Tiếng lòng của phụ huynh tỉnh Hà Giang

18/06/2019 08:56
Vũ Ninh
(GDVN) - “Chẳng ai chịu nhiều bất công hơn chúng tôi đâu! Thiệt thòi nhất là vẫn là những học sinh học hành nghiêm túc, chăm chỉ”.

Cùng tầm thời điểm này năm trước (2018), chị Nguyễn Thị May (Hà Giang) và cả nhà đang sốt sình sịch với chuyện thi cử của cậu con trai.

Em Vinh đăng ký thi trường Đại học Cảnh sát Nhân Dân. Thương bố mẹ ngay từ nhỏ đã Vinh cố gắng học tập, trau dồi kiến thức bất chấp những khó khăn trong việc học tại vùng cao.

Đừng nghĩ họ dại khi bỏ 1 tỷ đồng để chạy điểm, họ đã cân nhắc, tính toán cả rồi
Đừng nghĩ họ dại khi bỏ 1 tỷ đồng để chạy điểm, họ đã cân nhắc, tính toán cả rồi

Năm 2018, tổng điểm của Vinh là 23 điểm – Vinh trượt nguyện vọng 1.

Mặc dù đây là một số điểm tương đối cao nếu so sánh với điều kiện học khó khăn của Vinh.

Trượt nguyện vọng 1, Vinh không chỉ buồn mà còn cảm thấy phẫn uất:

Có cậu bạn học cùng lớp mặc dù có lực học trung bình nhưng lại thi đỗ trường Cảnh sát với điểm cao.

Vài tháng sau, gia đình Vinh Cũng như nhiều người dân mới biết cậu bạn kia là một trong số những thí sinh được nâng điểm.

Đây là một câu chuyện điển hình cho những gì đã xảy ra tại tỉnh Hà Giang. Trong tâm bão vụ gian lận thi cử và nâng điểm nhiều ý kiến từ khắp mọi nơi đổ dồn vào địa phương này.

Nhưng chính người Hà Giang lại không có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của họ.

Cô V.T.H, hiệu trưởng một trường cấp 2 tại tỉnh Hà Giang cho biết: Dư luận tại tỉnh Hà Giang một năm qua rất phẫn nộ và mong muốn sẽ công bố danh tính những phụ huynh có con được nâng điểm.

Cô H. cũng không quên nói thêm: “Thực ra chúng tôi ở địa phương ai có con được nâng điểm dư luận họ biết hết.

Nói chung con nhà nghèo lấy đâu ra bằng ấy tiền mà chạy điểm. Học sinh trên đây nếu mà nói điều kiện học tập không thể bằng học sinh dưới xuôi được. Cho nên chúng tôi biết sức học của các em đến đâu.

Vì thế khi công bố điểm dư luận cũng đã có những bàn tán về chuyện này. Và đúng là nó không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi”.

Sự bất thường của điểm thi được dư luận tại Hà Giang bàn tán ngay từ những ngày đầu công bố điểm (Ảnh: thanhtra.vn)
Sự bất thường của điểm thi được dư luận tại Hà Giang bàn tán ngay từ những ngày đầu công bố điểm (Ảnh: thanhtra.vn)

Là một người công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm và cũng là người mẹ của 2 người con đã và sắp thi Đại học, tâm trạng của cô H. rất bất bình.

Cô nói: “Vụ này đúng là khiến ngành giáo dục tỉnh Hà Giang cảm thấy xấu hổ.

Con tôi có lần gọi điện về nó khóc bởi các bạn bảo: Hay mày cũng được nâng điểm nên mới đỗ?

Vụ này nó ảnh hưởng đến uy tín ghê gớm lắm. Tôi nghĩ tội cho nhiều em bị mang tiếng xấu vì những việc làm của người khác, của những bạn khác không liên quan đến mình”.

Ngẫm ngợi một lúc, cô H. kể tiếp: “Tôi có thằng cháu năm ngoái cũng thi. Mà nghĩ khổ thân vì học ngày, học đêm, ôn thi dài cả người cuối cùng vẫn trượt nguyện vọng 1.

Trong khi đó nó kể bạn nó học cùng chẳng biết cái chữ gì được nâng điểm và ung dung đỗ.

Cho nên người dân bất bình lắm. Vì sự bất công này trực tiếp họ phải gánh chịu.

Những học sinh hàng ngày đến lớp biết rõ bạn mình học đến đâu mà thấy các bạn học kém hơn mình mà vẫn thi đỗ nên các em nó vừa buồn vừa cảm thấy bất công”.

Tiếng lòng của phụ huynh tỉnh Hà Giang ảnh 3
Người trực tiếp sửa 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí, Sở Giáo dục- đào tạo Hà Giang. (Nguồn: internet)

Không chỉ có cô H. mà nhiều giáo viên tại Hà Giang cũng cảm thấy rất bất bình và xấu hổ.

Thầy N.M.T giáo viên cấp 1(Hà Giang) bày tỏ: “Thời gian đầu sau khi vỡ lở vụ nâng điểm chúng tôi thấy xấu hổ lắm.

Xấu hổ vì đi đâu người ta cũng bàn tán, xì xào. Thậm chí, năm ngoái, học sinh nào mà có điểm thi cao một chút là hàng xóm bàn tán dị nghị.

Vụ tiêu cực chưa từng có này không chỉ ảnh hưởng đến những gia đình có con nâng điểm mà còn ảnh hưởng đến bộ mặt giáo dục, niềm tin của phụ huynh và học sinh.

“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?
“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?

Hà Giang trở thành một điểm nóng trong dư luận xã hội.

Những ánh mắt dò xét cả nước nhìn vào.

Điều này tạo áp lực cho cả những thí sinh thi năm nay và các năm sau”.

Thầy T. mong muốn: Sẽ sớm công bố danh tính và xử lý các phụ huynh có con được nâng điểm.

“Người dân chúng tôi chỉ mong sao quá trình xử lý các sai phạm được diễn ra nhanh chóng.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng sẽ sớm công bố danh tính các phụ huynh có con nâng điểm trong kỳ thi năm ngoái để lấy lại tính công bằng và minh bạch.

Tôi sợ rằng nếu như không làm như vậy học sinh cứ nghĩ rằng có tiền là sẽ đỗ và việc đỗ đại chỉ dành cho những ai có tiền”.

Trở lại câu chuyện, cô H. cũng tiết lộ những việc chạy điểm như thế này không phải lần đầu tiên cô nghe thấy.

Cô H. kể: “Việc chạy điểm như này chúng tôi cũng đã nghe từ lâu. Nếu nói về sức học thì học sinh ở trên đây không thể bằng các em học sinh ở dưới xuôi được.

Nhưng nếu để ý thì sẽ thấy tỷ lệ đỗ của học sinh trên đây là rất cao.

Mỗi năm chỉ trượt 1-2 em là những bạn quá chậm không chép được. Số còn lại rất hiếm khi bị trượt tốt nghiệp.

Những gia đình nào có tiền thì mới chạy cho con cả bạc tỷ chứ nông dân như chúng tôi thì lấy đâu ra tiền.

Thế nhưng cái tối thiểu là thi đỗ tốt nghiệp tôi cũng biết có những nơi  họ ra giá 5-6 triệu đồng”.

Phụ huynh ý kiến phải xử lý nghiêm và công bố danh tính phụ huynh có con nâng điểm để lấy lại niềm tin cho hệ thống giáo dục vùng cao (Ảnh: Vũ Ninh)
Phụ huynh ý kiến phải xử lý nghiêm và công bố danh tính phụ huynh có con nâng điểm để lấy lại niềm tin cho hệ thống giáo dục vùng cao (Ảnh: Vũ Ninh)

Bản thân con cô H. cũng đã từng thi Trung học Phổ thông Quốc gia nên cô biết có trường hợp được chào mời nâng điểm đủ để đỗ tốt nghiệp chỉ với 5-6 triệu đồng.

Cô nói: “Mấy năm trước cũng có người bảo tôi chạy cho con chỉ khoảng 5-6 triệu đồng  để đỗ tốt nghiệp.

Nhưng tôi không chạy vì sức học của cháu thừa sức đỗ tốt nghiệp. Tôi cũng biết có nhiều trường hợp bỏ tiền để chạy việc này.

Thậm chí họ còn nghĩ cách thu tiền phụ cấp hỗ trợ giám thị coi thi. Mỗi giám thị là 500.000 đồng.

Phụ huynh bức xúc nói: Việc giám thị đi coi thi đã có hỗ trợ của nhà nước sao vẫn bắt chúng tôi đóng.

Cuối cùng họ phải trả lại 500.000 đồng cho phụ huynh mặc dù đã cầm tiền rồi”.

Trở lại với câu chuyện của chị May và em Vinh, sau một năm vẫn còn đó những tiếng thở dài.

Chị May tâm sự:“Em nó khi biết điểm cũng sốc. Nó vẫn ấm ức vì sao cậu bạn cùng lớp học lực trung bình kém, đi thi cũng chẳng bao giờ được điểm cao mà kỳ thi Đại học năm ngoái điểm lại cao và đỗ nguyện vọng 1.

Tôi nghĩ rằng không chỉ có riêng mình tôi cảm thấy bức xúc mà nhiều phụ huynh ở trên đây cũng rất bức xúc.

Mong có thể sớm công bố danh tính phụ huynh nâng điểm. Nói về bất công không ai chịu bất công nhiều như chúng tôi đâu.

Họ đã dập tắt niềm tin của nhiều học sinh, phụ huynh tin tưởng ngành giáo dục Hà Giang”.

Vũ Ninh