Tiến sĩ Phạm Hiệp đề xuất hướng sáp nhập các cơ sở giáo dục đại học

29/09/2019 07:26
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu quy hoạch chức năng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học công lập thì chỉ nên quy hoạch ở cấp độ chương trình đào tạo định hướng ứng dụng và nghiên cứu.

Như Báo Điện tử giáo dục Việt Nam đã thông tin, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá kết quả đổi mới giáo dục đại học và sau đại học. 

Theo đó, về quy mô, mạng lưới, cơ cấu ngành nghề: Đã xây dựng được mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học gồm 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh) trong đó bao gồm 171 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài). 

Như vậy, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37/2013/QĐ-TTg đề ra 12 trường đại học.

Phấn đấu ít nhất 1 trường sư phạm lọt top 1000 trường sư phạm toàn cầu

Trước thực tế này, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học 2018 là nội dung được đặc biệt quan tâm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Rõ ràng, sáp nhập cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ là tất yếu trong tương lai để có thể hình thành những đại học lớn, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức như đại học phi lợi nhuận hay đại học vì lợi nhuận, thể chế hoạt động…

Là người quan tâm đến giáo dục đại học, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trung tâm Nghên cứu và Thực hành Giáo dục cho biết, qua tìm hiểu và nghiên cứu về giáo dục đại học của một số nước trên thế giới về vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, ông Hiệp nhận thấy, 30-40 năm trở lại đây đã có nhiều nước thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học bởi lẽ dù ở quốc gia nào đi chăng nữa thì khi giáo dục đại học phát triển phủ lớn đến một mức độ nào đó họ cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự như Việt Nam hiện nay. 

Điều này có nghĩa là, sự phát triển của nền kinh tế đòi hỏi hệ thống giáo dục đại học phải mở rộng, tuy nhiên mở rộng đến một giai đoạn nào đó thì lại gặp phải vấn đề là không kiểm soát được chất lượng. 

Và khi đó nhu cầu thị trường lại đặt ra vấn đề chất lượng, hiệu quả và buộc phải thay đổi về mặt cấu trúc, quy hoạch.  

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học ở các nước thường có xu hướng sáp nhập trường nhỏ, trường yếu lại với nhau hoặc sáp nhập trường nhỏ với trường lớn nhằm thay đổi về mặt chất lượng. (Ảnh: Thanh Hùng)
Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học ở các nước thường có xu hướng sáp nhập trường nhỏ, trường yếu lại với nhau hoặc sáp nhập trường nhỏ với trường lớn nhằm thay đổi về mặt chất lượng. (Ảnh: Thanh Hùng)

Cụ thể, vị chuyên gia này nêu ví dụ, tại Úc hay một số nước châu Âu, cách đây 30 năm họ cũng có cuộc chuyển đổi mang tính chất căn cốt về vấn đề cấu trúc của hệ thống giáo dục đại học và những câu chuyện rất gần với quy hoạch mạng lưới như Việt Nam hiện nay nhằm thay đổi cách sắp xếp, cách thức tài trợ, cách thức đánh giá… cho các trường đại học. 

Việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học ở các nước thường có xu hướng sáp nhập trường nhỏ, trường yếu lại với nhau hoặc sáp nhập trường nhỏ với trường lớn nhằm thay đổi về mặt chất lượng. 

Vị này cho biết, ở nước ngoài, họ có 2 hình thức sáp nhập: sáp nhập bắt buộc theo yêu cầu của Nhà nước và sáp nhập tự nguyện, nhà nước chỉ ra chính sách (ví dụ các trường sáp nhập sẽ được nhận thêm một khoản đầu tư), để các trường tự tìm đến nhau và tự quyết định có sáp nhập với nhau hay không. 

Tiến sĩ Phạm Hiệp thông tin thêm, trước đây Việt Nam cũng từng có dự định quy hoạch mạng lưới đại học theo chức năng: đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng và thực hành.

Và khi vấn đề quy hoạch được đặt ra lần này, ông Hiệp cho rằng, nếu quy hoạch chức năng thì chỉ quy hoạch chức năng ở cấp độ chương trình: chương trình đào tạo định hướng ứng dụng và nghiên cứu; thay vì quy hoạch ở cấp trường như hiện nay.  

"Trong thời gian chờ quy hoạch, chúng ta chỉ nên dừng mở trường công để tìm hướng đi nâng cao hiệu quả hơn còn trường tư thì vẫn cho phép thành lập bởi lẽ mở trường tư là quyền của nhà đầu tư. Mà nhà đầu tư họ chỉ đầu tư khi thị trường có nhu cầu", ông Hiệp đề xuất. 

Thùy Linh