Tiếng Việt 1 Cánh diều có nhiều bài tập đọc trúc trắc, học sinh khó đọc

06/10/2020 05:51
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hàng loạt bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều có nhiều từ là thanh trắc âm vực cao khiến học sinh đọc trúc trắc, méo mồm nhưng vẫn không ra tiếng.

Một số phụ huynh có con đang học lớp 1 phản ánh, họ gặp rất nhiều khó khăn khi dạy con đọc thành tiếng một số bài tập ở sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều.

Bộ sách này của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) – Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Thị Ly Kha – Lê Hữu Tỉnh biên soạn và được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (2020).

Chị Mai Loan (Hà Nội) có con đang học lớp 1 cho biết, khi chị dạy cho con tập đọc một số bài trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Bộ Cánh Diều thì cảm thấy nó trúc trắc, trục trặc – mà như lời con nói là “méo cả mồm”.

“Nội dung thì như những câu chuyện tầm phào, vu vơ, không hề đem đến cho người đọc xúc cảm về cái đẹp ngôn từ cũng như nội dung”, chị Loan phân tích thêm.

Còn chị Hồng Diễm (Cao Bằng) nói rằng, mới vào đầu năm mà học sinh lớp 1 phải đọc những câu như “cá đẻ ở hồ, gà đẻ ở bờ đê” – líu cả lưỡi, rồi còn bắt trẻ nối chữ với hình ảnh.

“Tôi thật sự khó hiểu. Sách dạy trẻ đọc cả “lồ ô” trong khi người lớn chắc gì biết loại cây này”, chị Diễm nói thêm.

Cùng cảnh ngộ, chị Trần Tỉnh (Gia Lai) chia sẻ, chị đã dạy cho con Bài số 21 có đoạn văn về bé Bi trong bài “Bé Li giúp mẹ”, có câu “Bé nhè” khiến học sinh 6 tuổi không hiểu được từ “nhè” có nghĩa gì.

“Bản thân tôi cũng không biết diễn đạt nghĩa của từ “nhè” thế nào cho con dễ hiểu nên đành phải tra từ điển”, chị Tỉnh nói thêm.

Tham khảo bản sách điện tử Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều, chúng tôi nhận thấy, hàng loạt bài tập đọc trong cuốn sách này đúng là khó đọc với học sinh lớp 1 như phụ huynh phản ánh là hoàn toàn chính xác.

Có thể liệt kê một số bài tập đọc như sau:

Bài “Bể cá” (trang 31): “Ba Hà để bể cá ở hè. Bể có cá, có cò, le le. Cò ở bể cá là cò đá. Le le là le le gỗ”;

Bài “Bé kể” (trang 35): “Bà bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì Kế giã giò. Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ”.

Bài “Nhà cô Nhã” (trang 39): “Nhà cô Nhã ở bờ hồ. Hồ nhỏ, nhà nho nhỏ. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế”.

Bài “Bi nghỉ hè” (trang 43): “Nghỉ hè, Bi ở nhà bà. Nhà bà có gà, có nghé. Ổ gà be bé. Gà có ngô. Nhà nghé nho nhỏ. Nghé có cỏ, có mía”.

Bài “Nhà dì” (trang 45): “Nhà dì Nga có pi a nô. Cả nhà Bi đi phố, ghé nhà dì, nghe pi a nô. Dì Nga pha cà phê. Bố mẹ có cà phê. Bi có phở. Bé Li có na”.

Bài “Đi nhà trẻ” (trang 55): “Chị Trà cho bé Chi đi nhà trẻ. Qua chợ, chị chỉ cho bé cá trê, cá mè… Ở nhà trẻ, Chi nhớ mẹ. Chị Trà dỗ: “Bé nhè thì cô chê đó”. Bé nghe chị”.

Bài “Bé Lê” (trang 73): “Bé Lê mê ti vi. Ti vi có sâm cầm. Bé chỉ: “Cò… cò…”. Ti vi có cá mập. Bé la: “Sợ!”. Má bế bé, vỗ về: “Cá mập ở ti vi mà”. Má ấm quá, bé chả sợ nữa”.

Một số ví dụ về bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh Diều. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Một số ví dụ về bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh Diều. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Chúng tôi hiểu rằng, các tác giả sách muốn học sinh lớp 1 nhận biết được “âm” đã học trong “tiếng”, ví dụ, âm “gi” trong “giá đỗ”, âm “ph” trong “pha cà phê”…

Thế nhưng, do lắp ghép các từ, ngữ một cách cơ học nên đoạn văn trở thành xơ cứng, lủng củng làm cho học sinh rất khó đọc, thậm chí ấp a ấp úng, vấp chỗ nọ, sai chỗ kia.

Chưa kể, nhiều câu văn trong các bài tập đọc có hàng loạt từ là thanh trắc âm vực cao được sắp xếp cạnh nhau khiến học sinh phải đọc lẹo lưỡi, méo mồm.

Chẳng hạn như bài Bé kể (trang 35): “Bà bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì Kế giã giò. Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ”.

Đoạn văn này có 4 câu – 26 chữ, nhưng hết 15 chữ mang thanh trắc âm vực cao (ở các thanh hỏi, ngã, nặng, sắc) nên học sinh không thể đọc suôn sẻ - kể cả người lớn cũng vậy.

Chưa kể, những bài tập đọc như thế này rõ ràng đã làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt và điều đáng nói hơn là học sinh cảm thấy sợ học tiếng mẹ đẻ ngay từ thuở đến trường cũng làm cho người lớn rất đáng trăn trở.

Chúng ta có cả kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện dân gian (cổ tích, truyền thuyết, thần thoại…) đã ăn sâu vào cảm thức người Việt tự ngàn đời nay, nếu được đưa vào sách giáo khoa lớp 1 thì học sinh sẽ tiếp thu bài dễ dàng hơn rất nhiều.

Tiếc thay, qua những lần phản biện sách, những người cầm cân nảy mực và kể cả thầy cô giáo được quyền lựa chọn sách vẫn chưa có tiếng nói góp ý xác đáng…

Ngày 3/10/2020, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với Báo Vietnamnet rằng, mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết.

“Muốn đạt được mục tiêu đó thì dù theo chương trình nào cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần.

Chương trình mới không thể thêm chữ nào hay vần nào vào môn Tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ” (theo Vietnamnet.vn)

Chúng tôi khẳng định rằng, cho dù chương trình mới của sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều không hề thêm chữ hay vần nào – theo như lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, thì với cách biên soạn những bài tập đọc như đã dẫn rõ ràng là thiếu khoa học, kể cả phản sư phạm.

Và nếu học sinh 6 tuổi không được học chữ trước thì các em khó lòng tiếp thu bài ở lớp – cho dù môn Tiếng Việt 1 đã tăng lên 12 tiết/tuần so với chương trình cũ, là một thực tế nhãn tiền.

Tài liệu tham khảo:

[1] //sachcanhdieu.com/product/tieng-viet-1-tap-mot/

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/chuong-trinh-sgk-lop-1-moi-nang-la-do-chua-biet-cach-day-678265.html?fbclid=IwAR12oxAfcnNTsqZW5w3ttpNyX__zqinj70kXhGjUujgV4gOCofbkOCE04LA

* Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài