Tiến sĩ Trần Công Trục nói về chủ quyền lãnh thổ với học sinh Hiệp Hòa số 3

06/12/2020 06:20
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Trần Công Trục bày tỏ niềm tự hào khi được nói chuyện với các em học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3 nơi quê hương cách mạng anh hùng.

Ngày 4/12, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng với Huyện đoàn huyện Hiệp Hòa, trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3 (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) tổ chức buổi hội thảo và tuyên truyền: “Giáo dục về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông".

Diễn giả chính của hội thảo là Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.

Trước những vấn đề được dư luận quan tâm trên biển Biển Đông hiện nay, chủ đề buổi Hội thảo được các cán bộ Đoàn huyện Hiệp Hòa, cán bộ giáo viên và đặc biệt là học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa 3 háo hức và chờ đợi được diễn giả chia sẻ.

Mở đầu buổi hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục bày tỏ niềm tự hào khi được nói chuyện với các em học sinh trên quê hương cách mạng Hiệp Hòa.

Gần 1000 em học sinh khối sáng của trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3 đã tham dự hội thảo, tuyên truyền. Ảnh: LC

Gần 1000 em học sinh khối sáng của trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3 đã tham dự hội thảo, tuyên truyền. Ảnh: LC

Truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm, trong những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân huyện Hiệp Hòa đã đoàn kết, anh dũng đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai, góp phần làm cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước nhanh chóng giành thắng lợi vẻ vang.

Đặc biệt với trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3, ngôi trường với 20 năm xây dựng và phát triển nhưng đã dần khẳng định mình không chỉ là cái nôi đào tạo hàng nghìn học sinh mà còn là nơi đón nhận, nâng cao nghiệp vụ cho bao thế hệ các thầy cô.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp những thế hệ học sinh tại Hiệp Hòa số 3 đã trưởng thành mang theo phẩm chất và tinh thần, trí tuệ và truyền thống nhà trường tới khắp mọi miền Tổ quốc để lao động, cống hiến, góp công sức xây dựng, làm giàu cho quê hương đất nước.

Tiến sĩ Trần Công Trục hy vọng, chính các em học sinh sau khi nghe các thông tin được chia sẻ tại hội thảo sẽ là cầu nối đưa các thông tin này tới người thân của các em và hình thành cho mình lòng yêu nước một cách đúng đắn.

Yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh.

Tiến sĩ Trần Công Trục đã tạo được ấn tượng với các em học sinh bởi sự gần gũi của "Ông Biển Đông". Ảnh: LC

Tiến sĩ Trần Công Trục đã tạo được ấn tượng với các em học sinh bởi sự gần gũi của "Ông Biển Đông". Ảnh: LC

Trong buổi Hội thảo, gần 1.000 em học sinh đã được Tiến sĩ Trần Công Trục giải thích nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng, dẫn đến những trở ngại khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...

Nói với các em học sinh trường Hiệp Hòa 3, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, đã gửi gắm những vấn đề quan trọng của việc đấu tranh, gìn giữ biên giới, lãnh thổ cho thế hệ tương lai.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, em cần nắm được những kiến thức cơ bản cũng như khái niệm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển để đấu tranh đúng và trúng.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, các em học sinh, các thầy cô giáo và các tầng lớp nhân dân cần: "Hiểu về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển để có cách đấu tranh đúng đắn, khôn ngoan, mềm mỏng nhưng rất cứng rắn, cương quyết.

Hơn nữa, để chúng ta tự trang bị cho mình kiến thức, cách tiếp cận, nhận thức đúng sai trước những thông tin độc, thông tin hại trên mạng internet, mạng xã hội hiện nay".

Tiến sĩ Trần Công Trục cũng thông tin thêm về những vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và hoàn toàn không có tranh chấp.

Các khái niệm về pháp lý trên Biển Đông được Tiến sĩ Trần Công Trục giải thích căn kẽ. Ảnh: LC

Các khái niệm về pháp lý trên Biển Đông được Tiến sĩ Trần Công Trục giải thích căn kẽ. Ảnh: LC

Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ và bằng chứng pháp lý và lịch sử có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nói về tên biển Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết: Người Việt Nam gọi là Biển Đông.

Đây là tên riêng do Việt Nam dùng để gọi vùng biển này và tên gọi này đã đi vào tiềm thức, tâm khảm của người dân Việt Nam từ bao đời nay: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn. Thuận bè thuận bạn, tát cạn Biển Đông” (Ca dao Việt Nam), “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội; Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi” (Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi).

Tên Biển Đông là tên riêng nên trong các tài liệu, hồ sơ, văn bản chính thức của Việt Nam đều viết hoa cả hai từ Biển Đông và trong các tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì thường viết là Bien Dong Sea (tiếng Anh) hay Mer de Bien Dong (tiếng Pháp).

Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn thấy trong một số văn bản, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài đã dịch tên Biển Đông là East Sea (tiếng Anh) hay Mer de l’Est (tiếng Pháp).

Cách dịch này không phù hợp với văn bản chính thức của Nhà nước khi đăng ký với tổ chức quốc tế và có thể gây nhầm lẫn với vùng biển nằm ở phía Đông bán đảo Triều Tiên cũng được gọi là East Sea.

Tiến sĩ Trần Công Trục cũng nêu rõ: "Cũng cần nhấn mạnh rằng, về mặt pháp lý, tên gọi không phải là yếu tố giá trị để khẳng định chủ quyền của một quốc gia đã đặt tên cho một khu vực địa lý nào đó.

Chẳng hạn: gọi là Ấn Độ Dương không có nghĩa Đại Dương này thuộc về Ấn Độ; vịnh Thái Lan không có nghĩa vịnh này là hoàn toàn thuộc về Thái Lan".

Nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ cho biết thêm: "Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, tên Biển Đông đã được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sử dụng chính thức trong Công hàm gửi đến Tổ chức Khí tượng Thế giới xin đăng ký thông báo tình hình khí tượng của vùng biển này, viết bằng tiếng Anh là Biển Đông Sea".

Đại diện nhà trường đã tặng hoa, cảm ơn đoàn. Ảnh: LC

Đại diện nhà trường đã tặng hoa, cảm ơn đoàn. Ảnh: LC

Sau khoảng 2 giờ trao đổi, phân tích nhiều khái niệm pháp lý, Tiến sĩ Trần Công Trục đã cung cấp đến cho các cán bộ Huyện Đoàn, cán bộ giáo viên và các em học sinh hiểu một cách cơ bản, hệ thống, khoa học về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.

Cuổi buổi hội thảo, Nhà giáo Phạm Minh Tuân, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3 đã thay mặt Huyện đoàn, cán bộ giáo viên và các em học sinh gửi lời cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục đã tổ chức buổi hội thảo ý nghĩa này.

“Những kiến thức tưởng chừng như rất gần gũi, đơn giản nhưng để hiểu đúng, trúng trong công tác đấu tranh và bảo vệ đất nước không hề đơn giản. Những kiến thức quý báu này sẽ là hành trang để các em học sinh trở thành những tuyên truyền viên, góp một phần vào công tác bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

Buổi Hội thảo đã giúp các em nhận thức đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước”, thầy giáo Phạm Minh Tuân phát biểu cảm ơn.

Trần Phương