Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Xử lý vấn nạn dạy thêm cần mạnh tay, cương quyết!

24/10/2021 06:46
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một người làm được mà không bị xử phạt mạnh tay thì những người khác cũng sẽ làm theo nếu chúng ta xử lý thiếu nghiêm túc, thiếu chế tài.

Trong các bài viết phản ánh về tình trạng giáo viên “ép” học sinh học thêm trực tuyến diễn ra ở một số lớp của Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải mới đây đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả và phụ huynh.

Theo đó, nếu học sinh nào không tham tham gia hoặc có ý định học thêm ở các lớp do giáo viên khác tổ chức, nằm ngoài sự “sắp xếp” của giáo viên chủ nhiệm thì học sinh ấy sẽ bị “quan tâm đặc biệt” suốt trong quá trình học tại trường. Nhiều học sinh tỏ ra mệt mỏi vì ngoài lịch học chính khóa từ thứ 2 đến thứ 6 thì các em còn bị "ép" học thêm trực tuyến vào các khung giờ phụ, thậm chí cả thứ 7 và Chủ nhật khiến phụ huynh bức xúc.

Sau khi nắm bắt sự việc, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh Dương Thị Sáu cũng trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nêu rõ, Phòng đã cho ngừng việc dạy thêm tại Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ và rà soát lại toàn bộ việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Bà Dương Thị Sáu cũng khẳng định trong trả lời với Tạp chí là: "Việc dạy thêm và học thêm chúng tôi đã cấm tuyệt đối rồi, không được dạy thêm, học thêm trong bối cảnh học sinh đang còn phải học trực tuyến như hiện nay".

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ảnh: Tùng Dương

Qua đây, có nhiều ý kiến cho rằng, việc học thêm trực tuyến theo kiểu ép buộc không chỉ không mang lại chất lượng mà có thể xảy ra những tai nạn, thương tích không mong muốn với trẻ vì các thiết bị học tập trực tuyến phải làm việc với cường độ quá lớn. Phải chăng chế tài của việc xử phạt các cá nhân tổ chức dạy thêm chưa đủ mạnh để răn đe khiến cho việc dạy thêm như thế này vẫn còn tiếp diễn ở những địa phương khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định: “Thực ra, chuyện giáo viên “ép” học sinh phải đi học thêm khi thời lượng thời gian mà các em học chính khoá ở trường vốn đã kín, không phải là chuyện mới và có rất nhiều vấn đề.

Có thể thấy rằng, vấn nạn học thêm vẫn là vấn đề nhức nhối, luôn tiếp diễn cho dù đã có nhiều trường hợp bị xử phạt, có thể vì các nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, là việc nhiều giáo viên phụ trách các lớp cuối cấp thường muốn cho học sinh lớp mình có thành tích cao trong mỗi cuộc thi, nên ngoài thời gian chính khoá còn muốn dồn thêm kiến thức cho các học sinh và các buổi học thêm, khi thi cử có kết quả đẹp để báo cáo. Điều này là sự thể hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.

Thứ hai, nhiều người tổ chức dạy thêm, ép học sinh đi học thêm theo kiểu lén lút, dù nhà trường chưa có chủ trương dạy tăng cường cho các học sinh có thể là vì tiền. Bởi vì, thông qua việc dạy thêm, học thêm đó là cơ hội để họ có thể kiếm thêm tiền.

Chúng ta không thể phủ nhận một điều rằng, việc học hành theo hình thức trực tuyến vốn đã rất phức tạp, và học online cũng không thể nào đảm bảo chất lượng như việc học trực tiếp được. Vì trong những hoàn cảnh “cực chẳng đã” thì chúng ta mới áp dụng cho học sinh việc học online, nếu có điều kiện đảm bảo thì địa phương nào cũng muốn cho học sinh học trực tiếp trên lớp.

Đã gọi là đi học thì các yếu tố cơ bản như “đức, trí, thể, mỹ” cần phải được thực hành, cần phải được vận động. Tất nhiên, khi học trực tuyến thì việc thực hành các yếu tố này không thể truyền tải được đầy đủ hết như khi các em học trực tiếp trên lớp được. Đó là chưa kể các tai nạn, thương tích có thể xảy ra với trẻ trong khi học trực tuyến nếu không được các bậc cha mẹ bám sát, theo dõi kỹ lưỡng.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc học chính khoá online vốn đã căng thẳng và có nhiều vấn đề rồi mà vẫn để xảy ra tình trạng các giáo viên ép các học sinh phải học thêm thì các cơ quan quản lý giáo dục của địa phương ấy cũng cần phải xem lại”.

Phân tích về nguyên nhân khiến cho việc dạy thêm theo kiểu lén lút, ép buộc vẫn còn “đất sống” dù nhiều vụ việc tương tự đã bị xử lý, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Thực ra, trong chuyện này, vẫn có nhiều người họ biết cách “lách luật” để thực hiện hành vi của mình.

Đó là tình trạng “giả thánh chỉ” để ép học sinh đi học thêm, bằng việc bắt phụ huynh và học sinh ký vào các tờ đơn “tự nguyện, đồng ý” đi học thêm. Đó là chưa kể đến trường hợp, giáo viên còn ép cả phụ huynh phải đồng tình, phải nói tốt cho mình nếu chẳng may bị việc tổ chức học thêm “ngoài luồng” của những giáo viên này bị phát giác”.

Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Đông Anh, nơi xảy ra sự viêc học sinh bị "ép" học thêm trực tuyến trong thời gian qua. Ảnh: Trung Dũng

Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Đông Anh, nơi xảy ra sự viêc học sinh bị "ép" học thêm trực tuyến trong thời gian qua. Ảnh: Trung Dũng

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cũng đề cập đến phương án để các cơ quan quản lý giáo dục có thể quản lý tốt việc dạy thêm và học thêm trong thời điểm các học sinh học trực tuyến qua các ứng dụng. Tránh nhiều nơi vẫn đổ lỗi cho việc, học thêm qua ứng dụng thì nhà trường rất “khó phát hiện”.

Cụ thể, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Riêng phần mềm học trực tuyến thì các địa phương nên tiến tới đi đến việc thống nhất các ứng dụng học tập.

Tránh việc trong cùng một địa phương mà mỗi nơi áp dụng một phần mềm, mỗi môn lại có một phần mềm riêng, cái đó ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc học tập của các học sinh và cách quản lý học hành của phụ huynh với những học sinh đó.

Dù là học thêm, học tăng cường theo kế hoạch của địa phương nhưng cũng cần phải đưa các chuyên gia vào để có thể đánh giá một cách khách quan nhất nhu cầu học tập thực sự của các học sinh và phụ huynh thông qua các phiếu hỏi, phiếu điều tra giấu tên.

Vì trong chuyện học thêm, có thể có những bộ môn người học có nhu cầu thực sự, nhưng vì theo những khuôn mẫu cứng nhắc mà có nơi thì các em dù không muốn học nhưng vẫn bị ép, có nơi học sinh tha thiết đi học để nâng cao kiến thức nhưng không ai cho đi học.

Về cách quản lý giáo dục của nhiều địa phương để dẫn đến việc học thêm, dạy thêm “ngoài luồng” vẫn diễn ra tràn lan, tôi cũng rất đồng tình với ý kiến người dân và cử tri nhiều địa phương cho rằng, đó là do nhiều cơ quan quản lý giáo dục vẫn thiếu nghiêm túc, chế tài còn nhẹ.

Một điều rõ ràng là, nếu chúng ta xử lý thiếu nghiêm túc, thiếu chế tài thì sự việc nó sẽ cứ tiếp tục diễn ra. Một người làm được mà không bị xử phạt mạnh tay thì những người khác cũng sẽ làm theo.

Vì thế, việc xử lý như thế nào và xử lý ai thì chúng ta cũng cần công bố công khai ra. Công bố chi tiết đến việc cô này, thầy kia ở lớp nào, trường nào, xử lý với mức độ ra sao cho thật rõ ràng. Tránh việc, chỗ này thì làm mạnh, công khai trách nhiệm của từng cá nhân mà chỗ kia lại giấu đi là không được.

Cái này nếu mình nghiêm túc, công khai thì nó sẽ có tác dụng nêu gương cho các cá nhân khác để họ nhìn vào đấy mà thực hiện hành vi của mình. Vì môi trường giáo dục muốn sạch được thì chúng ta phải “quét”, mà “quét” thì phải mạnh tay, nếu không sẽ không đạt hiệu quả mong muốn.

Để hạn chế được việc này, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Uỷ ban nhân dân cấp huyện cần có các chỉ đạo, đánh giá nghiêm túc tất cả các vấn đề có liên quan đến việc học thêm, dạy thêm. Tuyệt đối tránh việc đánh giá sự việc một cách phiến diện, thiếu khách quan”.

Trung Dũng