Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp: học phí quan trọng là phải tính đúng tính đủ

27/08/2021 09:07
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi có biến động lớn như dịch bệnh covid-19 thì trường có thể chủ động điều chỉnh giảm mức học phí theo nguyên tắc vừa đảm bảo nguồn tài chính duy trì hoạt động.

Câu chuyện có nên quy định mức trần học phí đối với giáo dục đại học nhất là khi các cơ sở giáo dục đại học đang ngày càng thực hiện tự chủ “sâu” đang là chủ đề nóng. Đặc biệt là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015 về quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Thời gian qua một số ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải tự chủ hoàn toàn mới được xác định được học phí trên cơ sở chi phí đào tạo.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

Phóng viên: Thực tế, các trường đại học tự chủ sâu rộng sẽ có mức thu học phí tăng so với trước kia. Thầy có thể cho biết quan điểm của thầy về việc có nên quy định mức trần học phí đối với giáo dục đại học hay không?

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp: Luật Giáo dục đại học 2018 quy định “Việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo”.

Với quy định của Luật như trên, có thể thấy rằng: Chi phí đào tạo của các trường tư hoàn toàn do trường tự cân đối, vì vậy không nên khống chế mức trần học phí đối với các trường tư.

Đối với các trường công lập, chi phí đào tạo của đa số các trường hiện nay không phải hoàn toàn do trường tự cân đối mà vẫn có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua các kênh như hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của nhà nước….

Mặt khác, cơ sở giáo dục đại học công lập kể cả đã tự chủ hoàn toàn thì đều được hình thành từ tài sản nhà nước, từ nguồn thuế do người dân đóng góp nên các cơ sở giáo dục đại học công lập kể cả cơ sở giáo dục đại học tự chủ hoàn toàn thì vẫn phải có trách nhiệm tổ chức các khóa đào tạo cho số đông người dân có mức thu nhập trung bình, có nhu cầu học tập có thể tham gia được.

Các khóa đào tạo đó chính là các chương trình giáo dục đại trà như hiện nay và cần thiết quy định mức trần học phí đối với các chương trình giáo dục ở dạng này; tuy vậy mức trần học phí phải được tính phù hợp để các trường bù đắp đủ chi phí đào tạo theo quy định của Luật.

Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao thì nhà nước không nên quy định mức trần học phí vì các chương trình này thường được đào tạo theo chuẩn quốc tế với chi phí đào tạo cao, tuy vậy nhà nước nên có hành lang chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập cấp học bổng cho sinh viên có năng lực học tập tốt nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn để các em có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp phát biểu trong một cuộc hội thảo. Ảnh: Website nhà trường

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp phát biểu trong một cuộc hội thảo. Ảnh: Website nhà trường

Thầy có thể cho biết, đối với các trường đại học tự chủ tự xác định mức học phí trên cơ sở chi phí đào tạo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đào tạo?

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp: Việc tự chủ xác định mức học phí trên cơ sở chi phí đào tạo sẽ giúp nâng cao đáng kể chất lượng đào tạo:

(1) Do tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nên trường sẽ có nguồn lực tài chính để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo;

(2) Thu hút được đội ngũ giảng viên giỏi tham gia giảng dạy;

(3) Đổi mới chương trình, giáo trình theo chuẩn quốc tế và nhu cầu phát triển của xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tất cả các hoạt động trên đều đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

Theo thầy, việc tự chủ về mức học phí sẽ giúp nhà trường đối phó với những biến động với những khó khăn (ví dụ như dịch COVID – 19) như thế nào?

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp: Việc tự chủ về mức học phí giúp nhà trường chủ động, linh hoạt xác định mức học phí phù hợp với thực tiễn đào tạo tại trường trong bối cảnh có sự biến động lớn từ môi trường kinh tế xã hội.

Cụ thể là:

- Do được tự chủ về thu học phí cũng như tự chủ về nhiều hoạt động tạo nguồn thu khác như nghiên cứu khoa học, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tổ chức thực tập kết hợp với sản xuất…nên nhà trường có nguồn tích lũy thông qua các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ ổn định thu nhập, quỹ phúc lợi xã hội…

Đây là các nguồn tích lũy quan trọng giúp trường ứng phó với các rủi ro lớn như thiên tai, dịch bệnh…

- Do được tự chủ nên trường có thể chủ động xác định mức học phí phù hợp với ngành đào tạo, đối tượng tuyển sinh theo vùng, miền phù hợp với chiến lược phát triển nhà trường.

Chính vì vậy, khi có biến động lớn như dịch bệnh covid-19 thì trường có thể chủ động điều chỉnh giảm mức học phí theo nguyên tắc vừa đảm bảo nguồn tài chính duy trì hoạt động, vừa chia sẻ khó khăn với người học và thực hiện tốt trách nhiệm của trường đối với xã hội.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Duẩn)

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Duẩn)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình COVID -19, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội bị ảnh hưởng ra sao? Nhà trường đã có những giải pháp như thế nào để khắc phục những khó khăn như vậy thưa thầy?

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp: Dịch COVID -19 cũng đã tác động mạnh đến Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội bởi trường vẫn nằm trong khu phong tỏa cách ly. Sinh viên vẫn phải học trực tuyến các môn lý thuyết trên 2 nền tảng là Zoom và Teams.

Nhà trường cũng đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn. Thứ nhất nhà trường tổ chức học trực tuyến, thứ hai đối với những tỉnh không có dịch nhà trường cũng đã cho sinh viên quay trở lại trường và đi học từ cuối tháng 7.

Đến thời điểm này đã gần như kết thúc được năm học 2020 – 2021. Như vậy, đối với năm học mới, những lớp ở trong trường thì ổn không có vấn đề gì.

Bắt đầu năm học mới 2021 – 2022, giải pháp của nhà trường để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19 vẫn là học trực tuyến.

Chương trình học có chút thay đổi khi đẩy hết các môn lý thuyết lên, còn toàn bộ những môn liên quan đến thí nghiệm, thực hành, nhà trường sẽ để khi nào có điều kiện học trực tiếp được nhà trường mới tiến hành cho học.

Năm học 2020 thầy và trò nhà trường mới bắt đầu học trực tuyến nên có một số trục trặc nhỏ. Năm nay, đến thời điểm hiện tại mọi trục trặc đã được khắc phục và mọi việc đã được đi vào guồng.

Tuy nhiên, do đặc thù Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội là trường kỹ thuật, công nghệ nên phần thực hành chiếm đến 50% quá trình đào tạo cho nên học trực tuyến mới chỉ giúp được phần lý thuyết và thực hành tư duy.

Toàn bộ phần thực tập thực tế, thí nghiệm phải làm trực tiếp mới làm được, nên đây là điểm vướng, nên nhà trường đã điều chỉnh các môn học để các kỳ sau sẽ đẩy lên nếu dịch còn có diễn biến phức tạp.

Đến nay, do chủ động và có phương án sớm nên trường vẫn hoạt động ổn định, không có vấn đề gì cả.

Được biết Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trong những trường đại học tự chủ, đang có mô hình phát triển riêng của mình, thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu của trường. Thầy có thể chia sẻ về hướng đi và tầm nhìn của nhà trường?

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp: Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường đại học theo định hướng ứng dụng, hoạt động theo cơ chế tự chủ và chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực theo chuỗi hoàn chỉnh cho ngành dệt may Việt Nam, một ngành kinh tế có số lượng lao động chiếm 20% tổng số lao động công nghiệp cả nước với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 17,8%/năm, tốc độ phát triển bình quân 1242 doanh nghiệp dệt may/năm và 83.400 nhân lực/năm trong giai đoạn 2015-2019.

Do hoạt động theo định hướng ứng dụng nên nhà trường đã phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường bằng cách thành lập nhà máy có quy mô 500 lao động để vừa sản xuất kinh doanh theo chuẩn quốc tế ngay tại trường, vừa tổ chức thực tập cho sinh viên nhiều chuyên ngành đào tạo.

Công tác nghiên cứu khoa học của trường tập trung chủ yếu vào các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ nhưng phải được ứng dụng tại doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng nghiên cứu trực tiếp với doanh nghiệp theo đơn đặt hàng.

Tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, chúng tôi đào tạo từ nhân sự tổng giám đốc doanh nghiệp dệt may đến các kỹ thuật viên điều hành dây chuyền sản xuất dệt may, nghĩa là khi một doanh nghiệp dệt may được thành lập mới, doanh nghiệp có thể đến trường để đặt hàng đào tạo hoặc tuyển dụng nhân sự cho cả bộ máy quản lý và kỹ thuật từ tổng giám đốc đến trưởng các đơn vị chức năng, chuyền trưởng... như: giám đốc doanh nghiệp dệt may, cử nhân thiết kế thời trang công nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp dệt may, cán bộ quản lý đơn hàng (Merchandiser) chuyên ngành dệt may, cán bộ thiết kế kỹ thuật công nghệ trong doanh nghiệp dệt may, cán bộ thiết kế và vận hành hệ thống quản lý chất lượng trong doanh nghiệp dệt may, chuyên viên marketing thời trang, kế toán tài chính và quản trị rủi ro cho doanh nghiệp dệt may, chuyên viên quản lý và bảo trì thiết bị trong doanh nghiệp dệt may, chuyên viên cơ điện tử cho thiết bị dệt may.

Để đào tạo nhân lực cho ngành dệt may theo chuỗi hoàn chỉnh như trên, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội hiện đang đào tạo các ngành công nghệ may, thiết kế thời trang, công nghệ sợi dệt, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, quản lý công nghiệp, marketing thời trang, Kế toán và dự kiến sẽ phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế trong giai đoạn 2021-2025.

Với chiến lược đào tạo theo chuỗi hoàn chỉnh của ngành dệt may như trên, kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2020, ra trường sau 3 tháng cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 85,4% và ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất là ngành công nghệ may: 88,1%. Đây là tỷ lệ có việc làm rất cao trong bối cảnh chịu sự tác động của đại dịch Covid-19.

Về vị trí làm việc: 3% sinh viên làm việc tại các vị trí quản lý; 77,3% sinh viên làm việc tại các vị trí cán bộ kỹ thuật; 19,7% sinh viên làm việc tại các vị trí khác. Như vậy hơn 80% sinh viên đại học tốt nghiệp năm 2020 đang làm việc tại ví trí quản lý, kỹ thuật chủ chốt trong các doanh nghiệp dệt may.

Tỷ lệ tự tạo việc làm (khởi nghiệp) là 7,9%. Sinh viên có thu nhập cao nhất là 30 triệu/tháng thuộc về ngành Quản lý công nghiệp chuyên ngành Merchandiser; thu nhập cao nhất của ngành công nghệ Sợi dệt là 15 triệu/tháng và thu nhập cao nhất của ngành công nghệ may là 13 triệu/tháng.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Lại Cường