Thưởng Tết trong nhà trường, của cho không bằng cách cho

17/01/2020 06:54
Vũ Ninh
(GDVN) - Có giáo viên hợp đồng tâm sự: “Nhiều khi cầm đồng thưởng Tết chúng tôi cảm thấy tủi thân vô cùng. Ông cha ta có câu: của cho không bằng cách cho".

Theo quy định, ngành giáo dục không có quỹ để chi tiền thưởng Tết cho giáo viên. Khoản thưởng Tết của các trường chi cho giáo viên thật ra là khoản kết dư cuối năm.

Cô giáo Hoàng Thị Xuân, đã có hơn 30 công tác trong ngành giáo dục tâm sự:

“Trường tôi kể từ khi công tác chưa năm nào có thưởng Tết. Điều này giáo viên cũng quá quen rồi. Không thưởng thì chúng tôi cũng không đòi hỏi”.

Muốn thưởng nhiều, xin mời các vị sang đó mà dạy!
Muốn thưởng nhiều, xin mời các vị sang đó mà dạy!

Tuy nhiên theo cô Hoàng Thị Xuân: Nếu không có thưởng Tết, nhà trường cũng nên có lời động viên anh chị em.

Vì cả năm chúng tôi lao động vất vả rồi. Đôi khi chỉ một bó hoa, một lời động viên cũng giá trị gấp nhiều lần món quà vật chất.

Thầy giáo Đinh Văn Hựu, giáo viên tại tỉnh Thanh Hóa vẫn nhớ năm ngoái (Tết 2019) mình được nhà trường thưởng Tết hẳn…100.000 đồng. Tất nhiên thầy Hựu không quan tâm đến số tiền lắm vấn đề là “của cho không bằng cách cho”.

Nhắc lại kỷ niệm này, thầy Hựu bộc bạch: “Tôi là giáo viên hợp đồng đã gần 10 năm. Đã là giáo viên hợp đồng và còn là môn phụ cho nên so với các đồng nghiệp khác nói thật chúng tôi không có tiếng nói bằng.

Tết năm ngoái sau khi nhà trường tổ chức ăn Tết và phát quà cho giáo viên xong hết. Chiều đến mới gọi giáo viên hợp đồng khoảng 5,6 giáo viên lên. 

Có một chị từ chối không đi. Đến trường thầy hiệu trưởng gọi vào và cho mỗi người một cái phong bì nói là nhà trường thưởng Tết.

Khi về chúng tôi mở ra thấy 2 đồng 50.000 đồng. Nhiều người đã bật khóc ngay lúc đấy. Vấn đề không phải là của cho mà là cách cho. 

Trong khi các giáo viên khác được trao thưởng Tết long trọng có hoa có quà thì chúng tôi lại được trao thưởng Tết dấm dúi như vậy. Nói ra thật sự rất tủi thân”.

Có giáo viên được thưởng chai dầu ăn, gói mì chính (Ảnh:V.N)
Có giáo viên được thưởng chai dầu ăn, gói mì chính (Ảnh:V.N)

Cô giáo Đặng Thị Hoa, năm ngoái được nhà trường thưởng cho một túi đồ Tết xúng xính gồm một chai dầu ăn và một gói mì chính. Cô Hoa cười khi nhắc đến kỷ niệm này. 

Cô cũng nói: “Năm nay hy vọng nhà trường quy ra số tiền để an hem chúng tôi có tiền sắm tết. Mì chính và dầu ăn thì chúng tôi có thiếu đâu. 

Những thứ này nhà trường không tặng thì anh em chúng tôi cũng phải mua về sử dụng.

Tuy nhiên tôi nghĩ thưởng thì ra thưởng mà quà thì ra quà. Không có chuyện quy tiền thưởng và nước mắm, bột canh được. Có những năm mang về cũng chẳng dùng vì gần hết hạn”.

Phận làm giáo viên hợp đồng, cô Đào Thị Vy (Hà Nội) cũng chẳng mong có quà này, quà khác như các đồng nghiệp khác. Cô Vy chỉ mong muốn nhà trường đối xử công bằng hơn đối với các giáo viên hợp đồng.

Nếu là tình cảm và sự tôn trọng thì một tấm thiệp cũng quý (Ảnh:V.N)
Nếu là tình cảm và sự tôn trọng thì một tấm thiệp cũng quý (Ảnh:V.N)

Cô Vy nói: “Thưởng Tết thì cũng quý thật. Nhưng các cụ có câu của cho không bằng cách cho. 

Chúng tôi là giáo viên hợp đồng cũng làm phần việc như các giáo viên khác, cũng đóng góp cho các nhà trường. Vậy vì sao lại phân biệt đối xử hợp đồng – biên chế.

Đành rằng chúng tôi chấp nhận chế độ, quà, thưởng thiệt thòi hơn so với người khác. Tuy nhiên khi nhà trường trao quà cũng nên tinh ý một chút, để ý đến cảm nhận của giáo viên. 

Ví dụ như trường tôi thì giáo viên biên chế được tổ chức hẳn một buổi tất niên trao quà. 

Còn giáo viên hợp đồng thì gọi lên cho như kiểu ban ơn. Thật sự rất buồn và tủi thân”.

Thưởng Tết giáo viên- cái tài và cái tâm của hiệu trưởng
Thưởng Tết giáo viên- cái tài và cái tâm của hiệu trưởng

Cô Vy buồn bã nói thêm: “Có những năm tiền thưởng Tết được chuyển ngang sang tiền tất niên liên hoan cuối năm. 

Có những năm tiền thưởng cho chúng tôi là 100.000 đồng mà tiền liên hoan là 150.000 đồng.

Như vậy giáo viên hợp đồng phải bỏ tiền túi ra để phụ vào tiền liên hoan.

Cuối năm, lương thấp và nhiều khoản phải chi nên chúng tôi hy vọng có thể tiết kiệm được khoản nào thì hay khoản đấy”.

Bên cạnh việc thưởng Tết, chuyện liên hoan cuối năm cũng không được nhiều giáo viên hưởng ứng. 

Theo một số giáo viên, việc liên hoan cuối năm là cần thiết tuy nhiên lãnh đạo nhà trường cũng cần phải căn cứ theo tình hình thu nhập và kinh tế của giáo viên trong trường để tổ chức sao cho phù hợp.

Thầy giáo Vũ Văn Chiến (Nam Định) chia sẻ: “Nhiều lần lãnh đạo đề xuất đi ăn nhà hàng hoặc ăn uống đến mấy ngày. 

Anh em giáo viên ai cũng tiếc tiền nhưng không đi thì cũng không được cho nên chúng tôi đành bấm bụng, nhịn ăn, nhịn tiêu để đi liên hoan.

Rồi các khoản ủng hộ, tiền quà mừng, biếu Tết.Rất nhiều loại tiền được chi cho cuối năm trong khi thưởng thì không đáng bao nhiêu”.

Của cho không bằng cách cho (Ảnh:V.N)
Của cho không bằng cách cho (Ảnh:V.N)

Thầy giáo Phạm Văn Toàn, phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nấm Lư chia sẻ:

“Ở trên vùng cao như chúng tôi. Thưởng Tết hay ngày 20-11 đôi khi chỉ là một bông hoa, bức thiệp. Nhưng giáo viên ai cũng vui. 

Tôi cho rằng thưởng to hay nhỏ, quà ít hay nhiều không quan trọng. Mà quan trọng là tình cảm của học sinh, nhà trường, phụ huynh dành cho các giáo viên.

 Người giáo viên cũng chẳng thể giàu lên hoặc nghèo đi vì mấy đồng tiền thưởng, món quà. Nhưng cái giàu tình cảm mới là cái đáng trân trọng và đáng quý nhất”.

Với những tâm sự của giáo viên nhiều nơi, hy vọng mùa Tết này các địa phương, các trường sẽ quan tâm hơn đến giáo viên đặc biệt là giáo viên hợp đồng thời vụ. 

Hy vọng rằng mùa Tết năm nay các thầy cô không còn phải than phiền, tủi thân vì món quà Tết; cũng không có những câu chuyện thưởng mì chính, nước mắm hết hạn qua loa cho xong.

Vũ Ninh