Tiếng Việt – nhìn từ bộ sách giáo khoa chương trình mới

22/05/2019 07:02
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Gần 30 năm trôi qua, điều gì là tiến bộ, là cải thiện, là đổi mới mà chúng ta đang nói tới cho thế hệ tiếp theo? Nhất là cho ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Việt?

LTS: Đưa ra những cảm nhận của cá nhân về sách giáo khoa môn tiếng Việt và Ngữ Văn hiện nay, cô Nguyễn Thị Lan Hương - nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tôn trọng những đánh giá đa chiều của tác giả, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Nếu có ai quan tâm đến tiếng Việt, ra hiệu sách tìm đọc các cuốn sách giáo khoa tiếng Việt  và Ngữ Văn của giáo dục phổ thông Việt Nam, khá là thú vị nếu nhìn lại lịch sử giáo dục từ những cuốn sách này.

Mặc dù năm tháng qua đi, những bài viết, bài văn và cách dạy trong các cuốn tiếng Việt và Ngữ Văn hệ 12 năm của Việt Nam, thời đại này không khác thế hệ tôi đi học những năm 1980. 

Đây là điều thú vị, bởi dường như khi đọc lại sách giáo khoa, những năm tháng “hồi xưa” được quay về. 

Nhưng, cũng có một câu hỏi lớn đặt ra, gần 30 năm trôi qua, điều gì là tiến bộ, là cải thiện, là đổi mới mà chúng ta đang nói tới cho thế hệ tiếp theo? Nhất là cho ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Việt?

Sách giáo khoa Tiếng Việt (Ảnh minh họa: Laodong.vn).
Sách giáo khoa Tiếng Việt (Ảnh minh họa: Laodong.vn).

Tôi không là người dạy ngôn ngữ, hay dạy tiếng Việt nên về mặt kỹ thuật, xin không dám bàn.

Chỉ chia sẻ một số suy nghĩ cá nhân về sách giáo khoa, giáo dục tiếng Việt và cảm thụ văn học trong thời đại mới này.

1. Việc nội dung cơ bản của sách giáo khoa trong hơn 30 năm không thay đổi có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ, thế nào là đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

2. Việc dạy con trẻ với những vần thơ, văn, từ những ca dao tục ngữ và truyện của Việt Nam vẫn đầy hấp dẫn với cá nhân tôi. 

Chỉ riêng có những mục mang tính rất “kỹ thuật”, về phương pháp dạy, ví dụ, tập đọc, tập viết, luyện nói, kể chuyện, kể chuyện có tưởng tượng…trong từng bài, từng mục làm tôi lấn cấn mãi.  

Bởi hình như, chúng ta vẫn tin rằng dạy ngôn ngữ là cách phải chia nhỏ, giống đại thể như khi dạy tiếng Anh thì cũng phải chia ra, nghe - nói - đọc - viết, mặc dù hầu như ở đâu ai cũng nói đến trong ngôn ngữ, “nói” là quan trọng nhất và ngôn ngữ “sống” không thể chia cắt như cách chúng ta đang chia ra để “dạy” như hiện nay.  

Hơn thế, những từ ngữ sử dụng trong sách giáo khoa, “từ và cấu tạo của từ”; “Giao tiếp – văn bản – phương thức diễn đạt” trong ngữ văn, thú thật, lớp 6 không biết có mấy em hiểu rõ phương thức diễn đạt, trong giao tiếp và trong văn bản?  

Phải nói ngay là tôi không có chuyên môn, nhưng khi đọc những từ và cấu trúc phân chia trên đây, tôi tự hỏi mình, có bọn trẻ lớp 6 hay cấp 1 hiểu được điều này?   

Và khi chia nhỏ các vấn đề của từng câu, từng “cấu tạo từ”, cách cảm thụ một bài thơ, văn hay câu truyện nó sẽ như thế nào?

Tiếng Việt – nhìn từ bộ sách giáo khoa chương trình mới ảnh 2Nỗi buồn môn Văn trong nhà trường phổ thông

3. Trong sách cấp 3 có những bài viết về nhân vật lịch sử của Việt Nam, ví dụ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, viết tóm lược về những hoạt động và yêu cầu “phân tích” dựa trên một trang viết về những nhà văn hóa, lịch sử này.  

Thú thật, điều này buộc tôi nhớ đến phương pháp dạy học, không chỉ dành cho học sinh phổ thông, mà kể cả cấp tiến sỹ giáo dục như tôi được đi học (và tôi phản đối cách tư duy về việc dạy theo cách này), “phân tích” một nhân vật lịch sử/một vấn đề, dựa trên một nguồn tham chiếu trong sách giáo khoa, hay thậm chí một vài cuốn sách, vài học thuyết của ai đó, do giáo viên/giáo sư đề xướng.

Nếu có ai muốn “cổ động” tinh thần giáo dục “liên môn”, thì đây là một thí dụ để nên suy nghĩ sâu tiếp: lịch sử để học, để hiểu và để phân tích, không chỉ trong một trang sách giáo khoa, một cuốn sách tham khảo, mà đòi hỏi nhiều hơn thế rất nhiều. 

Việc hiểu lịch sử để phân tích một ai đó, nên được khuyến khích học sinh đọc, học và phân tích ở nhiều góc độ, mà không phụ thuộc vào 3 câu hỏi ở mỗi cuối bài.

4. Đề thi/kiểm tra: mỗi cuốn sách có một số chỗ ghi về tập làm văn và có một số đề.  \Nếu tôi hiểu không sai, đây là chỗ mà ai cũng cười được, bởi tập làm văn lại trở thành “tập chép” hoặc bài nào cũng có mấy ý giống nhau…chả khác gì mấy chuyện cười thuở nào “Con Cháu Chúng ta giỏi thật”, giáo viên dạy theo ý, học sinh trả lời và làm bài văn theo ý, chấm điểm theo ý và thế là xong.  

Văn là người, Văn là tâm hồn, nhưng được liệt kê và chuẩn hóa theo “ý”, đúng ý ăn điểm, không đúng ý trượt!

Điều này làm sao giúp chúng ta xây dựng nên những tư duy sáng tạo, những cá nhân đặc sắc và có bản lĩnh riêng? Nói đến đoạn này, xin thưa, bên sách giáo khoa tiếng Anh cũng y chang, không khác.

Năm 1999, OECD trong nghiên cứu của mình về “Trí não và Học hành” có nêu ra việc, rất nhiều phương pháp dạy và học hiện tại “không thân thiện” với môi trường học và người học, theo lứa tuổi nhận thức, theo nhu cầu phát triển cá nhân và theo thời đại.  

Những phân tích rất sâu về “từ và cấu trúc từ”, về phân tích nhân vật lịch sử trong 1 trang sách giáo khoa…theo tôi hiểu, nó không phải không thân thiện, chỉ là không có tác dụng gì với việc học của con trẻ.

Khi nói đến những vấn nạn của khủng hoảng con người hiện đại trong xã hội hiện nay, có ai sẽ tự hỏi, liệu điều đó có xuất phát từ chính cách chúng ta đang dạy ngôn ngữ và văn học hay không?

Tiếng Việt – nhìn từ bộ sách giáo khoa chương trình mới ảnh 3Dạy văn mẫu, thầy cô đang ươm mầm dối trá

Những đề xuất về dạy lấy học sinh làm trung tâm không có gì mới, hay lấy giáo viên là trọng tâm – học sinh là trung tâm để từ giáo viên “giáo dục” học sinh, tôi nghĩ đều chỉ là một vài góc nhìn khác nhau, bởi bản chất cuối cùng của 12 năm học phổ thông, đâu chỉ là tốt nghiệp. 

Giáo viên không là “máy dạy” theo khuôn mẫu mà ai đó viết trước những cấu trúc, không giúp gì cho họ dạy và truyền cảm hứng yêu con người, yêu lịch sử, yêu điều thiện vào tâm hồn học sinh và ngược lại, học sinh học với những vội vàng về kiến thức, lướt lướt về nhận thức và với mục đích thi xong cho qua, lấy đâu ra thời gian cảm nhận những gì là vẻ đẹp của văn thơ?  

Nhất là văn thơ thời “ông bà cụ kỵ” mà chúng không thấy có gì phù hợp với thời đại số ngày nay, khi chúng thích những gì nhanh, lấp lánh, thần tượng trên mạng xã hội.

Nói vậy, để thấy thương thay cho cả giáo viên và học sinh, trong guồng máy “giáo dục” thời này.  

Có lẽ những gì đúng ở những năm 1980 vẫn còn đúng ở thời 2019 này chăng? Hay do điều gì đã làm chúng ta đi “dạy” mà trò không học được, không cảm nhận được điều hay của ngôn ngữ, khi chúng ta tự thiết lập những câu hỏi để định hướng “cảm thụ” văn học? 

Điều gì sẽ xảy ra trong quá trình phát triển nhân cách con người, khi mọi việc đều được định hướng trước, dù đó là từ học văn?

Trên đây chỉ là cảm nhận cá nhân về sách giáo khoa môn tiếng Việt và Ngữ Văn. Nếu có điều gì không đúng, xin được lượng thứ và mong được chỉ bảo thêm về văn – giáo dục nhân cách con người và xã hội.

Nguyễn Thị Lan Hương