Tiếng Việt 2 Cánh Diều có nhiều bài đọc lấy từ sách giáo khoa 2000

23/03/2021 06:38
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những bài đọc này đã có trong sách tiếng Việt hiện hành, giáo viên đã dạy không hiệu quả, học sinh học không hứng thú thì hà cớ gì vẫn cứ sử dụng lại?

Nhận phiếu góp ý và bình chọn sách giáo khoa lớp 2 mới cho năm học 2021-2022 bản thân là giáo viên sẽ dạy lớp 2 vào năm học tới nên tôi cũng rất tò mò vì muốn xem thử hình hài bộ sách giáo khoa mới thế nào, đặc biệt là bộ sách Cánh Diều vì năm học vừa qua, bộ sách mang tên Cánh Diều lớp 1 đã bị bạn đọc tìm ra khá nhiều sạn.

Một bài tập đọc rất hay và ý nghĩa (Ảnh: Đỗ Quyên)

Một bài tập đọc rất hay và ý nghĩa (Ảnh: Đỗ Quyên)

Chủ điểm phù hợp, có nhiều bài đọc hay

Sách tập hợp 31 bài học chính, có 4 bài ôn tập giữa kì, cuối kì và cuối năm. Các bài học chính được sắp xếp theo 5 chủ đề. Em là búp măng non; Em đi học; Em ở nhà; Em yêu trường học; Em yêu tổ quốc Việt Nam.

Mỗi bài học được thực hiện trong một tuần, hướng dẫn học sinh rèn các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói tiếng Việt. Cứ 2 bài học phục vụ cho một chủ điểm (riêng chủ điểm Đất nước được học 3 bài học).

Có rất nhiều bài học được lấy từ chương trình lớp 2 hiện hành như bài: Làm việc thật là vui; Phần thưởng; Cái trống trường em; Ngôi trường mới; Cô giáo lớp em…tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, phần lớn những bài này đều là những bài đọc hay, đã được các tác giả chọn lọc đưa qua.

Ngoài ra, sách có rất nhiều bài học hay, ý nghĩa mang tính giáo dục cao được đưa vào như bài tập đọc “Nấu bữa cơm đầu tiên”; “Con nuôi”, hay như bài “Bức tranh bàn tay” trang 65.

Bài đọc này, đã từng được in trong cuốn sách những câu chuyện giáo dục hay ở tiểu học và thường được nhà trường chọn làm câu chuyện kể giáo dục tình yêu kính, lòng biết ơn thầy cô vào dịp 20/11.

Sách tiếng Việt tập 2 chúng ta thấy xuất hiện hình ảnh những loài vật nhiều hơn.

Thế nhưng khác với những loài vật ở sách tiếng Việt lớp 1, con thì lười nhác, con lừa bạn, con lại gian xảo, hung ác…loài vật xuất hiện ở sách tiếng Việt lớp 2 thật gần gũi, dễ thương.

Con vật nuôi được gọi “Những người bạn nhỏ” hay “thế giới rừng xanh” thì “con nào cũng có ích”, “muôn loài chung sống”…

Vẫn còn những bài học chưa hay, chưa mang tính phổ thông

Bài đọc “Mít làm thơ” trang 25 tập 1. Đây là một bài học cũ trong chương trình lớp 2 hiện hành nhưng đã được giảm tải nhiều năm. Trước đây, khi còn dạy chúng tôi cũng thấy rằng câu chuyện không hay, ý nghĩa giáo dục không điển hình.

Bài Mít làm thơ có trong chương trình sách tiếng Việt hiện hành đã được giảm tải (Ảnh: Đỗ Quyên)

Bài Mít làm thơ có trong chương trình sách tiếng Việt hiện hành đã được giảm tải (Ảnh: Đỗ Quyên)

Đã thế, phần kể chuyện có phần yêu cầu: kể lại một đoạn truyện em thích. Truyện không hay, học sinh không thích đoạn nào lẽ nào không phải kể?

Bài “Quà của bố”. Đây cũng là bài đọc cũ trong sách tiếng Việt lớp 2 hiện hành. Nội dung bài đọc nói về việc bố đi câu về mang rất nhiều quà cho con. Thế giới dưới nước có con cà cuống, niềng niễng, cá sộp…Thế giới mặt đất có con xập xành, con muỗm…

Bài Quà của bố là bài tập đọc trong chương trình hiện hành không mang tính phổ thông (Ảnh: Đỗ Quyên)

Bài Quà của bố là bài tập đọc trong chương trình hiện hành không mang tính phổ thông (Ảnh: Đỗ Quyên)

Những con vật được kể trong bài chủ yếu ngoài vùng phía Bắc nhưng hiện nay cũng không còn nữa như cà cuống, niềng niễng, xập xành, muỗm…

Nhiều từ ngữ vùng miền phía Bắc như mốc thếch, chọi nhau, quẫy…một số đồng nghiệp của chúng tôi khi dạy đến bài này đền than khó giảng, khó giải thích cho học sinh hiểu.

Và, chính học sinh cũng chẳng thấy hứng thú với bài học khi phải trẹo lưỡi để đánh vần những từ như ngó ngoáy, quẫy tóe nước, niềng niễng đực, niềng niễng cái, mốc thếch, xập xành, muỗm to xù…

Nhiều thầy cô giáo còn chưa biết những con vật ấy thế nào nên chủ yếu nhìn tranh và tra từ điển. Giáo viên chưa có thực tế thì giảng giải cũng có phần hạn chế.

Vì thế, dù thầy cô có đưa tranh minh họa về các con vật, có giải thích kỹ thế nào các em cũng khó hình dung vì hầu như những con vật này không quen thuộc.

Chúng tôi nghĩ, những bài đọc này đã có trong sách tiếng Việt hiện hành, giáo viên đã dạy không hiệu quả, học sinh học không hứng thú thì hà có gì chúng ta vẫn cứ sử dụng lại?

Trong khi, ngoài thực tế có khá nhiều bài văn, bài thơ hay, mang tính giáo dục cao các tác giả lại không đưa vào?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên