Tiếp thị tuyển sinh - cuộc đua không hồi kết

13/04/2017 08:49
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Cơ hội vào đại học chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ, nhiều cánh cổng đại học “mở toang” đón các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

LTS: Thời điểm học sinh lớp 12 chuẩn bị kết thúc năm học cuối cấp cũng là thời điểm các dịch vụ tiếp thị tuyển sinh đua nhau chào mời.

Thầy giáo Lê Xuân Chiến phản ánh những "cuộc đua" tiếp thị tuyển sinh với nhiều ưu đãi chào mời cho thấy cánh cổng đại học cũng không quá cao vời.

Tuy nhiên, thầy cũng lên tiếng cảnh báo các em học sinh hãy cẩn thận trước những thông tin được tô hồng nhằm hút thí sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc chiêu sinh cho đủ chỉ tiêu đào tạo đã trở thành nhiệm vụ “sống còn” của nhiều trường đại học, cao đẳng, vì vậy “cuộc đua” tiếp thị tuyển sinh thật quyết liệt, dường như không có hồi kết.

Đến hẹn lại lên, cứ đến đầu tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, hàng loạt các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đổ xô về các trường trung học phổ thông các huyện để phát tờ rơi, gặp gỡ học sinh lớp 12 để tung “chiêu” quảng cáo, tiếp thị tuyển sinh cho trường mình. 

Mấy tháng trong mùa tuyển sinh, các em học sinh lớp 12 nhận không biết bao nhiêu tờ rơi, tài liệu đăng ký cùng những lời giới thiệu “có cánh” từ các trường tuyển sinh. 

Một buổi học có khi có 3, 4 người vào lớp phát tờ rơi, “tư vấn” tuyển sinh vào đầu giờ học, giờ ra chơi, giờ sinh hoạt lớp... 

Tiếp thị tuyển sinh đang bước vào cuộc đua khốc liệt, chưa có hồi kết. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Tiếp thị tuyển sinh đang bước vào cuộc đua khốc liệt, chưa có hồi kết. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Một số trường còn phát quà tặng các em với những món quà “khuyến mãi” như sổ tay, vở, bút, thước, sim điện thoại... 

Nhiều trường hứa hẹn những suất học bổng “khủng” đối với học sinh đỗ đại học, cao đẳng điểm cao đăng ký vào học trường mình. Bên cạnh đó còn miễn, giảm học phí đối với một số đối tượng sinh viên. 

Một số trường tuyển sinh liên hệ với nhà trường để lấy địa chỉ học sinh lớp 12, và ngay khi có kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, các trường liền gửi “thư mời” các em nhập học. Có em nhận đến 3, 4 thư mời nhập học. 

Các trường đi tuyển sinh đưa ra rất nhiều lời giới thiệu hấp dẫn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập của trường mình, rồi là cơ hội nhận học bổng, cơ hội đi du học, cơ hội việc làm với thu nhập khá sau khi tốt nghiệp... để “mời gọi”, thu hút học sinh. 

Nhà trường phát mệt, học sinh thì bội thực vì tư vấn tuyển sinh

(GDVN) - Thời gian qua, Ban giám hiệu chúng tôi tiếp đón các đoàn tư vấn, tuyển sinh đến …mệt, học sinh thì “bội thực” vì thông tin.

Nhiều trường “công bố” chỉ lấy điểm tuyển sinh bằng điểm sàn hoặc chỉ xét điểm học bạ 3 môn có điểm bình quân 5.0 trở lên, thậm chí chỉ cần đỗ tốt nghiệp là các em đủ điều kiện vào học. 

Tặng học bổng cũng là một trong những hình thức tiếp thị tuyển sinh được nhiều trường áp dụng. 

Thông qua việc trao trực tiếp một số suất học bổng cho học sinh trong giờ chào cờ đầu tuần, trong các buổi lễ của nhà trường (tập trung đông đủ học sinh toàn trường), đại diện các trường đại học, cao đẳng “giới thiệu” về trường mình và “tư vấn” tuyển sinh, hứa hẹn nhiều suất học bổng khác đối với học sinh nhà trường vào học. 

Nói chung các em học sinh 12 trở thành “thượng đế” cuộc “chạy đua” thu hút người học của các trường đại học, cao đẳng ở “chiếu dưới”, khi các trường này đang “khát” sinh viên, nguồn tuyển sinh hằng năm càng giảm đi. 

Việc chiêu sinh cho đủ chỉ tiêu đào tạo đã trở thành nhiệm vụ “sống còn” của nhiều trường, vì vậy “cuộc đua” tiếp thị tuyển sinh thật quyết liệt, dường như không có hồi kết.
 
Nhìn chung, những thông tin ở tiếp thị, tư vấn tuyển sinh cũng giúp học sinh có được những thông tin, những hiểu biết về một số trường, một số ngành nghề và cơ hội học tập của mình. 

Nhưng trong thực tế, nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh hiện nay chỉ như một hình thức quảng cáo tiếp thị nhằm thu hút người học. 

Thay vì cung cấp thông tin trung thực về ngành học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để học sinh có sự lựa chọn chính xác, thì nhiều trường chỉ cung cấp thông tin phiến diện, một chiều, thậm chí “tô hồng” về các ngành nghề trường đào tạo nhằm “chiêu dụ” người học. 

Tiếp thị tuyển sinh - cuộc đua không hồi kết ảnh 2

Bỏ điểm sàn tuyển sinh, xu thế và những hệ lụy

Thông tin tuyển sinh “bội thực” như thế đôi khi làm nhiều học sinh lúng túng nếu các em không xác định rõ nguyện vọng, sở thích và điều kiện, khả năng của mình cũng như nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. 

Nhiều phụ huynh ở nông thôn, miền núi ít có điều kiện tư vấn cho con em, còn nhà trường thì chỉ tư vấn, định hướng chung, không thể tư vấn cho từng em được. 

Thực ra nhiều em cũng tiếp cận được thông tin tuyển sinh tương đối đầy đủ qua “Tài liệu Thông tin tuyển sinh”, “Cẩm nang đăng ký tuyển sinh” do các nhà xuất bản ấn hành hoặc các thông tin tuyển sinh trên mạng Internet. 

Nhưng xem ra cách tiếp thị, tư vấn tuyển sinh trực tiếp có ưu thế hơn, “thân thiện” và hiệu quả hơn. 

Trong nền kinh tế thị trường, chuyện tiếp thị tuyển sinh cũng là điều bình thường, cần được chia sẻ, hỗ trợ từ các trường trung học phổ thông. 

Có điều, trong môi trường giáo dục, tờ rơi tuyển sinh “rơi” nhiều quá đôi khi cũng thấy kỳ.

Vì số lượng đầu vào, các trường tuyển sinh “hạ tiêu chuẩn” và “khuyến mãi” nhiều quá, e rằng danh giá “đại học”, giá trị của tấm bằng cử nhân sẽ bớt “thiêng”. 

Cơ hội vào đại học chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ, nhiều cánh cổng đại học “mở toang” đón các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Nhưng cơ hội tìm việc làm sau này thì ngược lại, số cử nhân, kỹ sư ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. 

Các trường đại học, cao đẳng mở ra ngày càng nhiều, “sinh ra” rồi thì phải “nuôi”, tuyển sinh bằng mọi giá. Còn tâm lý phụ huynh và học sinh thì ai cũng thích cái “mác” đại học. 

Mỗi mùa tuyển sinh đến, nhìn những tờ rơi, pa-nô quảng cáo tuyển sinh tấp nập đổ dồn về các trường trung học phổ thông, không biết nên vui hay nên buồn?

Chừng nào kế hoạch đào tạo không gắn với tuyển dụng, chừng nào còn mở trường đào tạo tràn lan, không theo dự báo phát triển nhân lực, đầu ra không đảm bảo chất lượng... chừng đó “cuộc đua” tiếp thị tuyển sinh vẫn chưa có hồi kết.

Lê Xuân Chiến