Ti tỉ sổ sách, kế hoạch được chuẩn bị để đối phó "ngáo ộp" thanh tra!

08/11/2016 05:45
Nguyễn Cao
(GDVN) - Nhiều loại sổ sách giáo viên phải làm chỉ có một mục đích duy nhất là để đối phó với thanh tra, bởi nó không hề có một tác dụng gì.

LTS: Thái độ đối phó của các trường, giáo viên với các đoàn thanh tra từ Sở, Bộ Giáo dục về đã làm sản sinh ra hàng loạt các hệ lụy, bóp méo đánh giá chất lượng giáo dục, là biểu hiện của bệnh thành tích.

Thầy giáo Nguyễn Cao có bài viết phản ánh về tình trạng trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Trống tan trường đã lâu, tôi đứng chờ cậu con trai học lớp 4 mãi hơn 20 phút sau mới ra cổng.

Thấy con, tôi liền hỏi: “Hôm nay làm bài tập hay sao mà lâu vậy con?”. Nghe hỏi vậy, cậu con trai kể liền một hồi: “Không phải làm bài tập đâu ba, tại vì ngày mai trường có thanh tra nên thầy con mở đáp án trước cho các con biết kẻo mai các bạn không trả lời được”.

Nghe con trai nói vậy, tôi lại liên tưởng tới đơn vị nơi tôi đang công tác cũng đang chuẩn bị đón đoàn thanh tra của Phòng về.

Suốt tuần vừa qua, giáo viên chúng tôi liên tục nhận được tin nhắn của nhà trường nhắc nhở.

Lúc thì nhắn chuẩn bị đón đoàn thanh tra, lúc thì nhắn chuẩn bị hồ sơ sổ sách, lúc thì nhắn vào điểm sổ lớn và phần mềm điện tử.

Lên trường, thấy Ban giám hiệu cũng tất bật chuẩn bị hồ sơ sổ sách, các kế hoạch chuyên môn.

Mọi sự chuẩn bị nhằm hạn chế tối đa sai sót của đơn vị.

Mọi thành viên trong trường như tích cực hơn, chỉnh chu hơn, sân trường và nhà vệ sinh luôn được quét dọn sạch sẽ…

Chúng ta đều biết, không riêng gì ngành giáo dục mà bất cứ ở ngành nghề nào cũng cần có thanh, kiểm tra để giám sát những việc đã làm được và cả những việc chưa làm được của từng đơn vị, cá nhân.

Từ đó, biểu dương những việc đã làm được và chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, nhằm hướng tới cái đúng, cái tốt cho các đơn vị, cá nhân được thanh tra.

Bệnh thành tích đang bóp méo đánh giá hàng năm về chất lượng giáo dục! (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Bệnh thành tích đang bóp méo đánh giá hàng năm về chất lượng giáo dục! (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Những điều đó góp phần vào sự nghiệp chung của ngành giáo dục.

Vậy, vì sao mà các Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên lại sợ và ngán thanh tra, phải chăng là họ còn thiếu sót, hạn chế về năng lực hay vì một lẽ nào khác?

Dân gian có câu “phép vua thua lệ làng” nên nhiều khi các Thông tư, hướng dẫn của Bộ không hẳn được thực hiện đồng nhất ở các địa phương trong cả nước.

Bộ Giáo dục hướng dẫn giáo viên chỉ thực hiện 4 loại sổ sách, là:

Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn); Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)”.

Ti tỉ sổ sách, kế hoạch được chuẩn bị để đối phó "ngáo ộp" thanh tra! ảnh 2

Luận bàn về “chạy” trong trường học

Các tổ trưởng chuyên môn thì có thêm sổ chuyên đề. Vậy nhưng, khi về đến cơ sở thì đẻ ra muôn vàn các loại hồ sơ sổ sách khác nữa.

Nhiều loại sổ sách giáo viên phải làm chỉ có một mục đích duy nhất là để đối phó với thanh tra, bởi nó không hề có một tác dụng gì.

Nhiều Ban Giám hiệu vẫn quan niệm thà có để khỏi bị thanh tra nhắc nhở nên sổ nọ, sổ kia chồng chéo vào nhau mà đáng ra chỉ cần một loại cũng có thể bao quát hết.

Ví dụ, chỉ cần cuốn giáo án là đã có bài dạy vào ngày nào, tích hợp những môn gì, sử dụng đồ dùng dạy học nào vậy mà thay vào đó giáo viên phải làm kế hoạch tích hợp, kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học, kế hoạch tuần, kế hoạch tháng, lịch kiểm tra...

Thường, đầu năm học, giữa năm học hoặc khi chuẩn bị thi học kì thì các trường học hay phải đón các đoàn thanh tra về chuyên môn.

Thành phần trong đó đa phần là các tổ trưởng chuyên môn của các trường lớn hoặc các Hiệu phó chuyên môn, chỉ trừ ông trưởng đoàn và một vài chuyên viên Phòng, Sở (tùy vào cấp học).

Ti tỉ sổ sách, kế hoạch được chuẩn bị để đối phó "ngáo ộp" thanh tra! ảnh 3

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

Vì trước khi đi kiểm tra là Phòng, Sở đã yêu cầu gửi thời khóa biểu trước nên khi đoàn thanh tra đến trường, sau khi dựng xe là bắt đầu các thanh tra tỏa đi các lớp dự giờ.

Nhiều giáo viên đang dạy bất thình lình một vài thanh tra vào ngồi là mất bình tĩnh, nhất là những giáo viên mới ra trường.

Sau khi dự giờ là các cán bộ thanh tra bắt đầu góp ý, và điều tất nhiên là những hạn chế của tiết dạy được chỉ ra.

Nào là chưa khai thác hết chỗ này, chỗ kia, nào là có sử dụng đồ dùng dạy học nhưng khai thác chưa hiệu quả, học sinh học thụ động, giáo viên còn sót chỗ này chỗ khác…

Sau khi góp ý giáo viên là cán bộ thanh tra nộp biên bản lại cho trưởng đoàn. Kết thúc buổi thanh tra là trưởng đoàn kết luận với hàng loạt hạn chế của nhà trường. 

Biếm họa gánh nặng sổ sách của thầy cô giáo. Tranh của V.Thọ
Biếm họa gánh nặng sổ sách của thầy cô giáo. Tranh của V.Thọ

Ai cũng biết, đối với giáo viên ngày nay, ngoài chuyện giáo án, giảng dạy trên lớp, lo chấm bài, vào điểm thì có rất nhiều việc khác như hội họp, vận động học sinh bỏ học quay lại trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi, tham gia thao giảng, tiết dạy tốt…

Với hàng chục việc ngoài chuyên môn như vậy nên giáo viên ngán ngẫm với thanh tra cũng là chuyện bình thường, nhất là gặp các cán bộ thanh tra có tính áp đặt, vạch lá tìm sâu, hạch sách đủ trò…

Chúng ta không phủ nhận thực trạng giáo dục hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém do vấn đề lịch sử để lại, chính vì thế còn nhiều giáo viên đứng lớp chưa đáp ứng được nhu cầu công việc trong xu thế đổi mới của ngành.

Ti tỉ sổ sách, kế hoạch được chuẩn bị để đối phó "ngáo ộp" thanh tra! ảnh 5

Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1 chỉ là một chuyện lạ bình thường ở trường học

Một bộ phận có tư tưởng “nước đến chân mới nhảy”, khi có lịch thanh tra của cấp trên mới vội vàng hoàn thiện hồ sơ sổ sách một cách sơ sài, đối phó.

Nhiều cán bộ thanh tra chưa làm tròn trách nhiệm, cho mình cái quyền là thanh tra cấp này, cấp nọ nên hoạnh họe, bắt bẻ đủ điều mà quên đi rằng điều quan trọng nhất của người thầy đứng lớp là “sản phẩm giáo dục” chứ không phải là hàng chục loại sổ sách vô hồn, không tích sự.

Chuyện dự giờ một vài tiết của một trường học mà đánh giá cả hoạt động của một đơn vị xem ra còn quá khiên cưỡng.

Bởi không mấy giáo viên và học sinh đủ bình tĩnh khi lớp đang học có vài cán bộ thanh tra vào bất chợt thì làm sao mà lớp học không có sự dao động.

Nhất là mấy vị thanh tra cứ ngồi nhìn chằm chằm lên giáo viên đứng lớp…

Tư tưởng “sợ” thanh tra không chỉ trong giáo viên mà ngay cả các thành viên Ban giám hiệu cũng ngại. Họ ngại bị góp ý, phê bình, bị quở trách nên đâu đó nhiều nơi đã tự tạo cho mình một thói quen xấu.

Khi thấy thanh tra cấp trên về là lo “ngoại giao” nhiệt tình, sau khi kết thúc buổi thanh tra là mời đoàn đi “chỗ này, chỗ kia” để che lấp những khiếm khuyết của đơn vị mình.

Ti tỉ sổ sách, kế hoạch được chuẩn bị để đối phó "ngáo ộp" thanh tra! ảnh 6

"Ngáo ộp" thanh tra ở trường học!

Chuyện thanh tra chuyên môn của ngành giáo dục chúng ta đã nghe, chứng kiến rất nhiều.

Mặc dù Bộ giáo dục đã có hướng dẫn về việc đổi mới nội dung thanh tra, tuy nhiên đâu đó vẫn là những con người cũ, vẫn là tư tưởng cũ.

Vì thế, chất lượng thanh tra không được nâng lên mà lại đang trở thành áp lực cho các đơn vị và các giáo viên.

Tuy nhiên, chuyện thanh tra thì năm nào cũng về, cũng dự giờ và góp ý.

Và, dĩ nhiên nhiều giáo viên không muốn mình trở thành tiêu điểm của sự khiển trách khi đoàn thanh tra kết thúc nên câu chuyện “gài bài” trước cho học trò như câu chuyện cậu con trai lớp 4 của tôi không phải là hiếm trong ngành giáo dục!

Nguyễn Cao