Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị: “Tôi chưa bao giờ nghe thấy cụm từ “phổ thông cao đẳng”

06/04/2022 06:51
Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua nghiên cứu các mô hình trên thế giới thì Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị chưa thấy xuất hiện cụm từ "Phổ thông cao đẳng".

Vừa qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin tới độc giả loạt bài về Phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic công khai thông tin chiêu sinh “học cao đẳng từ 15 tuổi”.

Nghiên cứu thông tin này, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị - hiện đang là trưởng nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong dự án kỹ năng cho các ngành công nghiệp- dẫn thông tin, Luật Giáo dục năm 2019 chia hệ thống giáo dục quốc dân gồm:

1. Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

2. Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

3. Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

4. Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Nhìn vào các bậc học cho thấy có sự giao thoa giữa giáo dục trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, về đối tượng tuyển sinh người học (tốt nghiệp lớp 9).

Hiện tại, giáo dục trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp đang cạnh tranh đối tượng người học này. Theo mô hình truyền thống học sinh tốt nghiệp lớp 9 sẽ qua một kỳ thi hoặc xét tuyển vào giáo dục trung học phổ thông. Song song với mô hình truyền thống, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng đề xuất và đang thí điểm mô hình 9+ để đáp ứng phân luồng đào tạo và nhu cầu của học sinh khi tốt nghiệp lớp 9.

Nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam đã từng có một mô hình là trung học Nghề, đối tượng tuyển sinh cũng là các học sinh tốt nghiệp lớp 9. Chương trình đào tạo này thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước năm 2017 với các môn học văn hóa tối thiểu, cộng với môn học nghề, thời gian học là 3 năm (còn gọi là hệ 9+3).

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị - hiện đang là trưởng nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong dự án kỹ năng cho các ngành công nghiệp (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị - hiện đang là trưởng nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong dự án kỹ năng cho các ngành công nghiệp (ảnh: NVCC)

Do đó khi phóng viên hỏi qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp ở một số nước trên thế giới họ có chương trình đào tạo “phổ thông cao đẳng” không thì Tiến sĩ Vị cho rằng: “Với góc nhìn từ các Luật liên quan tới giáo dục và đào tạo tại Việt Nam như Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Luật Giáo dục đại học 2018, thì tôi chưa nhìn thấy cụm từ “phổ thông cao đẳng” này bao giờ. Nhìn nhận ở cấp độ các thông tư, nghị định dưới luật thì tôi chưa nắm được hết. Nhưng mà nếu có cụm từ này tại các thông tư hay nghị định thì nó cũng không có ý nghĩa vì nó phải dựa vào Luật mẹ”.

Tiến sĩ Vị giả định cụm từ này có ý nghĩa, thì phải làm rõ 2 từ “Phổ thông” và “Cao Đẳng”.

Thứ nhất, nếu lấy học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông để học chương trình cao đẳng thì đương nhiên theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, nếu lấy học sinh tốt nghiệp lớp 9 sau đó bổ sung thêm “khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông” theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại Khoản 4, Điều 33). Về vấn đề này, chỉ thị 24 Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/2020 đã ghi rõ, giao cho “Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở…”.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị dự đoán, có khả năng việc có tên gọi “phổ thông cao đẳng” là “mẹo” marketing của cơ sở đào tạo để chiêu sinh người học có nhu cầu học chương trình hệ cao đẳng từ đầu vào tốt nghiệp lớp 9. Nói cách khác, các cơ sở đào tạo đang lách luật bằng cách cho học sinh tốt nghiệp lớp 9 học hơn 3 năm được cấp 02 văn bằng. Một giấy chứng nhận đã học hết khối lượng kiến thức phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và một bằng trung cấp, sau đó để các học sinh đăng ký học liên thông hệ cao đẳng.

Qua nghiên cứu các mô hình trên thế giới thì Tiến sĩ Vị chưa thấy xuất hiện cụm từ này. Tuy nhiên, có một mô hình cũng bắt đầu từ học sinh tốt nghiệp lớp 9, rất thành công, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, đáp ứng ngay nhu cầu đòi hỏi của xã hội và doanh nghiệp, đó là mô hình đào tạo KOSEN của Nhật Bản. Để có được sự thừa nhận của xã hội, của các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trên thế giới như ngày hôm nay, các điều kiện để được tham gia vào chương trình đào tạo này rất khắt khe từ cả phía người học lẫn đội ngũ giảng viên.

Chỉ có 1% học sinh trung học cơ sở được vào các trường KOSEN. Hơn 80% đội ngũ giảng viên có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực họ nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh đó, có 60 chương trình đào tạo của 41 trường trong tổng số 51 trường KOSEN đã được tổ chức kiểm định JABEE (Mỹ, tháng 3 năm 2019) xác nhận là đạt tiêu chuẩn kiểm định.

Mất ít nhất 04 năm thì học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở mới có thể có bằng cao đẳng

Về thông tin "tuyển sinh cao đẳng từ tuổi 15", tức là hết lớp 9 tuy nhiên đối chiếu với Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị cho rằng, theo mô hình truyền thống thì chỉ có 3 đối tượng đầu vào được tham gia học chương trình cao đẳng bao gồm: Đã tốt nghiệp trung học phổ thông 12/12; Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi cùng lĩnh vực; Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá và có kinh nghiệm làm việc 2 năm, theo chuyên ngành hay nghề đã được đào tạo.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng mở rộng cho đối tượng tốt nghiệp lớp 9 quy định tại theo Khoản 2, Điều 33: “Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông”.

Như vậy xét về mặt lý thuyết, học sinh có nguyện vọng học cao đẳng khi xuất phát điểm là tốt nghiệp trung học cơ sở thì cần có 03 năm học khối lượng kiến thức phổ thông và nghề ở trình độ trung cấp và 01 năm (thời gian ít nhất) để học cao đẳng theo Khoản 3, Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, thời gian tổng cộng ít nhất là 04 năm (giả định chương trình trung cấp được nối tiếp lên cao đẳng liên tục).

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng theo chuyên gia này, mô hình KOSEN, cần ít nhất 5 năm để cho ra lò một sản phẩm đúng nghĩa, với đầu vào (người học) là được chọn lọc. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên có trình độ rất cao, và các chương trình được kiểm định một cách độc lập và uy tín. Đối chiếu với mô hình của Việt Nam, rõ ràng là thời gian vênh nhau tối đa 1 năm. Chưa kể so sánh chất lượng đầu vào của học viên, chất lượng đội ngũ giáo viên và kiểm định chương trình đào tạo. Lưu ý rằng, việc bê nguyên xi một mô hình nước ngoài nào đó, nên được xem xét hết sức kỹ lưỡng các yếu tố về văn hóa, kinh tế và xã hội. Nếu không sẽ trở thành nơi "sản xuất văn bằng" mà ít giá trị.

Có một điều đáng nói ở đây là việc song hành cả khối lượng kiến thức phổ thông và khối lượng kiến thức lẫn việc hình thành kỹ năng nghề được diễn ra tại 2 nơi, 1 nơi là trung tâm giáo dục thường xuyên và 1 nơi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu các em học sinh có đủ sức khỏe đáp ứng việc học tập tại 2 nơi khác nhau? Và các em có bị quá tải về mặt kiến thức?

“Theo tôi được biết, hầu hết cơ sở đào tạo nghề đang áp dụng mô hình buổi sáng học khối lượng kiến thức phổ thông còn buổi chiều học kiến thức và hình thành kỹ năng nghề. Với thời gian học kiểu thế này thì rõ ràng sức khỏe và tinh thần của học sinh nên được coi là 1 yếu tố quan trọng cần xem xét. Trong khi đó mô hình KOSEN được thiết kế cho học viên học kiến thức phổ thông, lẫn việc hình thành kỹ năng nghề tại 1 nơi”, Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị nêu thực trạng.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản thì chuyên gia này cho rằng rất cần phải xem xét lại mô hình 9+ đang thí điểm áp dụng tại Việt Nam về mặt thời gian và địa điểm thực hiện. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục triển khai mô hình này, thì nên thí điểm ngành nghề đào tạo nào? Ngành nghề liên quan tới lĩnh vực xã hội hay liên quan tới lĩnh vực công nghệ.

Bởi thực tế triển khai quá trình đào tạo và đáp ứng các điều kiện về đảm bảo chất lượng tại Việt Nam là một thách thức.

Thứ nhất, bản chất của giáo dục nghề nghiệp là một hệ thống giáo dục, có cấu trúc không chặt chẽ và linh hoạt vì nó có thể hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho người học ở mọi nơi, mọi thời điểm khác nhau, thời lượng thời gian khác nhau, với nguyên vật liệu và đội ngũ giảng dạy không theo tiêu chuẩn nhất định tùy thuộc vào đối tượng người học.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), giáo dục nghề nghiệp có 3 loại hình đào tạo chính, hình thành kỹ năng cho lực lượng lao động, đó là chính qui (formal), không chính qui (non formal) và phi chính qui (informal).

Với vai trò về mặt quản lý nhà nước hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại thời điểm này, Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên tập trung nhiều vào loại hình đào tạo không chính qui hay nói cách khác là đào tạo tại nơi sản xuất của các doanh nghiệp. Bởi đại dịch Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng và các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng bị tác động trong việc hình thành kỹ năng cho người học do học sinh không được tới trường. Kỹ năng nghề không thể hình thành thông qua hình thức học online. Kỹ năng nghề chỉ được hình thành thông qua các trang thiết bị thực hành và uốn nắn thao tác của giáo viên. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội và các ngành công nghiệp trong 02 năm qua cũng cần phải xem xét lại.

Đối với loại hình đào tạo chính qui (có cấu trúc), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải lắng nghe các tiếng nói phản biện, nghiên cứu kỹ và cập nhật lại mô hình cho phù hợp với bối cảnh kinh tế và văn hóa.

Cụ thể, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nên là đầu mối liên kết với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, tổ chức các chiến dịch truyền thông với các thông tin cụ thể, rõ ràng nhằm thay đổi nhận thức của người học và các cơ sở đào tạo về mô hình này, bằng cách làm rõ điểm mạnh và điểm yếu của nó.

Bên cạnh đó, khía cạnh đảm bảo chất lượng cần phải được đặt lên hàng đầu trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực kể cả đào tạo tại cơ sở dạy nghề lẫn tại doanh nghiệp. Cần có chế tài nghiêm khắc hơn trong vấn đề này.

"Chính 2 việc này là cách lập lại kỷ cương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động đúng luật", Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị nhấn mạnh.

Hà Anh