Thực tập sư phạm, giáo sinh mong được học tập những gì?

03/03/2018 08:16
HỮU SƠN
(GDVN) - Chúng tôi cho rằng, ngoài điểm số, thành tích, những đợt thực tập sư phạm vô cùng có ý nghĩa và giá trị đối với các em giáo sinh chuẩn bị trở thành giáo viên.

LTS: Thực tập sư phạm là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo kiến thức, kĩ năng, giáo dục sinh viên từ đó nhằm nâng cao chất lượng người dạy trong tương lai.

Trước về vấn đề này, tác giả Hữu Sơn - một thầy giáo với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo giáo dục đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hoa, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành hóa học, Trường đại học sư phạm Quy Nhơn về thực tập tại một trường trung học phổ thông của tỉnh Bình Định chia sẻ:

Sau tết nguyên đán, chúng em vui mừng, phấn khởi khi được về trường phổ thông thực tập sư phạm .

Được làm như một người giáo viên thực thụ, lên kế hoạch hoạt động, tham gia công tác chủ nhiệm lớp, hoạt động đoàn thanh niên, thiết kế giáo án - giảng dạy ở trên lớp, viết nhật ký thực tập, báo cáo thu hoạch, cùng một số công việc khác của trường, lớp trong thời gian 8 tuần.

Chúng em trông mong nhà trường, thầy cô giáo hướng dẫn và các em học sinh ở đây luôn tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho chúng em để đợt thực tập sư phạm này đạt kết quả thật tốt”.

Thực tập sư phạm, giáo sinh mong được học tập những gì? ảnh 1Đào tạo giáo viên, không thể xem nhẹ thực tập sư phạm

Trang, nam sinh viên chuyên ngành toán Trường đại học sư phạm Huế, từng tham gia thực tập sư phạm ở một trường phổ thông ở thành phố Đà Nẵng, phân trần:

Có đi thực tập, làm việc, giảng dạy trực tiếp lên lớp với giáo viên và học sinh em mới thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của các thầy cô giáo phổ thông đã dạy dỗ mình.

Đúng là công tác giáo dục, cảm hóa học sinh cá biệt thật gian nan, phức tạp, mỗi em một cá tính, đủ “chiêu” để “qua mặt” giáo viên.

Cô giáo hướng dẫn chủ nhiệm rất chu đáo, nhiệt tình, tận tâm chỉ bảo. Em chỉ tiếc, thầy giáo hướng dẫn chuyên môn có phần hời hợt, đơn giản.

Cái gì em đưa, tiết nào em dạy trên lớp, thầy cũng đọc, góp ý rất sơ sài và bảo là tốt rồi, em chẳng biết mình còn những hạn chế, tồn tại nào cần khắc phục, sửa đổi”.

Năm nay, trường tôi đón đến 58 sinh viên thực tập sư phạm 1 và 2 với 5 đơn vị trường: Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học thể dục thể thao Đà Nẵng.

Có thể nói, số lượng sinh viên thực tập đông như vậy là “quá sức” với một trường trung học phổ thông loại 1, với 32 lớp có 91 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vì vậy, có thầy cô giáo phải hướng dẫn thực tập đến 2, 3 sinh viên.

Do nhà trường nhiều năm làm rất tốt công tác này nên các đơn vị trường đại học trong và ngoài tỉnh đã “kết” thầy, cô giáo chúng tôi.

Điều chúng tôi băn khoăn là mỗi trường lại có một cách làm và quy định hồ sơ không đồng bộ, giống nhau. Trường thì chu toàn, bài bản như Đại học Quy Nhơn, Đại học Phạm Văn Đồng.

Trường thì để sinh viên tự liên hệ, sau đó mới gởi hồ sơ, biểu mẫu về như Trường đại học thể dục thể thao Đà Nẵng, Trường đại học thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh. Có trường còn giao sinh viên thực tập thực hiện luôn việc chi trả bồi dưỡng cho giáo viên hướng dẫn.

Sinh viên thực tập sư phạm (Ảnh minh họa: tgu.edu.vn).
Sinh viên thực tập sư phạm (Ảnh minh họa: tgu.edu.vn).

Tại Quyết số 36/2003/QĐ-BGDĐT, ngày 01/8/2003 về cơ sở thực hành, thực tập sư phạm phải đạt các tiêu chí sau đây:

“Có phong trào và chất lượng giáo dục tốt. Có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đảm bảo cho sinh viên sư phạm thực hành, thực tập sư phạm. Có môi trường sư phạm tốt”.

Các tiêu chí trên hoàn toàn phù hợp dành cho việc hướng dẫn thực hành, thực tập của sinh viên sư phạm.

Thế nhưng tiêu chí: “Có đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có năng lực và kinh nghiệm sư phạm để hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên sư phạm” trong thực tế cũng chỉ đáp ứng ở mức độ nào đó.

Một số thầy cô giáo hướng dẫn thực tập từ bậc mầm non, bậc phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) năng lực, kinh nghiệm sư phạm còn hạn chế, chủ yếu dạy học theo phương pháp truyền thống (thầy đọc - trò chép), thầy trò chuyên “dạy chay, học chay”.

Mặt khác, lại thiếu trách nhiệm, quan tâm trong hướng dẫn, giúp đỡ các sinh viên thực tập làm quen, thích nghi, trưởng thành ở môi trường phổ thông.

Nhiều em sinh viên đã qua thực tập chê trách: “Cô L. hướng dẫn chủ nhiệm hay khoán trắng mọi thứ cho chúng em, cả 2 tháng chúng em thực tập, không thấy bóng dáng cô giáo ấy đến lớp sinh hoạt bao giờ.

Thực tập sư phạm, giáo sinh mong được học tập những gì? ảnh 3Kỹ năng sư phạm của giáo viên, đừng là quả thị trong mơ?

Thầy H. hướng dẫn giảng dạy của em hay nhờ chúng em dạy thay mà không ngồi dự, đánh giá, góp ý ở bên dưới.

Thầy bảo thầy có việc nọ, việc kia ở nhà, ở trường…Nhà trường quy định rất rõ ràng song vì nể và sợ thầy nên chúng em đành chấp nhận”.  

Chúng tôi cho rằng, ngoài điểm số, thành tích, những đợt thực tập sư phạm vô cùng có ý nghĩa và giá trị đối với các em giáo sinh chuẩn bị làm giáo viên thực thụ.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các thầy, cô giáo - bậc đàn anh, người đi trước trong việc dìu dắt, hướng dẫn thực tập cho các đàn em - sinh viên sư phạm là rất lớn lao, cần có các biện pháp phối hợp thật tốt giữa các trường đại học, cao đẳng và các trường mầm non, trường phổ thông.

Tổ chức đi thăm nom, kiểm tra việc chấp hành, thực hiện nội quy của nhà trường ở sinh viên thực tập như thế nào.

Ban Giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra tiến độ hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các em giáo sinh đến đâu rồi…

Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình hướng dẫn - thực tập, kịp thời tháo gỡ, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc, giúp các em giáo sinh thêm tự tin, phấn chấn vào năng lực, chuyên môn của mình. Có vậy, mới đúng nghĩa là đi thực tập sư phạm.   

HỮU SƠN