Tiền bạc không phải mục đích tối thượng của nhà giáo nhưng nghèo thì khổ lắm

24/06/2022 06:42
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tình yêu nghề là chắc chắn luôn có trong huyết quản của mỗi nhà giáo nhưng một khi đồng lương eo hẹp, cuộc sống khó khăn thì tình yêu nghề liệu có còn vẹn nguyên?

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm đến nhà giáo như có chính sách phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút nhà giáo về các vùng kinh tế - xã hội khó khăn công tác... Điều đó thể hiện sự quan tâm đến các thế hệ thầy cô, những người giữ vai trò quan trọng trong nền giáo dục. Nhưng câu chuyện về lương của nghề giáo vẫn đang là nỗi trăn trở của nhiều người.

Nhiều nhà giáo trên cả nước hiện nay vẫn đang khá vất vả với cái “nghề cao quý” của mình khi thu nhập hàng tháng dù căng kéo hết cỡ vẫn khó trang trải cuộc sống sinh hoạt và chí phí hàng ngày.

Ảnh minh họa: L.C

Ảnh minh họa: L.C

Vật giá thì nhiều thời điểm leo thang vùn vụt, lương giáo viên thì 3 năm nay đứng im không có điều chỉnh nên đồng lương nhà giáo vốn đã thấp lại càng thêm khó khăn- nhất là những thầy cô giáo có thâm niên trong nghề thấp và những thầy cô mới vào nghề.

Trong khi, với một số quy định những năm qua, giáo viên còn phải chi phí học một số chứng chỉ khác nhau nên đồng lương nhà giáo thấp ngày lại càng teo tóp thêm.

Lương 3-4 triệu đồng/ tháng liệu giáo viên có duy trì được tình yêu nghề?

Thời gian qua, câu chuyện về "mục đích tối thượng" của nghề giáo không phải là tiền bạc lại được đem ra bàn luận.

Theo hiểu biết của người viết, lương giáo viên mới ra trường hiện nay nếu trình độ đại học sẽ hưởng hệ số lương 2,34, trình độ cao đẳng sẽ là 2,10 nhân với lương cơ sở 1.490.000 đồng. Sau khi trừ các loại bảo hiểm và các khoản phí khác nhau thì giáo viên mới ra trường sẽ có mức lương là trên 3 triệu đồng. Nhưng, năm đầu tiên tập sự chỉ được hưởng 85% mà thôi.

4 năm sau, lên lương bậc 2, hệ số 2,67 cũng chỉ tròm trèm ở mức 4 triệu đồng và với mức lương hiện tại, giáo viên 15 năm mới được khoảng 6,5 triệu đồng/ tháng.

Với mức lương của một giáo viên có thâm niên 15 năm tuổi nghề thì mỗi ngày có trên dưới 200 ngàn đồng- nếu độc thân thì còn đỡ khổ nhưng nếu công tác xa nhà, nếu công tác ở địa phương khác phải thuê nhà trọ thì quả là bài toán nan giải trong chi tiêu hàng ngày.

Thầy cô có thâm niên khoảng 10 -12 năm mỗi ngày được khoảng gần 200.000 đồng, những thầy cô mới ra trường đến 5 năm công tác có mức lương khoảng 110.000-130.000 đồng thì tính toán chi tiêu hàng ngày quả là bài toán không hề đơn giản.

Ai cũng hiểu, khi dấn thân và chọn theo nghề sư phạm thì chắc chắn cuộc sống sẽ không giàu sang nhưng để cái nghèo cứ mãi đeo bám thì “cái nghề cao quý” cũng sẽ thách thức với nhiều thầy cô giáo - nhất là 2 vợ chồng đều là nhà giáo và chỉ sống bằng đồng lương giáo viên.

Cơm áo không đùa…với giáo viên

Câu hỏi: “Bao giờ giáo viên mới sống được bằng chính đồng lương của mình” có lẽ vẫn ám ảnh với nhiều thầy cô giáo, nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng - tư lệnh ngành trong thời gian qua. Phần lớn giáo viên hiện nay- nhất là thầy cô giáo trẻ- nếu không làm thêm sẽ rất khó sống bằng đồng lương của mình.

Nhiều người vẫn nói lương nhà giáo không thấp trong bảng lương chung đối với công chức, viên chức. Đặc biệt, có những thầy cô giáo dạy thêm mỗi tháng mấy chục triệu đồng….

Nhưng, thực tế trên 1,3 triệu nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục hiện nay có bao nhiêu thầy cô giáo dạy thêm và học sinh đang học thêm được mấy môn? Vì thế, số đông nhà giáo vẫn đang sống bằng đồng lương chân chính và làm thêm “nghề tay trái” nhằm đảm bảo cuộc sống của mình.

Tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022”.

Trong phiên thảo luận này, Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định Nguyễn Văn Cảnh đã có phát biểu: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất, để thầy cô sống được với lương của mình.

Dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể, phải lo thêm cho gia đình.

Để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc của mình, vị Đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người”. [1]

Bản thân người viết bài này cũng đang công tác trong ngành giáo dục suốt gần hai chục năm qua, cũng từng rất trông chờ vào các chính sách phù hợp để thầy cô sống được bằng lương.

Giáo viên không dám mơ ước mức lương cao như một số ngành nghề khác nhưng có lẽ đội ngũ nhà giáo trên cả nước luôn mong muốn đồng lương được cải thiện để họ vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống đời thường.

Dù khi xác định vào học sư phạm, ra trường đi dạy học thì giàu sang không phải là tiêu chí của nhà giáo nhưng không ai muốn cuộc sống của mình phải khổ, con mình phải khổ.

Với đồng lương nhà giáo hiện nay, nếu không làm thêm, không có khoản thu nhập khác ngoài lương dạy học thì đến bao giờ giáo viên mới có đủ tiền để có thể mua một căn nhà xã hội và nuôi con ăn học như bao nhiêu gia đình khác?

Tình yêu nghề là chắc chắn luôn có trong huyết quản của mỗi nhà giáo nhưng một khi đồng lương eo hẹp, cuộc sống khó khăn thì tình yêu nghề liệu có còn vẹn nguyên giữa nền kinh tế thị trường như bây giờ?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/den-bao-gio-nghe-giao-duoc-uu-tien-nhat-thay-co-song-duoc-bang-luong-post226967.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI