Thưởng tết sao lại tùy tâm Hiệu trưởng, kế toán?

28/01/2019 06:40
NHẬT KHOA
(GDVN) - Nếu để việc chi tết cuối năm tùy tâm của hiệu trưởng và kế toán như hiện nay thì rất bất hợp lý, bất công.

LTS: Trước những hạn chế, bất cập của việc chi “thưởng” tết cho giáo viên hiện nay, thầy Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.

Qua đó, thầy Khoa mong rằng chính sách về “thưởng” tết giáo viên sắp tới phải là chính sách phù hợp, bền vững, nó sẽ tạo ra động lực để mọi nhà giáo phấn đấu, cống hiến hết mình với nghề.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiện nay, vấn đề chính sách lương nhà giáo đang được các chuyên gia, nhân dân góp ý vào dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) và được giáo viên trong cả nước quan tâm.

Trong đó chế độ “thưởng” cho giáo viên trong dịp Tết Nguyên đán lại bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Chính sách thưởng tết cho giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn).
Chính sách thưởng tết cho giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn).

Mỗi mùa xuân về lại thêm dịp giáo viên “nuốt nước mắt vào trong”, “nghẹn ngào” nhìn “người ta” ăn tết!

Chính sách “thưởng” tết giáo viên không thể tùy tâm hiệu trưởng, kế toán

Về chính sách “thưởng” tết hiện nay, mọi người thường hay dùng từ “thưởng” tết là không chính xác lắm, giáo viên làm gì có “thưởng” tết.

Một số cơ sở giáo dục hiện nay dựa vào quỹ hoạt động của đơn vị “gói ghém” nên cuối năm có một khoản kinh phí chi cho giáo viên, gọi là thu nhập tăng thêm cuối năm.

Nhưng, từ đó bộc lộ rất nhiều bất cập, bất công, bất bình đẳng giữa các giáo viên với nhau, có trường chi cho giáo viên vài ba chục triệu đồng, có trường vài triệu đồng, cũng có trường cuối năm giáo viên chỉ nhìn nhau nghẹn ngào với phần quà gồm vài chai nước tương, nước mắm, gói mỳ chính… gọi là an ủi từ công đoàn.

Nhiều người cho rằng, để có khoản chi trên hay không là tùy tâm của hiệu trưởng và kế toán, trường nào hiệu trưởng và kế toán biết tính toán, cân đối…thậm chí “để dành” kinh phí thì cuối năm giáo viên sẽ có một phần kinh phí, còn hiệu trưởng nào “vung tay quá trán” thì cuối năm giáo viên đành cam chịu tết “trắng”.

Nhưng, thực tế việc trên cũng bộc lộ rất nhiều bất cập, có nơi hiệu trưởng tham gia nhiều phong trào, sửa chữa nhiều, mua sắm kinh phí hoạt động dạy và học tốt thì hết kinh phí nên không còn để chi cho giáo viên.

Thưởng tết sao lại tùy tâm Hiệu trưởng, kế toán? ảnh 2Trời ơi, có mấy đồng thưởng Tết, sao khổ sở thế này!

Có vị hiệu trưởng thì hầu như chi nhỏ giọt, tham gia rất ít phong trào, trường không đạt kết quả trong các phong trào…thì cuối năm chi cho giáo viên rất cao.

Trong năm học, giáo viên “nín thở” chờ xem cuối năm mình được chi bao nhiêu tiền tết, để có thêm một phần nhỏ chi phí mua sắm, lì xì tết…xem như là an ủi.

Có người cuối năm vô cùng thất vọng, oán trách hiệu trưởng, kế toán dù có trường hợp không phải do lỗi hiệu trưởng.

Ví dụ như trường đạt nhiều thành tích nên chi phong trào nhiều, trường tiếp nhiều đoàn kiểm tra, hay tiếp các đoàn kiểm định chất lượng, kiểm định trường chuẩn...thì hết kinh phí là đương nhiên.

Chi cho giáo viên cuối năm mà như trên là rất bất cập, không thỏa đáng.

Mùa tết giáo viên cũng như mọi ban ngành khác, cũng mong nhận được sự quan tâm từ nhà nước để tất cả mọi giáo viên đều cảm thấy ấm lòng, không hổ thẹn với các ngành nghề khác.

Nếu để việc chi tết cuối năm tùy tâm của hiệu trưởng và kế toán như hiện nay thì rất bất hợp lý, bất công.

Giáo viên mong có lương tháng “13”

Hàng triệu giáo viên trong cả nước không dám mong chờ được thưởng tết như các ngành kinh tế trọng điểm, hay một số ngành nghề “độc quyền” khác.

Nhưng, toàn thể giáo viên trong cả nước rất mong mỗi dịp Tết đến xuân về, mỗi giáo viên đều có một khoảng kinh phí để chi phí mùa tết, trong đó giải pháp lương tháng 13 là hợp tình, hợp lý nhất.

Dù một tháng lương của giáo viên cũng không đủ để trang trải chi phí trong mùa tết nhưng nhiêu đó cũng đủ để giáo viên ấm lòng, gắn bó với nghề hơn và luôn phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Thưởng tết sao lại tùy tâm Hiệu trưởng, kế toán? ảnh 3Thưởng Tết vẫn là từ xa xỉ đối với nhiều giáo viên

Nó còn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và các ban ngành dành cho giáo viên trong mọi miền đất nước.

Dẫu biết hiện nay ngân sách nhà nước còn rất nhiều khó khăn, nhưng đời sống của nhiều nhà giáo cũng còn thiếu thốn.

Để có thể có thêm lương tháng 13 cho giáo viên ngoài sự chung tay của các cấp chính quyền, mong sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cân đối nguồn ngân sách chi cho các đơn vị cho phù hợp.

Chính sách lương tháng 13 cho giáo viên phải được cụ thể hóa thành một chính sách cụ thể, hẳn hoi không thể để các trường mỗi nơi chi mỗi kiểu hay chi kiểu tùy tâm hiệu trưởng và kế toán như hiện nay.

Hơn nữa, Đảng ta cũng đã xác định rằng: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”.

Vì thế, không thể không chăm lo cho đội ngũ giáo viên đảm bảo đời sống để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thế thì mong ước giáo viên có tháng lương thứ 13 lẽ nào lại không thể trở thành hiện thực?

Đây là những ngày cuối năm, xin đừng để họ một lần nữa trong phút giao thừa sắp tới phải “nuốt nước mắt vào trong”!

Đó cũng là giải pháp góp phần động viên khích lệ tinh thần những giáo viên yên tâm công tác, nỗ lực nhiều hơn trong công việc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

NHẬT KHOA