Tiền… tiền…tiền…

28/09/2020 06:14
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Như đến hẹn lại lên cứ đến đầu năm học mới, sau tiếng “tùng tùng tùng” của trống khai giảng là phụ huynh lại hoa mắt với “tiền – tiền – tiền”.

Câu chuyện lạm thu luôn là câu chuyện cũ rích, xảy nhiều năm gần đây và dù được các cơ quan ban ngành tìm mọi cách chống nhưng nó vẫn sống khỏe.

Ngay cả khi đã có hiệu trưởng mất chức, đã có hiệu trưởng đi tù vì lạm thu, loạn thu thế nhưng dường như đó chưa phải là những bài học đủ sức răn đe cho việc lạm thu…

Khi con cái vui bước đến trường là phụ huynh lại “méo mặt” với những khoản thu.

Học sinh lớp 1 phải “cõng” gần 30 đầu sách, nhập nhèm sách giáo khoa và sách tham khảo, sách bổ trợ, vấn nạn lạm thu... là những câu chuyện thu hút sự chú ý và bức xúc của dư luận vào đầu năm học mới.

Góc khuất của những khoản “hoa hồng” trong trường học được xem là chủ đề nhạy cảm. Nhưng thực tế là có khoản tiền này đằng sau việc vận động học sinh mua sách, vở, đồng phục, đồ dùng học tập.

Trường thì thu ghế ngồi, tiền vệ sinh, tiền sổ liên lạc điện tử… ngay cả các khoản thu được cho là thỏa thuận nhưng các vị phụ huynh vẫn phải “ngậm bồ hòn” đóng theo kiểu bổ đầu.

Tiếng trống đầu năm học nghe sao xót xa....Ảnh minh họa: Họa sĩ Cận

Tiếng trống đầu năm học nghe sao xót xa....Ảnh minh họa: Họa sĩ Cận

Tại trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), phụ huynh có con vào lớp 1 đầu cấp lên đến 4.665.000 đồng. Dù chưa phải đóng nhưng các vị phụ huynh phải giật mình vì số tiền quá cao so với mặt bằng chung của huyện miền núi.

Hay cách thu tiền kiểu tiền trảm, hậu tấu như trường Mầm non Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) khi tự ý sắm sửa cơ sở vật chất không thông qua phụ huynh rồi sau đó tự ý “bổ đầu” khoản thu cho học sinh…

Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định rất rõ ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, bao gồm:

- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường;

- Bảo vệ an ninh nhà trường;

- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Lạm thu có muôn kiểu "thu", nhiều kiểu “vặt”… khác nhau dưới danh nghĩa mỹ từ xã hội hóa.

Đã có nhiều kiểu thu khiến phụ huynh bất ngờ nhưng kiểu thu như trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang (Gia Lai) thì quả là giật mình thật.

Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mang Yang (Gia Lai) cho biết vừa yêu cầu Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (xã Đak Djrăng) báo cáo việc hội phụ huynh trường thu tiền trực đánh trống và vệ sinh lớp học.

Theo đó, trong cuộc họp đầu năm học, hội phụ huynh đưa ra khoản thu "tiền trực đánh trống và vệ sinh lớp học" với mức thu học 150.000 đồng/học sinh.(1)

Lấy lý do các con chỉ việc học, không phải “lấm tay, lấm chân” vì vệ sinh lớp học, số tiền này được đưa ra khiến người ta phải…giật mình.

Đến việc đánh trống trong trường học cũng được quy ra thành tiền thì thật là...quá vô lý.

Từ trước đến giờ, ai là người đánh trống trường ở Trường Lê Quý Đôn? Và nếu không đóng tiền, học sinh có phải không còn được nghe tiếng trống trường?

Thậm chí, đến ông Hồ Văn Diệp - trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo Mang Yang cũng phải thốt lên: "Nghe khoản đóng tiền này thấy vô lý…..”

Không rõ ban đại diện cha mẹ học sinh có được trường Lê Quý Đôn phổ biến Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT hay không nhưng khoản này đã được quy định không được thu, sao Ban đại diện cha mẹ học sinh đang làm khó mình?

Quy định này cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tại Công văn 1620/BGDĐT-KHTC về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2019 - 2020; 2020 - 2021 và chỉ đạo điều hành giá năm 2020.

Thế nhưng kỳ lạ là rất nhiều trường vẫn có tiền thu vệ sinh, bảo vệ…

Vì sao chuyện lạm thu vẫn được nhắc tới như một quái thai trong trường học như vậy?

Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG/Tuổi trẻ

Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG/Tuổi trẻ

Năm nào cũng vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có chỉ đạo chống lạm thu rất nghiêm khắc, nhiều biện pháp cứng rắn, Ủy ban nhân dân các tỉnh cũng rất quyết liệt chống lạm thu và ra rất nhiều văn bản chỉ đạo.

Thế nhưng, phụ huynh vẫn chỉ biết than trời với những khoản thu đầu năm.

Xã hội hóa giáo dục đang được các vị hiệu trưởng hiểu sai hay cố tình hiểu sai. Người ta đánh tráo khái niệm “khuyến khích”, “huy động” thành các khoản thu mang tính tự nguyện và... biến nó thành miếng bánh ngọt để thụ hưởng.

Chỉ cần lạm thu mỗi phụ huynh vài trăm ngàn đồng, cả lớp sẽ là vài triệu đồng cả cả trường sẽ là hàng trăm triệu đồng. Tiền đó đầu tư đi đâu? Chẳng ai biết.

Phụ huynh đang trở thành “mỏ vàng lộ thiên” cho các trường? Đầu năm học nhìn đâu cũng thấy tiền…

Hội phụ huynh ở những trường học để xảy ra lạm thu, bị biến tướng thành “hội phụ thu”, cánh tay nối dài của Hiệu trưởng móc túi phụ huynh. Giáo viên cũng thành “tay chân” thu tiền cho Hiệu trưởng.

Gia đình và nhà trường là nơi nâng bước tương lai của mỗi con em chúng ta.

Từng bước tương lai của trẻ sẽ như thế nào khi ngày đến trường của chúng là tiếng thở dài của mẹ, cha khi tiền học trở thành nỗi ám ảnh.

Họa sĩ Cận đã vẽ một bức tranh đầy chua chát, tiếng trống trường vốn kêu “tùng – tùng – tùng” đã biến thành tiếng “tiền – tiền – tiền” nghe mà xót xa…

Trước đó, vào cuối tháng 7/2019, bà Lê Thị Thu Thủy - cựu Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng) đã bị Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, trong các năm học từ 2015 – 2017, đầu mỗi kỳ học bà Thủy đã chỉ đạo thu nhiều khoản đóng góp trái quy định hoặc chưa được cơ quan quản lý phê duyệt từ cha mẹ học sinh. Tổng số tiền thu được lên tới 6,7 tỉ đồng đã bị biến hóa để sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó, có những khoản không được hạch toán, không được nộp vào tài khoản nhà trường.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/thu-tien-truc-danh-trong-va-ve-sinh-moi-hoc-sinh-150-000-dong-20200922191732668.htm

Trần Phương