Thương mại hóa giáo dục - nhận thức, thực tiễn và cơ chế quản lý

13/08/2019 15:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Sự trỗi dậy của hệ thống giáo dục tư nhân đã thổi luồng gió mới trong giáo dục tác động rất mạnh đến xã hội, giúp con em chúng ta thuận lợi hơn trong học tập.

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Thương mại hóa giáo dục - nhận thức, thực tiễn và cơ chế quản lý”.

Ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Lại Cường
Ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Lại Cường

Tới dự tọa đàm có Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Nguyễn Trãi, Chủ tịch Trường Trung học phổ thông Hà Thành;

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; 

Thầy Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Lomonoxop, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, từ xưa ông cha ta đã dạy là “phi thương bất phú”.

Chúng ta đã có thời gian dài ngăn sống cấm chợ, đương nhiên người đi buôn không giàu được và người tiêu dùng thì thiếu thốn hàng hóa, người dân cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Giờ đây, chúng ta giờ đã mở cửa, buôn bán, kinh doanh tự do đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người tiêu dùng, người dân nói chung.

Buôn bán chính là thương mại và thương mại hóa rõ ràng đã khiến xã hội tiến bộ, đời sống người dân được nâng cao, xã hội phát triển...

Hôm nay, tại cuộc tọa đàm này, chúng tôi bàn đến câu chuyện thương mại trong giáo dục.

Trước khi nói đến câu chuyện có hay không có “thương mại hóa trong giáo dục”, thương mại hóa có xấu không, có cần bàn không, cần quản lý không thì chúng ta có thể thấy thời gian qua có sự trỗi dậy của các hệ thống giáo dục tư nhân phát triển rất mạnh.

Ví dụ như hệ thống giáo dục như trường Lomonoxop, Lương Thế Vinh, Trường Marie Curie; Vinschool, Lê Quý Đôn…

Và nữa, gần đây, ở Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện các thành phố giáo dục. Mới đây gần nhất là khánh thành Thành phố giáo dục ở tỉnh Quảng Ngãi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Lại Cường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Lại Cường

Sự trỗi dậy của hệ thống giáo dục tư nhân đã thổi luồng gió mới trong giáo dục tác động rất mạnh đến xã hội và giúp con em chúng ta thuận lợi hơn trong học tập.

Nhưng đi cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục không phải công lập như thế, bắt đầu có cụm từ hay bàn là “thương mại hóa giáo dục”.

Quá trình xây dựng dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đã có đánh giá:

Dự thảo luật cần thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước đối với sự phát triển của giáo dục. Đặc biệt đối với giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm đầu tư đầy đủ, toàn diện. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng cần bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã có những chỉ đạo rất cụ thể về xã hội hóa giáo dục:

Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu một trong những quan điểm chỉ đạo là: "thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hóa" nhưng không giải thích khái niệm "thương mại hóa". Vậy hiểu thế nào cho đúng “thương mại hóa” ở đây?

Thực tế thời gian gần đây, các trường trong hệ thống giáo dục công lập nhưng lại mở rộng sang lĩnh vực khác đi ra khỏi luật pháp như trường chất lượng cao, song bằng..

Phải nói thẳng, đã ngoài Luật Giáo dục thì không được làm
Phải nói thẳng, đã ngoài Luật Giáo dục thì không được làm

Trong khi giáo dục công lập có sứ mệnh thực hiện trách nhiệm của Nhà nước về đảm bảo công bằng trong lĩnh vực giáo dục, phổ cập giáo dục và tập trung chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như quy định của Hiến pháp và Luật Giáo dục, lại đang xuất hiện xu hướng nhà trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục thu học phí cao, nhưng lại được chính quyền một số địa phương thúc đẩy, bỏ qua mọi ý kiến đóng góp, phản biện từ dư luận.

Vậy đây có phải là "thương mại hóa giáo dục" không?

Vì vậy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm số 3 với chủ đề "Thương mại hóa giáo dục - nhận thức, thực tiễn và cơ chế quản lý" mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia nhằm phân tích thực trạng nhận thức, cơ chế quản lý và kiến nghị chính sách nhằm tham mưu, góp ý với các cơ quan quản lý giáo dục, hoạch định chính sách trong việc triển khai Luật Giáo dục sửa đổi sao cho hiệu quả, đặc biệt là cụ thể hóa cơ chế chính sách xã hội hóa giáo dục.

Đỗ Thơm