Tiến sĩ đi học nước ngoài bằng ngân sách không dễ lật kèo vì có ràng buộc cả

22/05/2021 06:25
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài việc truy thu tiền, còn có điều khoản để ràng buộc sau khi học xong trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài họ phải giảng dạy tại trường liên tục tối thiểu là 15 năm.

Ngày 18/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 89 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030” gọi tắt là Đề án 89.

Ngày 13/5/2021 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn hướng dẫn, yêu cầu các trường muốn tham gia đào tạo đăng kí trước ngày 20/5, gửi danh sách ứng viên trước ngày 15/6 và Bộ sẽ thông báo danh sách trúng tuyển trước ngày 30/6/2021.

Sau sự việc này, dư luận không chỉ quan tâm đến tính thiết thực của Đề án mà còn rất nhiều ý kiến băn khoăn, liệu rằng sắp tới đây khi Đề án đưa vào áp dụng thì các trường sẽ có những phương án triển khai như thế nào, có vướng mắc gì không khi mà trước đây cũng đã có Đề án 322 và 911 từng thực hiện chủ trương này.

Và hơn hết, nhiều người quan tâm đến chuyện các Tiến sĩ sau khi dùng tiền ngân sách để đi học xong nhưng không quay trở về nước để tiếp tục cống hiến sẽ được các trường xử lý như thế nào, có cần thiết phải cho các giảng viên ra nước ngoài để đào tạo lên trình độ Tiến sĩ hay không.

Nhằm có cái nhìn dưới góc độ của người trong cuộc, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Thành Doanh – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường đại học Điện Lực xung quanh vấn đề này. Thầy Doanh không chỉ với cương vị là lãnh đạo Phòng Đào tạo sau đại học mà còn là người từng tham gia chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài những năm trước đây.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến Đề án 89 liên quan đến việc cử giảng viên của các trường đại học ra nước ngoài để đào tạo trình độ Tiến sĩ. Vậy, trước khi có Đề án này thì bài toán về nguồn giảng viên có trình độ Tiến sĩ giảng dạy tại trường được Trường đại học Điện Lực giải quyết như thế nào?

Tiến sĩ Lê Thành Doanh: Chúng tôi đánh giá cao những quyết sách của Bộ Giáo dục trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong các trường đại học. Đặc biệt là qua việc tiếp tục triển khai việc cử các giảng viên tham gia nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án Tiến sĩ ở nước ngoài, cụ thể ở đây là thực hiện Đề án 89.

Tiến sĩ Lê Thành Doanh - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường đại học Điện Lực. Ảnh: Trung Dũng

Tiến sĩ Lê Thành Doanh - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường đại học Điện Lực.

Ảnh: Trung Dũng

Để đảm bảo cho bài toán chất lượng giảng viên nhà trường, thì không chỉ khi có các Đề án ban hành chúng tôi mới tổ chức đào tạo trình độ Tiến sĩ cho các giảng viên mà từ năm 2017, trường cũng đã có quyết định đào tạo một số ngành trình độ Tiến sĩ bằng chính từ nguồn ngân sách của nhà trường. Với điều kiện của nhà trường thì ở thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể đào tạo trình độ Tiến sĩ cho 7 ngành và 10 ngành Thạc sĩ ở tại trường luôn mà không phải cử đi đào tạo ở nước ngoài.

Về quá trình trình đào tạo trình độ Tiến sĩ thông qua con đường đi học ở nước ngoài thì trước đây, khi trường còn thuộc sự quản lý trực tiếp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có những đề án cụ thể về việc đào tạo cho một số cán bộ trong ngành. Đặc biệt, nhà trường cũng hợp tác với một số trường đại học ở Pháp và hàng năm EVN cũng có khoảng 2 -3 suất cho cán bộ để học lên trình độ Thạc sĩ, sau đó trường tiếp tục xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục cho các cán bộ này học lên trình độ Tiến sĩ. Những nguồn này hầu hết sau khi học xong đều quay trở về cống hiến cho nhà trường.

Có thể nói, chúng tôi cũng đã đúc kết được phần nào kinh nghiệm trong việc bố trí cán bộ giảng viên để đào tạo lên trình độ Tiến sĩ từ những năm trước đây. Đến thời điểm hiện tại, nếu Đề án 89 có đi vào triển khai thì chúng tôi cũng đã có những phương án sẵn sàng để cho việc cử giảng viên đi học trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài đi vào thực tiễn dễ dàng hơn.

Phóng viên: Khi chưa có hướng dẫn nào của Bộ Giáo dục về việc cử giảng viên đi học Tiến sĩ ở nước ngoài thì khâu tổ chức của Trường đại học Điện Lực đã gặp phải những khó khăn gì và mình khắc phục những khó khăn ấy ra sao? Việc Đưa đề án 89 vào thực tiễn sẽ có điểm tích cực nào với hoạt động này của nhà trường thưa thầy?

Tiến sĩ Lê Thành Doanh: Trước đây, khi trường vẫn chịu sự quản lý của Tập đoàn điện lực Việt Nam thì các gói học bổng hầu hết là do EVN tài trợ. Vì thế, không chỉ thông qua quá trình xét duyệt tại trường thì các giảng viên được cử đi học cũng cần được các trường đại học bên nước ngoài mà EVN đang liên kết gửi về thư mời chấp thuận. Lúc đó chúng tôi mới chốt lại được số lượng các giảng viên sẽ được sang bên đó làm nghiên cứu sinh.

Để làm được việc này, thì ở nước sở tại sẽ có một vài giảng viên là người Việt phụ trách. Họ sẽ đóng vai trò làm cầu nối để việc liên kết đào tạo với trường đại học Điện lực trở nên thuận lợi hơn.

Thời gian gần đây, khi thực hiện cơ chế tự chủ thì hình thức để nâng cao chất lượng giảng viên của trường cũng đã có nhiều thay đổi. Hầu hết diện cán bộ được đi học trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài của chúng tôi hiện nay sẽ không nằm dưới dạng là được cử đi nữa mà sẽ được xét duyệt hồ sơ để tránh việc những cá nhân không đủ điều kiện nhưng vẫn được đi học.

Từ đó chúng tôi sẽ căn cứ vào quy chế đào tạo Tiến sĩ, Đề án tuyển sinh hàng năm và căn cứ hồ sơ về điều kiện dự tuyển bằng mẫu đơn xét tuyển nguyện vọng của những giảng viên gửi về.

Nói đúng ra, ở nước ta để có được suất học bổng đi học trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài là điều rất khó, nên để chủ động đáp ứng việc nâng cao chất lượng giảng viên trong trường thì chúng tôi đều phải tự túc hết về kinh phí, vì thế mà quá trình rà soát cũng khắt khe hơn. Nay được khơi mở bằng đề án này, nếu có sự hỗ trợ về ngân sách của nhà nước để cho các giảng viên đi học ở nước ngoài thì đúng là cởi bỏ được nhiều gánh nặng cho chúng tôi.

Phóng viên: Ngoài Đề án 89, thầy có thể chia sẻ về những phương án đào tạo trình độ Tiến sĩ vừa tiết giảm được kinh phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của các giảng viên mà nhà trường vẫn đang áp dụng hay không thưa thầy?

Tiến sĩ Lê Thành Doanh: Từ khi Trường đại học Điện Lực có đề án ban hành 7 ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ thì những cán bộ thuộc ngành đấy được nhà trường khuyến khích là học trong nước, đào tạo tại trường. Nhà trường vẫn sẽ cấp các gói học bổng giống như khi các giảng viên được cử đi học ở nước ngoài nhưng khoản chi phí cho ăn ở và đi lại thì tiết kiệm hẳn.

Nguồn giảng viên để có thể tham gia đào tạo trình độ Tiến sĩ tại trường chúng tôi cũng đảm bảo đáp ứng. Một số ngành đặc thù mà chúng tôi chưa có cán bộ đủ điều kiện giảng dạy, nhà trường hoàn toàn có thể đứng ra thuê các giảng viên hoặc liên kết với các trường đại học khác trong nước để đảm bảo việc đào tạo cho các cán bộ này không bị gián đoạn.

Dẫu biết là nhà trường hoàn toàn có thể đứng ra đào tạo trình độ Tiến sĩ cho các giảng viên, tuy nhiên, nó cũng còn một số mặt hạn chế. Đó là về việc đào tạo giảng viên trong nước thường có tình trạng thiếu sự tập trung, không được chăm chú, chuyên tâm như các giảng viên được cử đi học ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành ở trong nước không được hiện đại như ở nước ngoài thì chất lượng các Tiến sĩ khi đào tạo tại trường một phần nào cũng bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.

Phóng viên: Trước đây, khi chưa có Đề án 89 thì cũng đã có một số đề án khác liên quan đến việc cử cán bộ giảng viên ra nước ngoài để đào tạo trình độ cao hơn được các trường áp dụng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự bất cập là việc các giảng viên sau khi hoàn thành khoá học đã không trở về nước để tiếp tục cống hiến mà ở lại nước sở tại đề làm việc với mức lương cao hơn. Vậy, để hạn chế việc này xảy ra, Trường đại học Điện Lực đã có những biện pháp gì "mạnh tay" hơn không thưa thầy?

Tiến sĩ Lê Thành Doanh: Qua các đợt tổ chức cho các giảng viên tham gia đào tạo trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài từ trước tới nay thì trường Đại học Điện Lực cũng chưa phải chứng kiến trường hợp nào sau khi học xong lại không quay trở về cả. Chỉ có một số trường hợp về muộn hơn nhưng nó vẫn nằm trong thời gian cam kết với nhà trường.

Đối với các cán bộ được cử đi học bằng nguồn ngân sách của nhà trường thì trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chúng tôi yêu cầu họ phải ký vào bản cam kết. Trong đó có điều khoản ràng buộc là sau khi học xong trình độ Tiến sĩ ở nước ngoài về thì họ phải tham gia giảng dạy tại trường liên tục tối thiểu là 15 năm.

Nếu giảng viên nào vi phạm thì chúng tôi sẽ truy thu tất cả các khoản kinh phí tính từ thời điểm họ công tác tại trường và thời điểm đi học ở nước ngoài. Khoản tiền truy thu này là rất lớn nên hầu hết các giảng viên khi đi học ở nước ngoài về đều thực hiện rất nghiêm túc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Trung Dũng