Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Thí sinh không phải lo lắng về phương án thi

12/09/2016 08:49
Thùy Linh
(GDVN) - Năm nay, khi vừa mới khai giảng mà Bộ GD&ĐT đã nêu phương án thi cho năm 2017 nên thí sinh, phụ huynh không cần phải lo lắng.

Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2017. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được tổ chức trong hai ngày tháng 6 trên cả nước.

Hướng tiếp tục cải tiến kì thi THPT quốc gia năm 2017 là chuyển từ thi theo môn sang thi theo 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Nội dung đề thi năm 2017 chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT (năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT).

Trừ bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thí sinh sẽ làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và bài thi được chấm bằng phần mềm máy tính.

Vừa khai giảng đã biết phương án thi nên thí sinh không cần lo lắng (Ảnh: Thùy Linh)
Vừa khai giảng đã biết phương án thi nên thí sinh không cần lo lắng (Ảnh: Thùy Linh)

Những thay đổi này đã khiến các em học sinh, phụ huynh và giáo viên lo lắng vì thời gian từ giờ đến khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2017 chỉ còn 9 tháng. 

Tuy nhiên, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng:

Nếu các năm trước vào khoảng tháng 3 hàng năm Bộ GD&ĐT mới công bố phương án thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học thì năm học 2016-2017 vừa mới khai giảng mà Bộ đã nêu phương án thi cho năm 2017 thì không có gì là gấp gáp nên thí sinh, phụ huynh không cần phải lo lắng. 

Hơn nữa, theo dự thảo, kỳ thi THPT quốc gia 2017 chỉ thay đổi về cấu trúc thi chứ không phải thay đổi về chương trình ôn tập nên nếu học sinh nắm vững kiến thức trong chương trình đào tạo thì thi phương thức nào cũng làm tốt.

Mà nội dung thi của học sinh vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 của bậc phổ thông, cách thay đổi chỉ nghiêng về phương án kỹ thuật.

Trước băn khoăn về hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải, chúng ta có thể giải Toán theo nhiều cách nhưng chỉ có một đáp số. Vì thế, những em học giỏi sẽ tìm ra đáp án nhanh hơn, dành thời gian làm những câu khác.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Thí sinh không phải lo lắng về phương án thi ảnh 2

Bộ Giáo dục giải đáp các thắc mắc về phương án thi quốc gia 2017

(GDVN) - Thay vì chỉ được đăng ký 2 nguyện vọng như lần xét tuyển năm 2016, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

"Thi trắc nghiệm môn Toán mới với nước ta nhưng hình thức này đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới từ lâu.

Trên thực tế, Bộ đã tính đến việc thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2006 nhưng xã hội chưa đồng tình vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm", Thứ trưởng Ga nói.

Ông cho biết thêm, trong 10 năm qua, chúng ta đã học tập kinh nghiệm từ các nước khác nên Bộ GD&ĐT giao Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện kỳ thi Đánh giá năng lực bằng trắc nghiệm hoàn toàn.

Giải đáp băn khoăn này, TS.Lê Viết Khuyến khẳng định, việc sử dụng các câu hỏi tự luận cho các đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học môn Toán và Ngữ văn là một truyền thống trong nhiều năm của nền giáo dục Việt Nam có nghĩa là nước ta đã quen sử dụng hình thức thi tự luận môn Toán với những bài toán lớn, gồm nhiều ý nên khi chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm sẽ gây ra nhiều tranh cãi. 

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng hình thức trắc nghiệm có nghĩa là tách bài toán lớn thành các bài toán nhỏ hơn với 4 đáp án, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tìm ra đáp án nhanh hơn.  
 
Với tư cách là một thành viên được Đại học Quốc gia Hà Nội cử đi nước ngoài năm 2008 để học cách làm đề thi trong chủ trương chuẩn bị kỳ thi đánh giá năng lực, PGS.Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: 

Trắc nghiệm là một trong những loại hình đánh giá. Hạn chế của phương pháp này là không phát huy được tính sáng tạo khi câu trả lời chỉ có phương án đúng và phương án sai. Nhưng cái được là đánh giá nhanh, cụ thể, chứ không chung chung. 

Để đánh giá con người có nhiều phương thức khác nhau. Nhưng để đánh giá đồng loạt nhiều người trong thời gian ngắn thì trắc nghiệm là phương thức ổn nhất. Bởi vì, không thể phỏng vấn hàng trăm nghìn thí sinh cũng lúc. 

Và trong điều kiện hiện nay để đánh giá một số lượng lớn thí sinh, thay thế cho 180 phút ngồi làm bài tự luận, thì trắc nghiệm là phương thức tối ưu
”. 

Về việc học sinh lo lắng không đủ thời gian để ôn thi cho dạng bài thi tổ hợp, TS.Lê Viết Khuyến lưu ý, cần phải làm rõ bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội là các bài thi “tổ hợp” chứ không phải “tích hợp”.

Tức là, các bài thi này được xây dựng bằng cách gộp ba đề thi riêng biệt của từng môn. Mỗi câu hỏi trong đề chỉ liên quan đến một môn, chứ không phải vận dụng kiến thức của 2, 3 môn để trả lời một câu hỏi.

Rõ ràng, đây là sự thay đổi tích cực bởi thay vì mất 3 buổi để thi 3 môn, thí sinh chỉ cần một buổi để thi, vừa đỡ mệt, lại giảm tốn kém cho xã hội.

Thùy Linh