của tác giả Cao Nguyên đã nhận được sự đồng thuận của khá nhiều bạn đọc trên cả nước.

Và, chúng tôi cho rằng cả 2 bài viết này đều đã nêu được sự quá tải của môn học, cũng như những bài học, những đơn vị kiến thức không thực sự cần thiết trong môn Ngữ văn 9 và 12 tương đối đầy đủ. Bởi vì, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nếu vẫn giữ những bài học như chương trình hiện hành thì sẽ quá tải đối với học sinh khi tham gia kỳ thi cuối cấp.

Chỉ riêng đối với môn Ngữ văn lớp 9, phần Văn học Việt Nam có tới 19 tác phẩm, đoạn trích nằm trong chương trình chính khóa. Đó là chưa kể các văn bản nhật dụng, văn học nước ngoài, văn học địa phương (lớp 9), và phần tiếng Việt, tập làm văn của cả 4 lớp (6,7,8,9) cũng nằm trong chương trình ôn thi.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nếu vẫn giữ nguyên số bài như vậy, vẫn chừng ấy nội dung để học trò ôn thi chắc chắn sẽ là một áp lực khủng khiếp. Giáo viên dạy Văn còn thấy ngao ngán với lượng kiến thức hiện hành chứ nói gì đến các em học sinh…

Vì thế, chúng tôi cho rằng đối với môn Ngữ văn nói chung, môn Ngữ văn 9 và 12 nói riêng nên tinh giản bằng những bài học cụ thể sẽ thiết thực hơn giảm số tiết/ bài học.

Thực tế, chương trình Ngữ văn hiện nay đang rất nặng, nặng cả về số tiết và nội dung các bài học. Một số bài học đang vượt quá sự cảm nhận của học trò nhưng lại có những bài rất dư thừa.

Việc giảm số bài học không cần thiết (một số bài tổng kết, những tiết trả bài kiểm tra, một số tác phẩm văn học nước ngoài, bài đọc thêm…) thì giáo viên và học sinh sẽ tập trung vào những tác phẩm trọng tâm, hiểu sâu, hiểu kĩ được các tác phẩm văn học, các phương thức biểu đạt cũng như các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp.

Học Văn mà hời hợt thì rất khó để học trò có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Thế nhưng, Bộ định hướng giảm từ 5-7 tuần mà chỉ giảm số tiết/ bài chứ không giảm bài học thì đó là sự đánh đố cả thầy và trò ở các trường phổ thông.

THANH AN