Tiến sĩ Lê Viết Khuyến ủng hộ Bộ, dứt khoát tổ chức thi quốc gia

22/04/2020 06:09
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Kỳ thi trung học học phổ thông quốc gia 2020 tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ngày thi từ 8-11/8.

Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành trung ương về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Đây là lần thứ hai Bộ báo cáo về phương án thi sắp tới.

Để đảm bảo khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến dạy và học và vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Giáo dục, dự kiến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020 diễn ra ngày 8-11/8, theo đó tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông, nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.

Địa phương được giao trách nhiệm chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ra đề thi cho toàn quốc, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.

Đối với tuyển sinh đại học, sau thời gian dài chuẩn bị về phân tầng đại học, năm nay, trường đại học thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học.

Kỳ thi trung học học phổ thông quốc gia 2020 tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ngày thi từ 8-11/8. (Ảnh minh họa: Dương Hà)
Kỳ thi trung học học phổ thông quốc gia 2020 tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ngày thi từ 8-11/8. (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Sau khi nghiên cứu phương án kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tổ chức năm 2020, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hoàn toàn tán thành và ủng hộ việc Bộ công bố dứt khoát về phương án thi quốc gia năm nay trước khi học sinh cả nước đi học trở lại sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19. 

Thầy Khuyến cho rằng, hiện nay có một bộ phận học sinh lớp 12 chờ đợi, trông chờ vào việc bỏ tổ chức kỳ thi quốc gia chính vì vậy động thái này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp xóa đi tâm lý này và đòi hỏi các em phải có động lực học tập nghiêm túc. 

Nhiều thay đổi trong quy chế thi quốc gia năm 2020
Nhiều thay đổi trong quy chế thi quốc gia năm 2020

Ngoài ra, thầy Khuyến cũng nhấn mạnh, rõ ràng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh cả nước, ở tất cả các khối lớp khiến các em không được học đầy đủ như những năm khác. 

Do đó đối với khối 12, các em cũng bị thiệt thòi tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản cụ thể nội dung dạy học, thi cử, như vậy rõ ràng thí sinh khối 12 đã được “châm chước”. 

Thầy Khuyến cũng nói thêm, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia phục vụ mục tiêu chủ yếu xét tốt nghiệp như vậy là rất đúng. 

Bởi lẽ, với kinh nghiệm nhiều năm quản lý giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc sử dụng điểm thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học chỉ phù hợp với những ngành có độ “hot” trung bình hoặc thấp. 

Với các ngành sức hấp dẫn cao cần có thêm kỳ thi trung tuyển để lựa chọn được người có năng lực phù hợp với ngành đào tạo. 

Kỳ đầu tiên là sơ tuyển căn cứ vào kết quả thi quốc gia. Kỳ thứ hai là trung tuyển, các trường dựa vào đặc trưng riêng cần xét tuyển cho từng ngành để tổ chức thi 1 môn, 2 môn hoặc thi vấn đáp. Việc này cũng giống như các trường chuyên về năng khiếu đang thực hiện. 

Vị này phân tích, Toán, Ngữ văn có thể điểm rất cao, nhưng môn Năng khiếu rất thấp vẫn trúng thì thật vô lý. 

Thầy Khuyến cho biết, kinh nghiệm ở các nước cho thấy, trường đẳng cấp luôn nhận hồ sơ ở mức cao. Đơn cử hệ thống giáo dục tiểu bang California (Mỹ), từ nhiều năm nay có 3 nhóm trường.

Nhóm trường đẳng cấp hệ đại học có 9 trường đào tạo trình độ tiến sĩ. Nhóm thứ 2 gồm có 23 trường chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ. Nhóm cao đẳng cộng đồng có 105 trường.

Chính quyền bang California quy định, trường top đầu chỉ được xét tuyển điểm cao ở top 1/8 thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trường nhóm hai được lấy thí sinh ở top 1/3. Còn các trường top cuối được phép xét tuyển những thí sinh còn lại điểm thấp hơn. 

Được biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm gần đây chỉ có khoảng 10% các trường tốp trên hình thành nhóm có tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc sử dụng các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; còn lại các trường kết hợp xét tuyển qua học bạ và căn cứ kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào;… 

Bộ Giáo dục và  Đào tạo trân trọng tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành, ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các em học sinh,… để sớm hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Thùy Linh