Tiền thuê mặt bằng, gánh nặng trĩu vai trường tư thục

15/04/2020 06:46
Trinh Phúc
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Theo tìm hiểu, gánh nặng tài chính lớn nhất đối với các cơ sở mầm non tư thục hiện nay là tiền mặt bằng và tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Đã gần 3 tháng nay các cơ sở giáo dục mầm non tư thục  ở Hà Nội không có khoản thu nào. Nhiều trường đành cắt lương các cô để giảm nguồn chi.

Tuy nhiên, còn đó tiền mặt bằng, tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền vệ sinh trường lớp ...Điều này đang khiến các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ tư thục trước nguy cơ đóng cửa. 

Tâm sự với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thu Hằng ở quận Nam Từ Liêm, chủ của hai cơ sở mầm non tư thục cho biết, tiền mặt bằng hàng tháng cô phải trả lên đến 30 triệu đồng.

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang trải qua giai đoạn rất khó khăn vì không có nguồn thu (ảnh do bạn đọc cung cấp).
Nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang trải qua giai đoạn rất khó khăn vì không có nguồn thu (ảnh do bạn đọc cung cấp).

Tháng 4 là thời hạn nộp tiền thuê nhà theo hợp đồng. Nếu bình thường thì cô phải nộp 3 tháng tiền nhà. Tuy nhiên vì không có nguồn thu, đến nay cô không biết vay mượn ai.

Cô Hằng nhiều lần tìm cách thương lượng với chủ nhà để được giảm giá, chí ít là 50% tiền thuê nhà.

Hoặc cho nộp tiền theo từng tháng, mỗi tháng chủ giảm 30% tiền thuê cho đến khi trường hoạt động trở lại. Nhưng cả hai chủ nhà nơi cô thuê vẫn chưa đồng ý.

Bộ Giáo dục đề nghị, trường tư sắp được cứu
Bộ Giáo dục đề nghị, trường tư sắp được cứu

Cô đã nghĩ đến việc được chấm dứt hợp đồng nhưng vì giao kèo thuê 5 năm nên cô đang đối mặt với việc phạt hợp đồng, ngoài ra còn chi phí sửa chữa, trả lại nguyên trạng mặt bằng khiến cô như muốn khóc.

Cùng chung cảnh ngộ, cô Dương Thị Nho chủ của 4 cơ sở mầm non ở quận Bắc Từ Liêm cũng đang gặp khó khăn về tiền thuê nhà  .

Cô Nho chia sẻ, mỗi cơ sở cô thuê 70 triệu đồng /tháng. Nhiều lần cô tìm cách liên hệ thương lượng tiền thuê nhà với chủ nhà nhưng đều bị họ lờ đi.

Cô Nhung chủ của cơ sở mầm non Bầu Trời Xanh quận Cầu Giấy không khá hơn. Hiện tiền mặt bằng hàng tháng cô phải trả là 15 triệu đồng. Đến nay cô cũng không có tiền để đóng bảo hiểm xã hội cho các cô.

Trong khi đó, cô Liên chủ của cơ sở mầm non Chân Trời Mới quận Đống Đa cũng cho biết, việc phải duy trì tiền thuê mặt bằng là một gánh nặng không chỉ với cơ sở của cô mà nhiều cơ sở mầm non, nhà trẻ tư thục khác.

Qua trao đổi, các cô mong nhiều chủ nhà cho thuê sẽ hiểu và đồng cảm với các cô để cùng nhau vượt qua dịch Covid-19.

Cô Dương Thị Nho cho rằng, nếu giờ đóng cửa cơ sở thì sau này thành lập cơ sở mới khó khăn sẽ hơn gấp nhiều lần.

Vì thủ tục, quy trình để thành lập một cơ sở giáo dục tư thục tốn nhiều thời gian.

“Trong đại dịch cần thiết nhất là các chủ nhà chia sẻ với các cô tiền thuê mặt bằng, thuê nhà.

Đây là quyết định sự tồn tại hay không của các cơ sở mầm non tư thục” – cô Nho bày tỏ.

Qua trao đổi với các cô có thể thấy rằng, với giáo dục tư thục hiện nay cần thiết phải có một chính sách tổng thể để giữ vững ổn định, tránh tình trạng đỗ vỡ hệ thống dẫn tới thiếu nơi học, nơi gửi trẻ sau khi dịch Covid -19 được đẩy lùi. 

Trinh Phúc